Đấu thầu tập trung, coi chừng quay lại ‘vết xe đổ’?
Sở Y tế TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM xem xét cho ý kiến về việc lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế cho ngành y tế công trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động độc lập, khách quan… để thực hiện một cách minh bạch, thống nhất về giá.
Từng giải thể trung tâm mua sắm tập trung
Từ trước năm 2013, các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM được đấu thầu riêng lẻ. Điều này dẫn đến mỗi nơi trúng thầu một giá dù cùng chủng loại, đó là bất cập, dẫn đến khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), chưa kể có sự không minh bạch. Chính vì lẽ đó, ngày 24.1.2013, UBND TP.HCM ra quyết định thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế trực thuộc Sở Y tế (gọi tắt là Trung tâm mua sắm). Trong giai đoạn chờ đấu thầu tập trung về thuốc, TP.HCM không cho các BV nối thầu theo gói thầu cũ mà buộc áp thầu theo kết quả thầu của BV Chợ Rẫy, điều này đã giúp VN Pharma hưởng lợi rất lớn. Nhưng khi chính thức đi vào đấu thầu thì sao?
Giai đoạn 2014 – 2016, Trung tâm mua sắm tổ chức 6 gói thầu thuốc. Cụ thể, năm 2014 thực hiện 2 gói thầu thuốc (generic, biệt dược) với 2.179 mặt hàng, giá trị hơn 9.603 tỉ đồng. Nhưng kết quả trúng thầu chỉ có 1.678 mặt hàng (77% kế hoạch), giá trị gần 7.100 tỉ đồng. Năm 2015 thực hiện 2 gói thầu thuốc với 3.055 mặt hàng, giá trị hơn 9.000 tỉ đồng. Kết quả trúng thầu là 2.465 mặt hàng (81% kế hoạch), giá trị hơn 7.742 tỉ đồng. Năm 2016 thực hiện 2 gói thầu thuốc với 413 mặt hàng, giá trị hơn 1.569 tỉ đồng (chỉ mua sắm tân dược có trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương và được áp dụng hình thức đàm phán giá). Kết quả trúng thầu là 351 mặt hàng (85% kế hoạch), giá trị hơn 1.325 tỉ đồng.
Còn đối với vật tư y tế (VTYT), Trung tâm mua sắm tổ chức 9 gói thầu với 4.195 mặt hàng, giá trị hơn 2.813 tỉ đồng. Nhưng chỉ có kết quả lựa chọn nhà thầu của 4 gói thầu vào tháng 5.2016. Số mặt hàng trúng thầu là rất thấp so với kế hoạch (khoảng 50%); 5 gói thầu còn lại không thực hiện do giải thể Trung tâm mua sắm. Đối với gói thầu trang thiết bị y tế (TTBYT), Trung tâm mua sắm tổ chức 12 gói thầu, 205 mặt hàng, tổng giá trị các gói thầu là 369 tỉ đồng. Sau cùng chỉ có kết quả lựa chọn nhà thầu 1 gói thầu xe cứu thương; 1 gói thầu thiết bị lọc máu, thận nhân tạo phải hủy thầu do các hồ sơ dự thầu đều không đáp ứng hồ sơ mời thầu; 10 gói thầu còn lại không thực hiện do giải thể Trung tâm mua sắm.
Đến ngày 14.10.2017, UBND TP.HCM ra quyết định giải thể Trung tâm mua sắm.
Nhìn nhận sau này, Sở Y tế cũng đã thấy được việc thiếu con người đủ chuyên môn, thiếu cơ chế chính sách đồng bộ và những bất cập về sử dụng thuốc, VTYT, TTBYT của từng đơn vị mà không thể “quơ” hết về đấu thầu 1 nắm trong mua sắm tập trung.
Các chuyên gia nói gì?
Mới đây, BV Chợ Rẫy thiếu thuốc ức chế miễn dịch cho người ghép thận, đây là thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, nhưng đấu thầu không được nên trả về cho các BV đấu thầu, do BV chưa làm kịp dẫn đến bệnh nhân thiếu thuốc. Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế tỏ vẻ nghi ngại khi đấu thầu tập trung và “vết xe đổ” có thể lặp lại.
Một chuyên gia (có nhiều kinh nghiệm trong mua sắm tập trung thuốc, VTYT, TTBYT) cho rằng, y tế công TP.HCM là chủ lực với 78 đơn vị. Về thuốc, nếu đấu thầu tập trung, 1 gói thầu sẽ có 1 người trúng thầu, điều này dẫn đến nguy cơ cao… đứt hàng do nhà thầu không thể cung cấp xuể. Bên cạnh đó, nhà thầu tham gia phải có năng lực cung cấp đủ hàng cho cả TP, điều này những BV nhỏ và vừa sẽ không tham gia đấu thầu được, vì đa phần doanh nghiệp (DN) chỉ mua đi bán lại.
“Còn về VTYT, mỗi đơn vị xài hàng đều khác nhau, phụ thuộc vào thói quen tay nghề… Nếu mua 1 loại mà xài hết cho các BV là rất khó. Về TTBYT, mỗi BV một kiểu, người thích hãng này, người thích hãng khác, người thích hiện đại hơn 1 chút. Do đó, nếu mua 1 loại máy xài hết cho cả TP cũng là rất khó”, chuyên gia này góp ý.
Chuyên gia này đề xuất trong đấu thầu phải tuân thủ công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Công bằng là tạo sân chơi đầy đủ cho mọi nguời tham gia, không chèn ép ai. Công khai là mua cái gì thì nói rõ cái đó, tại sao thích mặt hàng đó. Minh bạch là tổ chức cho mọi người cùng tham gia đấu thầu, ai trúng theo yêu cầu và giá cả hợp lý là xong.
Theo vị này, nếu sợ về giá cao thì yêu cầu đơn vị tham gia thầu trước khi lập dự toán phải tham khảo giá ở các nguồn khác nhau, nếu công bố giá không đúng thì đơn vị đó chịu trách nhiệm chứ không phải bên mời thầu. Đơn vị thẩm định giá chịu trách nhiệm về thẩm định của mình, vì BV không có nhiều công cụ để kiểm tra. Trong TTBYT, nếu công nghệ gần như là tương đồng với nhau thì không thể khác giá chênh lệch “trên trời, dưới đất”. Không thể chấp nhận 2 công nghệ tương đồng nhau nhưng chế ra thêm 1 số tiện ích (như xuất hình ảnh ra tivi) để làm giá. Nếu 2 công nghệ khác nhau thì giá khác nhau là chấp nhận.
Lãnh đạo một BV hạng 1 tại TP.HCM nhìn nhận, năm 2014 đấu thấu tập trung nhưng không được gì nên mới trả về cho các BV. Với VTYT, thời gian đó BV không có gì xài nên mua “tùm lum” để xài. Như TTBYT, máy siêu âm, siêu âm tim, siêu âm cho phụ sản, siêu âm ung bướu là khác nhau, nhưng gom lại để đấu thầu “máy siêu âm” nên không thể ra kết quả được là chuyện hiển nhiên. Do đó, nếu bây giờ mua sắm tập trung trở lại thì sợ sẽ khó khăn như các năm trước đây.
Minh bạch giá, cho đấu giá
Theo một chuyên gia về đấu thầu, Bộ Y tế và các ngành muốn kéo giá thuốc, VTYT, TTBYT trở lại giá thực của nó và mua sắm đồng nhất giá trên toàn quốc. Nhà nước đã ra rất nhiều công cụ kiểm soát giá, như yêu cầu DN kê khai giá nhưng không được bán cao hơn là kê khai. Còn ai kiểm tra giá kê khai của DN, đó là Bộ Y tế và Bộ Tài chính chứ không thể nào bắt các BV kiểm tra. Khi các công cụ kiểm soát giá tốt thì cứ để các BV tự đấu thầu hay hơn. Ai sai ở đâu xử lý chỗ đó.
“Đã có công cụ quản lý từ từ tập cho các BV đi vào nền nếp. Nếu bây giờ mà mua sắm tập trung sẽ dẫn đến đứt hàng, hạn chế phát triển của DN. Chưa kể, 30 người không thể làm được Trung tâm mua sắm tập trung. 30 người này tự làm, tự bơi thì sẽ “chết chìm”. Ví dụ 1 loại thuốc có 10.000 mặt hàng, nhưng có 3 nhà thầu tham gia thì có 30.000 mặt hàng. Sức đâu đọc hết được giấy phép lưu hành của 30.000 mặt hàng này”, vị chuyên gia đấu thầu đặt vấn đề.
Thống nhất giá trần và đấu giá công khai
Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cũng cho rằng lập Trung tâm mua sắm tập trung người ngoài ngành không thể mua được vì thuốc, VTYT, TTBYT xuất phát từ nhu cầu các BV. Việc mua sắm tập trung là hướng đến sự tốt đẹp, bởi hiện nay không ai dám mua gì sau nhiều vụ án đã xảy ra. Nhưng quan điểm là không nên lập trung tâm mua sắm tập trung, vì đã có bài học nhãn tiền. Với TTBYT, Bộ Y tế cần đưa ra những công ty đủ tư cách, những mặt hàng đúng tiêu chí kỹ thuật. Bộ Y tế, Bộ Tài chính, thuế, hội đồng các BV ngồi với nhau thống nhất ra một giá trần và đưa ra đấu giá công khai.
“Khi đã có các công cụ, BV đấu thầu hay Trung tâm mua sắm tập trung đấu thầu cũng vậy thôi. Trung tâm mua sắm tập trung mà sai thì sai lớn hơn, còn ở BV, BV nào sai thì xử lý BV đó”, vị này nói (Thanh niên, trang 5).
Bác sĩ trẻ về cơ sở: Không chỉ là “chia lửa”
Sau hơn 3 tháng tham gia chương trình thực hành tại bệnh viện gắn với thực tập tại tuyến y tế cơ sở, các bác sĩ trẻ của TPHCM đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Họ không chỉ “chia lửa”, mà còn được kỳ vọng góp phần quan trọng giải quyết căn cơ tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Cơ hội và thử thách
Trong căn phòng thoáng, sạch của Trạm y tế phường Hiệp Thành (quận 12), người lớn, trẻ nhỏ lố nhố ngồi đợi tới lượt khám bệnh. Bác sĩ trẻ thực tập Nguyễn Thị Quỳnh Trang vừa thăm khám, vừa ân cần hỏi han từng người: “Chị làm xét nghiệm chưa? Anh khai báo online ở đây nhé! Bác ngồi ghế để con đo huyết áp cho…”. Người đợi khám chưa hết thì chuông điện reo vang, tổ trưởng ở khu phố 1 báo có trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết cần bác sĩ Trang xuống hỗ trợ gấp.
Bàn giao công việc lại cho đồng nghiệp, bác sĩ Quỳnh Trang xuống ngay địa bàn. Vừa đi, chị vừa tâm sự: “Ban đầu về trạm y tế thực tập, tôi cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng dần cũng quen với cường độ công việc. Cứ nghĩ trạm y tế thì không nhiều việc, nhưng lại khác xa với tưởng tượng, mọi người rất vất vả. Đợt này dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp trên địa bàn, tôi và đồng nghiệp 5-6 giờ sáng đã có mặt tại trạm để đi chống dịch”.
Thời gian qua, bác sĩ Phạm Đăng Toàn cũng tất bật ở Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) với hàng núi công việc. Chúng tôi gặp bác sĩ Toàn khi anh vừa đi thăm khám, phát thuốc cho 2 trường hợp F0 tại địa bàn. Trò chuyện đôi câu, anh đã vội vã xuống khu phố 5 để hỗ trợ phun khử khuẩn một ổ dịch sốt xuất huyết vừa được phát hiện. Mỗi tuần, bác sĩ Toàn trực ở trạm y tế 3 ngày, 4 ngày còn lại thực hành tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Nói về quyết định xuống trạm y tế công tác, bác sĩ Toàn chia sẻ: “Xung phong về thực hành tại trạm y tế vì muốn được trực tiếp gần người dân. Nhờ đó, học được rất nhiều điều mà sách vở, nhà trường không dạy hết được”.
Bác sĩ Quỳnh Trang và bác sĩ Đăng Toàn là 2 trong 297 bác sĩ trẻ tốt nghiệp Khoa Y, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, niên khóa 2015-2021, được tăng cường về y tế cơ sở tại 21 quận huyện và TP Thủ Đức từ tháng 2-2022. Họ đã quen với môi trường mới, ai cũng nỗ lực hết mình trong công việc. Bởi họ có chung suy nghĩ: Đây là cơ hội, thử thách, rèn luyện bản thân, đồng thời tận dụng tốt thời gian quý báu này để giúp ích cho đời.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Đầu năm 2022, Sở Y tế TPHCM chính thức triển khai hoạt động đầu tiên trong Đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, khi đưa gần 300 bác sĩ trẻ về tăng cường cho các trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố (gọi tắt đề án). Đây là đề án mang tính đột phá riêng của thành phố. Một thuận lợi không nhỏ cho đề án khi tại kỳ họp thứ 5, HĐND TPHCM khóa X vào đầu tháng 4 vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Theo đó, mức hỗ trợ bác sĩ khi thực hành tại y tế cơ sở là 60 triệu đồng/18 tháng; 30 triệu đồng cho điều dưỡng, hộ sinh trong 9 tháng; người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng…
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Bình, bên cạnh việc giúp bác sĩ trẻ có điều kiện cọ xát, củng cố năng lực xử trí ban đầu, thể hiện vai trò và trách nhiệm của một người thầy thuốc đối với cộng đồng, đề án cũng bộc lộ một vài hạn chế. Bác sĩ mới tốt nghiệp và trong quá trình làm việc đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, trong khi nhu cầu bác sĩ tổng quát cho tuyến y tế cơ sở lại cần thiết hơn. Vì vậy, để giữ chân bác sĩ trẻ yên tâm công tác, ngoài cơ chế chính sách đã được HĐND TPHCM thông qua, thành phố cần có thêm cơ chế luân chuyển họ sau 5 năm, chứ không bắt buộc bám trụ cả đời ở y tế cơ sở.
Bác sĩ Hồ Lê Anh Khoa (thực hành tại Trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú) lại mong được thành phố quan tâm tháo gỡ việc thiếu thuốc cho người bệnh có bảo hiểm y tế. Lý do trạm y tế ít người dân đến khám là do họ chưa tin tưởng nhiều và không được cấp thuốc đều như bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Khoa chia sẻ: “Thực hành ở trạm y tế khá phù hợp với bác sĩ chuyên ngành đa khoa gia đình, chẩn đoán hình ảnh, tai mũi họng, nhưng để chúng tôi an tâm công tác, ngoài thu nhập thì việc nâng cao tay nghề rất quan trọng”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu cho rằng, việc đưa bác sĩ về cơ sở, trước là có lợi cho dân, sau là giúp giảm tải hệ thống điều trị là chuyện không mới, nhưng là bước đột phá cần phải kiên trì thực hiện để cho “trái ngọt”.
Thành phố cần tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các phần mềm tại các trạm y tế, đảm bảo liên thông với các tuyến trên. Tiếp đó, một số trạm y tế hiện còn thiếu bác sĩ cơ hữu cần được bổ sung kịp thời để hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm với các mô hình bệnh tật tại địa phương cho bác sĩ trẻ. Nếu được quan tâm tháo gỡ sớm và bổ sung kịp thời, người dân mới yên tâm đến trạm y tế khám chữa bệnh, bác sĩ trẻ cũng không bị “thất nghiệp” (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
5 ngày liên tiếp, Việt Nam không có ca Covid-19 tử vong
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua (tính từ 16h ngày 29-5 đến 16h ngày 30-5), trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.118 ca nhiễm mới Covid-19 tại 45 tỉnh, thành phố (tăng 228 ca so với ngày trước đó); đồng thời không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Như vậy, 5 ngày liên tiếp, Việt Nam không có ca Covid-19 tử vong.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Nghệ An (giảm 39 ca), Hà Nội (giảm 21 ca), Hòa Bình (giảm 13 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 265 ca), Hải Dương (tăng 43 ca), Hải Phòng (tăng 20 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.186 ca/ngày.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Bắc Ninh (265), Hà Nội (261), Yên Bái (62), Hải Dương (52), Quảng Ninh (42), Hải Phòng (36), Đà Nẵng (35), Tuyên Quang (31), Vĩnh Phúc (28), Thái Nguyên (25), Hà Giang (24), Thái Bình (23), Phú Thọ (22), Nghệ An (21), Quảng Bình (19), Lào Cai (17), Bắc Kạn (15), Hưng Yên (14), thành phố Hồ Chí Minh (11), Hà Tĩnh (11), Hòa Bình (8 ), Điện Biên (7), Lạng Sơn (7), Nam Định (7), Quảng Ngãi (6), Lâm Đồng (6), Bà Rịa – Vũng Tàu (6), Hà Nam (6), Cao Bằng (6), Sơn La (6), Bắc Giang (5), Gia Lai (5), Quảng Trị (4), Lai Châu (4), Khánh Hòa (4), Bình Thuận (4), Bình Dương (3), Ninh Bình (2), Vĩnh Long (2), Đồng Nai (1), Bình Định (1), Bến Tre (1), Đồng Tháp (1), Hậu Giang (1), Cà Mau (1).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.718.369 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.260 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.710.611 ca, trong đó có 9.453.724 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.600.234), thành phố Hồ Chí Minh (609.368), Nghệ An (484.563), Bắc Giang (387.569), Bình Dương (383.774).
Về tình hình điều trị, có thêm 8.189 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.456.541. Ngoài ra, hiện có 144 bệnh nhân đang thở ô xy.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.078 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm (Hà Nội mới, trang 7).
Hai lần phẫu thuật liên tiếp “hồi sinh” bé gái sinh non
Ngày 30-5, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay vừa cứu sống bé gái sinh non, rất nhẹ cân, mắc dị tật phình đại tràng bẩm sinh (bệnh Hirschsprung), bệnh màng trong kèm nhiều bệnh lý phức tạp.
Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi P.T.T. (song thai sinh non 32 tuần) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hạ đường huyết, bệnh màng trong (còn gọi là hội chứng suy hô hấp sơ sinh), viêm phổi nặng, rất nhẹ cân (1,5kg), theo dõi nhiễm trùng sơ sinh.
Những ngày tiếp theo bệnh nhi không đi cầu được, bụng chướng. Bác sĩ điều trị cho bệnh nhi bằng dịch truyền, kháng sinh, thở oxy. Sau khi làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân chướng bụng, bác sĩ xác định bệnh nhi mắc thêm dị tật phình đại tràng bẩm sinh.
Ngày 29-4, bác sĩ làm phẫu thuật lần đầu xử lý bệnh Hirschsprung cho bệnh nhi. Tuy nhiên sau đó bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị thủng dạ dày và tiến hành mổ lần 2 vào ngày 1-5.
Sau mổ, bệnh nhi được hồi sức hậu phẫu điều trị tích cực bằng thở máy, chống sốc, kháng sinh đặc hiệu liều cao, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần với dinh dưỡng năng lượng cao. Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống nhiễm trùng bệnh viện.
Sau hơn 3 tuần hồi sức tích cực, nằm lồng ấp thở máy, bệnh nhi dần hồi phục và bú được, đi tiêu qua hậu môn tạm. Bệnh nhi sau đó được chuyển sang khoa sơ sinh khi tình trạng khá hơn.
Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ Vũ Công Tầm – trưởng khoa phẫu thuật gây mê – hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai – không khỏi xúc động cho biết rất vui vì cứu sống được bệnh nhi quá non yếu lại mang nhiều bệnh lý phức tạp như vậy.
“Đã nhiều lúc nghĩ bé không thể sống được, nhưng không vì thế mà buông tay. Chúng tôi vẫn quyết tâm kiên trì nâng dần từng chút sức lực bệnh nhi cho đến khi bé vượt qua cơn nguy kịch. Sự hồi sinh thật kỳ diệu. Điều này mang lại niềm vui vô bờ cho đội ngũ nhân viên y tế đã điều trị cho bé và gia đình” – bác sĩ Tầm bộc bạch.
Cũng theo bác sĩ Tầm, sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhi tăng cân lên 2kg, đi cầu phân vàng qua hậu môn tạm, bụng không chướng. Mặc dù tổng trạng của bé còn nhẹ cân song vì mẹ bé sinh mổ, phải chăm một chị sinh đôi với bé T. nên gia đình đã đưa bé về nhà để dễ chăm sóc (Tuổi trẻ, trang 4).
Bị ợ hơi nhiều, có đáng lo?
Nhiều người trẻ đến bác sĩ khám bệnh than phiền “tôi rất hay bị ợ hơi”, tiếng ợ hơi to đến mức người bên cạnh nghe rõ được. Tại sao lại bị ợ hơi nhiều như vậy? Đây có phải là triệu chứng của những bệnh nguy hiểm?
Anh H.T.V., 20 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức (TP.HCM), lo lắng do thời gian gần đây khi càng thức khuya thì anh càng bị ợ hơi nhiều. Không chỉ ban đêm anh ợ “ầm ĩ” mà ban ngày khi đi làm việc, giao tiếp với nhiều người, lâu lâu anh lại ợ một cái rõ to khiến anh cảm thấy rất ngại.
Anh V. băn khoăn không biết “thủ phạm” gây triệu chứng ợ hơi này là bệnh gì? Có nguy hiểm hay không? Bạn bè anh khuyên anh nên sớm đi bác sĩ khám.
Đi tìm thủ phạm “ợ hơi”
Thạc sĩ – bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên bộ môn nội tổng quát phân môn tiêu hóa – gan mật Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết thức khuya không gây ra ợ hơi nhưng thức khuya có thể là một yếu tố kích khởi gây ra ợ hơi.
Bác sĩ Lưu Phương cho biết thức khuya nhiều sẽ gây ra những xáo trộn trong hoạt động đường tiêu hóa, đặc biệt ở đường tiêu hóa phía trên.
Đường tiêu hóa phía trên có thực quản, bao tử, ruột non đoạn đầu. Bản thân đường tiêu hóa dù trên hay dưới cũng hoạt động một cách tự động, liên quan đến hệ thần kinh và nội tiết.
Hoạt động của hệ thần kinh thực vật bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thức khuya, sinh hoạt ngủ nghỉ không điều độ, những cảm xúc tình cảm hoặc những stress về thể chất lẫn tinh thần.
Thức khuya là một trong những yếu tố kể trên nên có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng sẽ gây ra kích hoạt cảm giác như cảm giác bị đau bụng, đi vệ sinh nhiều lần, có người bị tiết axit nhiều gây loét bao tử, có người bị tiết dịch tiêu hóa và co bóp lộn xộn gây ợ chua, ợ hơi.
Triệu chứng ợ hơi có thể báo hiệu mắc bệnh đường tiêu hóa như loét bao tử, ngoài ra triệu chứng ợ hơi còn báo hiệu do người đó thức khuya nhiều nên bị stress hoặc có thể là những dấu hiệu của ung thư bao tử tình cờ khởi phát trong giai đoạn này.
Những người thức khuya thường hay ăn chất bột đường hoặc uống một loại nước nào đó như nước ngọt nên sẽ sinh hơi nhiều, một số người bị sôi bụng, một số người bị ợ hơi lên.
Do vậy, đầu tiên cần điều chỉnh việc thức khuya vì thức khuya đã tác động đến việc ợ hơi mà nhiều người không biết. Những người phải đi làm ca đêm trong nhiều năm, cho dù cả ngày hôm sau được ngủ suốt thì những người này vẫn được tính là làm công việc nặng nhọc, mất nhiều sức lao động.
Thế nên, nhiều bạn trẻ không phải lao động đêm nhưng lại tự đưa mình vào “lao động nặng nhọc” như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Thức khuya nhiều gây suy nhược thần kinh, rối loạn giấc ngủ, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, dễ bị đái tháo đường… Bác sĩ Lưu Phương khuyên những người trưởng thành không nên thức khuya mà nên đi ngủ trước 23h. Một người trưởng thành nên ngủ từ 6 đến 8 tiếng, tùy vào cơ thể từng người.
Bác sĩ Lưu Phương gặp nhiều trường hợp than phiền bị ợ hơi khi thức khuya. Sau khi khám, những người bệnh này được chẩn đoán viêm dạ dày cấp. Tuy nhiên, có những trường hợp khi tìm hiểu bác sĩ thấy những người bệnh này có dấu hiệu trầm cảm như mất ngủ, lo lắng…
Những người này thường có những khúc mắc trong cuộc sống làm họ không ngủ được, càng thức khuya lại càng bị ợ hơi nhiều.
Sau khi được bác sĩ tư vấn, điều trị bệnh trầm cảm, hỗ trợ những bệnh tiêu hóa kèm theo, những người bệnh này đã trở về bình thường. Nhưng nếu những trường hợp này không điều trị, để lâu dài sẽ làm bệnh tiêu hóa và bệnh trầm cảm ngày càng nặng thêm.
Nỗi khổ đi vệ sinh nhiều lần trong ngày
Anh P.T.C., 38 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), trung bình đi vệ sinh từ 5 – 7 lần trong ngày. Ngay cả ban đêm khi đang ngủ anh cũng phải dậy đi vệ sinh từ 2 – 3 lần.
Bác sĩ Lưu Phương cho rằng với những người đi vệ sinh nhiều lần trong ngày (từ 4 lần/ngày trở lên) thì sẽ được chia thành hai nhóm.
Nhóm 1 là những người trên 45 tuổi. Những người này nếu đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, kéo dài trên 2 tuần thì phải đi nội soi sớm vì có thể bị u lành hoặc ung thư ruột hoặc một số bệnh về viêm loét hoặc lao ruột…
Còn với nhóm 2 là những người dưới 45 tuổi, đặc biệt là nhóm dưới 40 tuổi, thì thường bị hội chứng ruột kích thích hoặc bị dị ứng với rượu bia hoặc một số loại thức ăn sống.
Nhóm dưới 45 tuổi cũng có những bệnh ở nhóm trên 45 tuổi, nhưng tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn. Với những người dưới 45 tuổi đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, kéo dài trên 2 tuần thì chưa có gì trầm trọng, nhưng nếu kéo dài trên 3 tháng thì cần được đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tầm soát bệnh vì có thể mắc các bệnh của nhóm trên 45 tuổi như đã kể trên.
Ngoài ra, những người không dung nạp được sữa mà uống sữa cũng sẽ bị đi vệ sinh nhiều lần trong ngày. Người càng lớn tuổi thì khả năng dung nạp sữa sẽ ngày càng kém dần. Trong ruột con người, để hấp thụ được sữa do động vật có vú tiết ra kể cả sữa mẹ, phải có men LACTASE mới phản ứng để tiêu hóa sữa thì ruột mới hấp thụ được.
Theo tự nhiên, trẻ nhỏ có men LACTASE nhiều nhưng theo thời gian men này sẽ giảm đi. Càng lớn tuổi thì khả năng dung nạp sữa sẽ càng giảm.
Bác sĩ Lưu Phương khẳng định sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt, đặc biệt là canxi. Mọi người đều có thể uống sữa hằng ngày. Tuy nhiên, tùy vào khả năng dung nạp sữa của mỗi người mà uống theo lượng sữa mà bác sĩ dinh dưỡng khuyên chứ không nên uống bằng mọi giá (Tuổi trẻ, trang 14).
Quản Trọng Đoàn