121 nhân viên y tế ở TP. HCM tiếp xúc với 2 bệnh nhân Covid-19 mới đều âm tính
Quá trình 2 bệnh nhân mới nhiễm COVID-19 tại TP.HCM đã di chuyển đến 3 bệnh viện (BV) lớn tại TP.HCM, tiếp xúc với 121 nhân viên y tế. Đến nay tất cả những nhân viên y tế trên đều âm tính với SARS-CoV-2. PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh “đó không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà là sự nỗ lực nâng cao cảnh giác của đội ngũ y tế tại các bệnh viện. Từ khi TP.HCM kết thúc đợt dịch bệnh đầu tiên đến khi liên tục nhiều ca bệnh được công bố tại Đà Nẵng, tại TP.HCM chưa có ca bệnh mới nhưng các BV, cơ sở y tế trên địa bàn TP vẫn chưa một phút lơ là”.
Hiện nay, tại TP.HCM tình hình dịch bệnh đã chuyển sang tình huống mới, Sở Y tế đã ngay lập tức chỉ đạo các cơ sở y tế, BV trên địa bàn cập nhật thông tin khai báo y tế để kịp thời sàng lọc, khoanh vùng đối với những trường hợp có đến Đà Nẵng từ ngày 1/7 đến nay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Hà Nội kích hoạt hệ thống phòng dịch toàn thành phố
Phát hiện nhanh, xét nghiệm sớm, cách ly kịp thời, giám sát chặt chẽ, người dân tự giác cách ly và chủ động theo dõi sức khỏe – đó là chủ trương của lãnh đạo TP. Hà Nội trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 (chi tiết xem báo). (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Quản lý chặt chẽ người nước ngoài để phòng dịch COVID-19
Trước các diễn biến mới của dịch COVID-19, là địa bàn trọng điểm du lịch của cả nước, mỗi ngày đón nhiều ngàn lượt khách nên UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chỉ đạo toàn tỉnh này phải khẩn trương rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú người nước ngoài nhằm phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép để xử lý, phòng ngừa lây lan bệnh dịch COVID-19.
Không được lơ là
Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa đánh giá: Là địa phương phát triển mạnh du lịch, có cảng hàng không, cửa khẩu nên việc phòng, chống COVID-19 rất quan trọng. Tại sân bay quốc tế Cam Ranh, ngành y tế vẫn kiểm soát ổn định. Các đơn vị chức năng duy trì liên tục việc thực hiện các biện pháp kiểm tra, phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 với hành khách theo các chuyến bay kể từ khi dịch bùng phát. Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, người nước ngoài nhập cảnh được giám sát rất chặt chẽ.
Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài cho biết: Tỉnh Khánh Hòa quyết định kích hoạt lại kế hoạch ứng phó phòng, chống COVID-19. Để hạn chế tối đa việc bùng phát, lây bệnh từ người nước ngoài, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa ban hành văn bản chỉ đạo khẩn các ngành như: Công an, Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, trên địa bàn tỉnh cùng các đơn vị liên quan phải tức tốc kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, thực hiện các biện pháp cách ly đối với các trường hợp người nước ngoài, khách du lịch nước ngoài nhập cảnh trái phép. Khi phát hiện các hành vi sai trái trong phòng, chống COVID-19 phải xử lý nghiêm, tránh buông lỏng.
Trong quá trình kiểm tra, rà soát người nước ngoài, ngày 27/7, Công an Khánh Hòa đã phát hiện 9 trường hợp người Trung Quốc (6 nam, 3 nữ) nhập cảnh trái phép vào thành phố Nha Trang. Các đối tượng này sau khi thực hiện trót lọt hành vi nhập cảnh trái phép đã thuê nhà tại số 28-29-30, đường Lê Văn Hưu, xã Phước Đồng, TP Nha Trang để sinh sống suốt nhiều ngày qua. Nhiều người dân địa phương cho biết, hành tung của nhóm người Trung Quốc này khá bí ẩn. Ngành y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ với nhóm đối tượng này. Công an Khánh Hòa điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.
Cách ly nghiêm ngặt
Để đảm bảo tốt công tác quản lý người ngoài và người Việt Nam từ nước ngoài về, chiều 28/7, tỉnh Khánh Hòa đã đón 230 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) trở về trên chuyến bay mang số hiệu VJ7421. Ngay khi xuống sân bay, tất cả khách này đã giám sát y tế và đưa về 3 cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý. Đến nay, chưa có khách nào có biểu hiện nhiễm COVID-19. Tại các cơ sở cách ly tập trung, số người này tiếp tục được theo dõi, giám sát.
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, ngoài cách ly đoàn khách trở về từ Đài Loan thì ở một số khách sạn trên địa bàn cũng tiến hành theo dõi, cách ly nhiều người như: Khách sạn The World theo dõi, cách ly 12 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính. Khách sạn Nha Trang Wonderland theo dõi, cách ly 39 trường hợp. Khách sạn B&N có 32 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Riêng với trường hợp bà H có liên quan đến bệnh nhân 416 tại Đà Nẵng kết quả xét nghiệm bước đầu âm tính với COVID-19 và đang được cách ly. Có 42 người đã tiếp xúc gần với bà H cũng được giám sát y tế, theo dõi chặt chẽ.
Theo khảo sát của PV, đến chiều 28/7, tại nhiều điểm vui chơi công cộng, danh lam thắng cảnh ở Khánh Hòa vẫn đông đúc du khách trong nước và quốc tế. Đa số đều đeo khẩu trang. Công tác quản lý tại các điểm này cần siết chặt hơn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Đã có 8 bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không dùng bệnh án giấy
Mới đây, BVĐK TP. Vinh, Nghệ An đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-BVTP triển khai Hồ sơ Bệnh án điện tử đầy đủ ở mức thay thế hoàn toàn Bệnh án giấy từ 01/08/2020 tại Bệnh viện đa khoa TP. Vinh.
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, có hiệu lực từ ngày 01/3/2019. Điều 20 Thông tư quy định lộ trình thực hiện như sau:
1. Giai đoạn từ năm 2019-2023
a) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư này.
b) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này.
2. Giai đoạn từ năm 2024-2028
a) Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
b) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, bộ ngành khác chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo Bộ Y tế; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử phải có văn bản báo cáo Sở Y tế. Văn bản báo cáo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.
Như vậy, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Thông tư trên, đến nay, đã có 8 bệnh viện công bố triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
Như chúng ta đã biết, khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân, thầy thuốc và nhân viên y tế, cho các cơ sở khám, chữa bệnh; cho công tác quản lý, bảo hiểm xã hội, cụ thể:
Đối với người bệnh
– Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh như: Kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, danh mục thuốc…
– Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ.
– Người bệnh hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
– Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, Bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.
Đối với thầy thuốc và nhân viên y tế
– Truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa phòng một cách nhanh chóng, nâng cao khả năng tương tác và truyền thông giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với nhau và với người bệnh. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn.
– Tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp, đồng thời giúp bác sĩ dễ dàng tìm lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, giảm thời gian thăm khám, hỗ trợ điều trị kịp thời, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị
– Việc đưa Bệnh án điện tử vào hoạt động cũng giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Từ tiếp nhận thông tin đến chẩn đoán, kê đơn thuốc của bác sĩ đều được số hóa, cập nhật theo quy trình chuẩn, nhờ đó, thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán cũng nhanh hơn trước.
– Triển khai bệnh án điện tử giúp việc cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân trong hồ sơ sức khỏe điện tử được dễ dàng, thuận lợi hơn.
– Các bác sĩ và bệnh nhân có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử từ bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ cần có đường truyền internet.
Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
– Cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời cho các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.
– Tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.
– Cung cấp dữ liệu cho công tác nghiên cứu.
– Bệnh án điện tử cũng góp phần công khai, minh bạch trong khám chữa bệnh: Kết quả xét nghiệm, tiền thuốc lưu trong đơn (tức là trong máy), theo dõi được diễn biến bệnh nếu người bệnh tốt hơn.
Đối với công tác quản lý
Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn (big data) của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.
Mặt khác, big data là nền tảng để phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Trong thời đại ngày nay, việc quản lý thông tin có ý nghĩa rất lớn đối với công tác quản lý xã hội, có nhiều người còn khẳng định “thông tin quý hơn dầu mỏ!”.
Đối với BHYT:
Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.
Hiện nay, Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế đang làm đầu mối dự thảo Chương trình chuyển đổi số ngành y tế giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030, nội dung có 3 trụ cột chính là chuyển đổi số trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyển đổi số trong quản trị và chuyển đổi số trong lĩnh vực dự phòng. Trong đó, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh là mục tiêu then chốt quyết định thành công chuyển đổi số y tế.
Tới đây, sẽ có nhiều bệnh viện công bố triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy, góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số ngành y tế. (Sức khỏe & đời sống (trang 2).
8 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử
1. Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng.
2. Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang.
3. Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
4. Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.
5. Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
6. Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
7. Phòng khám đa khoa Anh Quất: (bệnh án ngoại trú).
8. Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh.
Vinmec phát triển thành công 02 bộ Kit phát hiện và chẩn đoán virus SARS-CoV-2
Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup) vừa phát triển thành công 02 bộ Kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (VinKit), đạt chất lượng tương đương các sinh phẩm chẩn đoán theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong đó, bộ VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR do Vinmec nghiên cứu, cải tiến có khả năng tích hợp phản ứng “3 trong 1”, giảm được 70% thao tác kỹ thuật, tăng gấp đôi tốc độ thực hiện, đảm bảo độ chính xác cao với chi phí thấp.
VinKit SARS-CoV-2 RT-PCR 1.0 và VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR là 02 bộ Kit được Vinmec phát triển dựa trên quy trình công nghệ của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), đã được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cấp phép sử dụng tháng 3/2020. Kết quả kiểm định độc lập từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và sinh phẩm y tế cho thấy 02 bộ VinKit hoạt động ổn định, chính xác 100% trên mẫu lâm sàng, đạt ngưỡng phát hiện tương đương với sinh phẩm chẩn đoán theo khuyến cáo của WHO.
Điểm khác biệt của VinKit SARS-CoV-2 RT-PCR 1.0 và VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR là quy trình thực hiện. Trong khi bộ VinKit SARS-CoV-2 RT-PCR 1.0 hoạt động theo quy trình công nghệ của CDC với 03 phản ứng độc lập để khẳng định kết quả; thì bộ VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR lại kết hợp 3 phản ứng độc lập thành 1 nhằm tiết kiệm sinh phẩm, thời gian, chi phí, giảm thiểu thao tác thực hiện và hạn chế sai sót kỹ thuật.
VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR là sản phẩm do Vinmec nghiên cứu cải tiến, có sự thay đổi và tối ưu trên quy trình của CDC, và chỉ thực hiện 1 phản ứng duy nhất cho các vùng gen đặc hiệu. Theo các cơ quan kiểm định, VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR không chỉ đạt độ chính xác 100% mà còn đáp ứng tốt các tiêu chí: Độ đặc hiệu lâm sàng, Độ nhạy lâm sàng, Độ đặc hiệu phân tích (không nhiễm chéo với các chủng virus khác), tương đương với các bộ Kit được khuyến cáo bởi WHO và CDC. Nhờ tích hợp “3 trong 1”, bộ VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR do Vinmec nghiên cứu cải tiến đã giảm thiểu được 2/3 thao tác kỹ thuật, hạn chế tối đa sai sót trong quá trình thực hiện và tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, bộ VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR đã tăng tốc độ xét nghiệm lên gấp 2 lần so với các bộ Kit đang có trên thị trường. Đây là điều quan trọng trong việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Hiện chúng tôi đang khẩn trương thực hiện quy trình sản xuất và làm thủ tục cấp số đăng ký để lưu hành rộng rãi” –GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec chia sẻ.
Với quy cách đóng gói linh hoạt (25, 50 hoặc 100 phản ứng/hộp nhỏ gọn); phù hợp với nhiều hệ thống máy Realtime – PCR, 02 bộ VinKit có khả năng ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế trong cộng đồng. Vinmec sẵn sàng hợp tác với các đơn vị để sản xuất số lượng lớn VinKit, phục vụ kịp thời công tác chống dịch.
Bộ Kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là dự án sản xuất thứ 2 của Tập đoàn Vingroup nhằm ứng phó với đại dịch Covid -19 Tháng 5/2020, máy thở do Công ty Vinsmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) phát triển với tỉ lệ nội địa hóa lên tới 70% đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, và đã trao tặng cho Nga, Ukraina và Singapore. Những thành tựu trên không chỉ cho thấy nỗ lực và tâm huyết của Vingroup với cộng đồng mà còn khẳng định tiềm lực và khả năng phát triển công nghệ của Vingroup trong tương lai. (Sức khỏe & Đời sống (trang 10).
Thêm 14 ca mắc mới
Chiều 30/7, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid -19 cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận thêm 14 ca mắc mới (từ ca thứ 451 tới 464), đều là những ca mắc trong cộng đồng. Trong đó, TP. Đà Nẵng có 8 ca, Quảng Nam 5 ca và Hà Nội 1 ca, cùng có liên quan tới các ổ dịch tại TP Đà Nẵng (chi tiết xem báo). (Nhân dân, trang 8; Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Ứng phó đại dịch COVID-19 giai đoạn 2: Ráo riết xét nghiệm người về từ Đà Nẵng
Các địa phương đang ráo riết xét nghiệm, cách ly những người về từ tâm dịch Đà NẵngHà Nội: Xét nghiệm nhanh 21.000 người
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 30/7, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, các quận, huyện, địa phương đang thực hiện xét nghiệm nhanh cho 21.000 người về từ Đà Nẵng.
Ông Tuấn cho biết, dựa trên số lượng thống kê của các quận, huyện, các địa phương sẽ bố trí xét nghiệm nhanh cho những người từ Đà Nẵng trở về. “Những người trở về từ Đà Nẵng liên hệ với cơ quan y tế của quận, huyện, xã, phường để được bố trí xét nghiệm nhanh. Tất cả việc xét nghiệm được giao về cho các địa phương”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến lo ngại nhiều trường hợp về từ Đà Nẵng nhưng không khai báo, không thông báo đến cơ quan y tế, ông Tuấn nói ngoài việc động viên, khuyến khích người trở về từ Đà Nẵng chủ động khai báo y tế, lực lượng chức năng cũng tiến hành “rà từng ngõ, gõ từng nhà”.
Trong văn bản thông báo kết luận cuộc họp phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu người dân về từ Đà Nẵng từ tháng 7/2020 đến nay nếu chưa đủ 14 ngày phải cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm ngay; chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để xét nghiệm, hoàn thành trước ngày 2/8/2020. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát mở rộng người từ Đà Nẵng trở về ngoài 21.000 người đã tổng hợp theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
TPHCM: Ðã xét nghiệm hơn 1.700 người
Ngày 30/7, Sở Y tế TPHCM cho biết, tại thành phố hiện có 33 bệnh nhân viêm đường hô hấp từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7. Tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến 30/7, số trường hợp nghi nhiễm tới thời điểm hiện tại là 451. Trong đó 434 có kết quả xét nghiệm âm tính, 2 dương tính (bệnh nhân 449, 450); 15 trường hợp khác đang đợi kết quả xét nghiệm.
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến – Phó Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe HCDC cho biết, ngay sau khi UBND TPHCM yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với những người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7, rất nhiều người dân đã đến các trung tâm y tế quận huyện để khai báo và lấy mẫu xét nghiệm.
Nhằm tránh tình trạng đông người tập trung tại nơi lấy mẫu xét nghiệm, HCDC khuyến nghị các quận huyện lên kế hoạch lấy mẫu. Các trạm y tế sẽ lập danh sách người dân về từ Đà Nẵng trên địa bàn phường xã, thực hiện điều tra dịch tễ, khai báo y tế. Sau đó, danh sách này sẽ chuyển về trung tâm y tế để lên kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm, lên lịch xét nghiệm rồi hẹn người dân địa điểm, thời gian lấy mẫu.
Tính đến hết ngày 28/7, có 5.930 người rời khỏi Đà Nẵng từ ngày 1/7 đã khai báo y tế; có 1.770 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 177 mẫu có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang đợi kết quả xét nghiệm.
Ninh Bình “truy vết” gần 1.500 người
Tính đến chiều 30/7, tỉnh Ninh Bình đã xác định và tiến hành giám sát gần 1,5 nghìn người liên quan đến Đà Nẵng. Trong đó, đã lấy gần 200 mẫu xét nghiệm. Toàn bộ số người trở về từ Đà Nẵng trên đều được cách ly tại nơi cư trú để đợi lấy mẫu xét nghiệm.
Báo cáo của Sở Y tế Ninh Bình cho biết, đến nay tỉnh này có 24 ca bệnh xác định mắc COVID-19, trong đó 14 ca đã điều trị khỏi và xuất viện, còn 10 ca đang điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên (huyện Hoa Lư). Ngoài gần 1.500 người liên quan đến Đà Nẵng đang được cách ly, theo dõi tại nhà, tỉnh Ninh Bình đang thực hiện cách ly tập trung đối với 88 người khác. (Tiền phong, trang 1).
Truy vết theo dấu dịch để chống dịch
Ngày 30/7, BYT cho biết, có thêm 14 ca mắc mới trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân tại VN lên 464. Trong đó có 1 trường hợp ở Hà Nội và 5 ca mắc ở Hội An (Quảng Nam) và 8 bệnh nhân tại Đà Nẵng. Cả 5 bệnh nhân ở Hội An đều liên quan đến bệnh viện tại Đà Nẵng (chi tiết xem báo). (Tiền phong, trang 5).
Ứng phó đại dịch COvid -19 giai đoạn 2: Đón Lao động từ GUINEA xích đạo: chuyến bay đặc biệt, Bài 2: Chuyện xúc động còn nguyên giá trị
Máy bay cất cánh về, 3 bệnh nhân sốt cao, số bệnh nhân cần trợ giúp y tế tăng lên; 1 bệnh nhân tiêu chảy và có cả bệnh nhân khó thở… Đó là những gì diễn ra trên chuyến bay đón 219 lao động Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước chiều 29/7. Với phi hành đoàn, họ đã rất vui sướng, nhẹ nhõm khi tất cả đã về nước an toàn.
Đang cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 sau khi hoàn thành chuyến bay, tiếp viên trưởng Phạm Xuân Trường kể với PV Tiền Phong, khi máy bay đáp xuống sân bay Bata của Guinea Xích đạo, trời đổ mưa rả rích. Một sân bay nhỏ, hạ tầng đơn sơ. Phía xa, trong 1 nhà để máy bay, lao động Việt Nam đứng cả dậy vẫy tay chào.
“Thấy máy bay là thấy hy vọng, giúp họ xua đi mệt mỏi, những triệu chứng của căn bệnh COVID-19 như sốt, ho, khó thở đang siết lấy họ trong những ngày qua”, anh Trường nói. Nơi người lao động Việt Nam tập trung chờ chuyến bay không ghế ngồi, không quạt, không nước uống.
Theo kế hoạch, máy bay chỉ đỗ lại sân bay nước bạn khoảng 3 giờ để tiếp nhiên liệu và đón khách. Tuy nhiên, do hạn chế về phục vụ mặt đất của nước bạn, nên máy bay phải đỗ lại tới 6 giờ để tiếp nhiên liệu.
Theo Phạm Xuân Trường, khi trời nhá nhem tối, mưa mỗi lúc một nặng hạt, lúc này việc tiếp nhiên liệu mới xong và khách được mời lên máy bay. Từng tốp 5 người giãn cách, vừa đi vừa chạy dưới cơn mưa tầm tã. Lên tới máy bay, họ đã ướt sũng. Nhưng điều đó với họ không hề gì, vì được nhanh về nước là quan trọng nhất, nên trên ánh mắt mỗi người đều thể hiện sự vui mừng. Tất cả hành khách cùng hợp tác để việc chuẩn bị, hướng dẫn diễn ra nhanh nhất cho máy bay cất cánh. Đúng 19h30 ngày 28/7 (giờ địa phương), máy bay cất cánh rời Guinea Xích đạo hướng về Hà Nội.
Là 1 trong 2 tiếp viên xung phong phục vụ tại khoang 129 hành khách dương tính với SARS-CoV-2, tiếp viên Trương Anh Tú kể, nhiệm vụ của anh là hướng dẫn các bệnh nhân lên và xuống máy bay; hướng dẫn họ cách gọi hỗ trợ khi gặp vấn đề sức khỏe. Phục vụ khoang này là đối mặt nguy hiểm, do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất. Khi máy bay cất cánh rời sân bay Bata được khoảng 1 tiếng, các tín hiệu nhờ hỗ trợ y tế từ khoang bệnh nhân liên tục phát lên.
Đầu tiên 1 bệnh nhân, rồi 2, 3 người báo sốt cao. Lúc cao điểm trên chuyến bay có đến 10 người sốt cao, sau khi tiếp nhận thông tin, được các bác sĩ và y tá trên máy bay hướng dẫn xử lý. Vừa trợ giúp xong người bị sốt, Tú lại phải hỗ trợ 1 trường hợp đau ngực khó thở, 2 trường hợp tiêu chảy, mất nước… Tiếp viên phục vụ ở khoang hành khách bị bệnh và y tá hỏi thăm từng trường hợp, sau đó thông báo cho bác sĩ ở khoang phía trên xin chỉ dẫn xử lý.
Khi hành khách đã được hỗ trợ, tất cả trở nên ổn định, mỗi 30 phút hoặc 1 tiếng, các bác sĩ lại dùng hệ thống liên lạc và loa trên máy bay để hỏi thăm hành khách, động viên họ cùng vượt qua khó khăn.
“Xúc động nhất là khi bác sĩ tư vấn và chia sẻ với hành khách bị tức ngực, khó thở để động viên, cổ vũ tinh thần. Những lời tư vấn được phát trên tất cả loa của máy bay để mọi người cùng nghe. Đó là khi máy bay còn khoảng 3 giờ bay nữa sẽ hạ cánh. Bác sĩ nói với anh, bệnh nhân cố gắng giữ nhịp thở, uống thuốc theo đúng chỉ dẫn, vì sắp tới nhà rồi”, anh Tú nhớ lại. May mắn nhất là các hành khách đều không phải sử dụng tới biện pháp y tế đặc biệt để hỗ trợ, cáng và máy thở trên máy bay chưa phải dùng tới.
Mặc bỉm để không sử dụng nhà vệ sinh
Đây là chuyến bay bay tới châu Phi đầu tiên trong đời của Cơ phó A350 Ngô Trung Đức. Trong suốt hành trình, việc liên lạc, chỉ dẫn từ mặt đất không phải lúc nào cũng thông suốt, vì bay qua nhiều khu vực, nhiều quốc gia, nên phi công cũng vất vả và căng thẳng hơn các chuyến bay khác.
Theo anh Đức, việc tiếp cận hạ cánh tại sân bay Bata không quá khó, nhưng hạ tầng phục vụ mặt đất lại rất yếu. Cả sân bay chỉ có 1 xe tiếp nhiên liệu loại 16 tấn, nên phải mất 5 lần tiếp (mỗi lần 1 tiếng 15 phút) mới đủ nhiên liệu cho máy bay về. Vì thế, chuyến bay bị chậm 3 tiếng so với kế hoạch. Khi nhận khách lên máy bay, vì không có xe đưa đón khách, nên từng tốp 5 lao động phải chạy bộ khoảng 300m từ vị trí tập trung ra máy bay dưới cơn mưa nặng hạt. Khi lên máy bay, ai cũng ướt sũng.
Về ăn uống và cả chuyện không ai muốn kể là đi vệ sinh, suốt hành trình bay, tiếp viên Trương Anh Tú kể, ở chiều bay đi máy bay vẫn sạch bệnh, nên mọi người sinh hoạt thoải mái. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Bata, tất cả phi hành đoàn tranh thủ xử lý toàn bộ nhu cầu cá nhân, như ăn, uống, vệ sinh “nặng, nhẹ”. Sau đó, mọi người mặc bỉm để không sử dụng nhà vệ sinh, mặc 2 bộ đồ bảo hộ y tế, riêng tiếp viên và y tá phục vụ khoang chở khách nhiễm COVID-19 họ phải mặc 3 bộ lên người. Khi khách đã yên vị, tất cả phi hành đoàn cởi bỏ 1 bộ đồ bảo hộ ngoài.
“Ở chiều bay về, thành viên phi hành đoàn chủ yếu uống sữa, ăn bánh giàu protein. Trước khi ăn, uống, lần lượt từng người vào phòng áp lực dương, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, bỏ khẩu trang, mỗi người chỉ được xử lý mọi việc 1-2 phút để nhường chỗ cho người khác vào. Nếu không quá đói hoặc khát, việc ăn uống cũng rất hạn chế, cố nhịn về nhà ăn sau”, anh Tú nói.
Nói về cảm xúc lúc này, tất cả thành viên phi hành đoàn của chuyến bay đặc biệt đều vui, nhẹ nhõm, khi mọi người đã về nước an toàn, những người nhiễm bệnh đều có chuyển biến tốt. Cùng với đó, 219 gia đình các lao động đã có thể ngủ ngon, bớt âu lo. Có nhiều người khi máy bay hạ cánh đã đồng thanh thốt lên “về nhà rồi”.
Khi bước chân ra cầu thang, họ gọi điện ngay về nhà thông báo đã đến nơi an toàn, khoẻ mạnh. “Nếu nói tôi không lo, không sợ khi tham gia chuyến bay này cũng không đúng. Nhưng tôi đã xác định từ trước khi đi, đây là nhiệm vụ và là trách nhiệm với đồng bào mình. Cũng rất cảm ơn tất cả hành khách, khi đã hợp tác tốt suốt chặng đường để chuyến bay thành công”, Trương Anh Tú nói thêm.
Còn tiếp viên Phạm Xuân Trường chia sẻ: “Giờ đây, tất cả chúng ta đều đã về tới tổ quốc mình an toàn, dù người có bệnh hay không, tất cả đều ổn. Đó là điều quan trọng nhất, hạnh phúc nhất. Hy vọng những bệnh nhân sẽ sớm chiến thắng virus, không có thêm người nhiễm bệnh, để tất cả cùng sớm được về trong vòng tay gia đình”.
Ngay khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ về việc sớm đưa toàn bộ lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước, Vietnam Airlines, Bộ Ngoại giao, Y tế, Giao thông Vận tải đã bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị. Chuyến bay được xác định đặc biệt phức tạp, vì có hơn 100 người đã nhiễm COVID-19, chặng bay kéo dài hơn 13 giờ. Do đó, đây là chuyến bay chuẩn bị lâu nhất, với thời gian gần 1 tháng.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sau khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế về biện pháp phòng chống dịch, các trang thiết bị mang theo, đội ngũ kỹ thuật của hãng đã bắt tay vào “thiết kế lại máy bay”; để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, cấp cứu khi cần thiết, vừa đảm bảo an toàn bay. Đó là nghiên cứu để lắp thêm máy lọc không khí, lắp buồng áp lực dương, chia các khoang, lắp cáng… Trong 1 tháng chuẩn bị, rất nhiều phương án bay được đưa ra theo điều kiện của sân bay nước bạn. Rất may, tới sát ngày bay, sân bay Bata đã đảm bảo được nguồn cung nhiên liệu, xe cứu hoả cho máy bay A350 để thực hiện bay thẳng, thay vì phải bay nhiều chặng. Cùng với đó, nhân sự được lựa chọn kỹ càng, tất cả đều là người có nhiều kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn phụ tùng thay thế, để đảm bảo máy bay không phải hạ cánh khẩn cấp dọc đường. (Tiền phong, trang 6).
Đà Nẵng cần chi viện khẩn
4/6 bệnh viện trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã phải phong tỏa, cách ly phòng chống dịch Covid -19 lây lan. Điều này tạo sức ép lớn đối với những bệnh viện còn lại, đặc biệt là những người dân bị bệnh nặng, cần được cấp cứu.
Tính đến ngày 30.7, Đà Nẵng đã có 4 bệnh viện (BV) chính thức bị phong tỏa, cách ly với bên ngoài gồm: BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, BV Chỉnh hình Phục hồi chức năng Đà Nẵng, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Hai BV còn lại là BV 199 – Bộ Công an và BV Giao thông vận tải có ca dương tính từng đến điều trị cũng nằm trong chế độ kiểm soát chặt chẽ. Điều này đồng nghĩa với tình hình thực tế hàng chục nhân viên y tế, bệnh nhân (BN) nặng, mạn tính, người nhà BN bị cách ly trong BV – điều chưa từng có trong lịch sử ngành y tế địa phương này… (Thanh niên, trang 1).
Nguy cơ lây nhiễm từ việc đổ xô đi khai báo
Có trường hợp trong gia đình chỉ có 1 người đi Đà Nẵng nhưng cả gia đình tới khai báo y tế để được xét nghiệm dẫn đến số lượng đông và không đúng thực tế.
Tại TP.HCM, nhiều người thuộc diện phải khai báo y tế do từ nơi có dịch về hoặc từng đến khu vực có ca nhiễm Covid-19, đã đổ xô đến các trung tâm y tế để khai báo, xét nghiệm, dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm.
Nhiều người dân không theo lịch hẹn
Bác sĩ (BS) Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết số lượng người dân về từ Đà Nẵng rất đông. Tâm lý hiện nay của người dân là chủ yếu gọi đường dây nóng của quận. Do vậy, quận đã đưa xuống các trạm y tế một đường dây nóng riêng để chia sẻ đường dây nóng của quận. Mặt khác, những ngày đầu tập trung đông là do người dân lo lắng, không qua trạm y tế để lấy lời khai, phân luồng lên lịch hẹn mà tự đến thẳng trung tâm y tế khai tại chỗ gây ùn ứ…
Ngày 30.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết sau khi triển khai khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, ngành y tế đang gặp một số vấn đề khó khăn. Nguyên nhân, khi mới triển khai, tại các điểm khai báo y tế và lấy mẫu ở các quận huyện người dân đến rất đông, không theo lịch hẹn lấy mẫu của y tế địa phương. Nhiều phản ánh không biết khi nào được xét nghiệm. Bên cạnh đó, còn có trường hợp trong gia đình chỉ có 1 người đi Đà Nẵng nhưng cả gia đình kéo tới khai báo y tế để được xét nghiệm dẫn đến số lượng đông và không đúng thực tế. Trái ngược với tình trạng trên là một số người dân không thực hiện khai báo y tế.
HCDC chỉ đạo các quận huyện cần lên kế hoạch lấy mẫu. Theo đó, các trạm y tế sẽ lập danh sách người dân về từ Đà Nẵng trên địa bàn, thực hiện điều tra dịch tễ, khai báo y tế. Danh sách này sẽ chuyển về trung tâm y tế quận huyện để lên kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm, lên lịch xét nghiệm rồi hẹn người dân địa điểm, thời gian lấy mẫu. Về việc người dân phản ánh lấy mẫu 3 – 4 ngày mà chưa thấy báo kết quả, theo đại diện HCDC, những người nguy cơ cao sẽ được ưu tiên lấy mẫu, xét nghiệm. Tuy nhiên, những người khác dù chưa có kết quả hay có kết quả cũng phải thực hiện cách ly và có các biện pháp phòng chống Covid-19.
Tính đến sáng 30.7 đã có 15.747 người từ Đà Nẵng về TP. HCM từ 1.7 đi khai báo y tế. Có 8.518 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, 534 người có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang đợi kết quả xét nghiệm. Hiện TP.HCM cũng đã có 1.443 người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung, 593 người được cách ly tại nơi lưu trú.
Tự cách ly tại nhà rất quan trọng
Theo Ths-BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng TP.HCM, để phòng dịch Covid-19, mọi người cần tránh tụ tập đông người. Việc tập trung càng đông người, nhất là những người từ địa phương có dịch về hay đã đến nơi có ca bệnh, sẽ càng tăng nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, những người từ địa phương có dịch (như Đà Nẵng) về TP.HCM thì đầu tiên nên khai báo y tế và tự cách ly tại nhà theo quy định của ngành y tế, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, để tránh tụ tập và hạn chế tiếp xúc thì nên khai báo y tế trực tuyến và qua điện thoại đường dây nóng của cơ sở y tế địa phương. Sau đó, cơ quan y tế địa phương sẽ thực hiện điều tra dịch tễ, hướng dẫn cách ly và các biện pháp phòng dịch; hẹn lịch xét nghiệm. Người dân nên đi xét nghiệm theo đúng thời gian, địa điểm trên lịch hẹn.
“Việc tự cách ly tại nhà rất quan trọng. Khi chưa được hẹn xét nghiệm thì người đó cần bình tĩnh, tự thực hiện cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ bệnh thì báo ngay cho cơ quan y tế qua đường dây nóng. Người từ vùng dịch về phải tự cách ly ở nhà trong thời gian chờ được xét nghiệm, chờ kết quả xét nghiệm và đến khi đủ 14 ngày dù kết quả xét nghiệm có âm tính”, BS Nam nhấn mạnh.
Để đảm bảo phòng dịch Covid-19 khi đi xét nghiệm, Ths-BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), khuyến cáo khi đi xét nghiệm, người dân cần lưu ý phải luôn đeo khẩu trang và cả kính bảo hộ. Ở nơi công cộng, đám đông, tại nơi lấy mẫu xét nghiệm, cần giữ khoảng cách 1,8 – 2 m với những người khác. Bên cạnh đó, các trung tâm y tế cần hẹn giờ theo lịch đăng ký cho những người cần lấy mẫu xét nghiệm. Tại nơi lấy mẫu xét nghiệm cần tổ chức phân luồng di chuyển 1 chiều và thực hiện giãn cách 1,8 – 2 m. Những người đi xét nghiệm chỉ nên đến trung tâm y tế để lấy mẫu xét nghiệm theo lịch đã được hẹn trước. (Thanh niên, trang 4).
Bịt lỗ hổng từ bệnh viện ra sao?
Hôm qua ngày 30/7, rất nhiều BV đã kích hoạt hệ thống khai báo sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt tất cả khách vào BV, Lý do là những bệnh nhân tính từ ngày 25/7 đến nay, hầu hết họ có thời gian chữa bệnh, đi thăm hoặc chăm nuôi người bệnh ở BV. Vì là đối tượng đặc thù nên sau khi đồng nhiễm Covid-19, nhiều bệnh nhân biến chứng rất xấu, ngày 30/7 đã có 1 bệnh nhân (điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng) có biến chứng ngưng tim, 2 bệnh nhân đã phải sử dụng ECMO (tim phổi ngoài cơ thể) và sắp tới con số này có thể tăng thêm 1-2 bệnh nhân. (Chi tiết xem báo). (Tuổi trẻ, trang 1).
Xét nghiệm Covid -19: Ưu tiên người có triệu chứng
Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Bộ Y tế tăng cường xét nghiệm diện rộng tại Đà Nẵng và các địa phương có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. TP.HCM ưu tiên người có triệu chứng còn tại Hà Nội quyết tâm hết ngày 1-8 sẽ xong 21.000 ca.
Tại TP.HCM, sau 3 ngày triển khai khai báo y tế và xét nghiệm COVID-19 đối với người dân rời Đà Nẵng từ ngày 1-7, đã có khoảng 9.000 người khai báo y tế, trong đó có gần 600 người đã được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
TP.HCM: ưu tiên xét nghiệm người có triệu chứng…
Để tránh tình trạng tụ tập đông người lấy mẫu xét nghiệm tại các trạm y tế phường, xã như đã diễn ra trong những ngày qua, ông Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – khuyến cáo người dân cần trung thực khai báo y tế để nhân viên y tế dựa vào tờ khai, từ đó lọc ra những nhóm người nào được ưu tiên xét nghiệm COVID-19.
Trước mắt, TP.HCM sẽ ưu tiên xét nghiệm theo nhóm người gồm: người có triệu chứng liên quan đến COVID-19, người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, người đi qua những địa điểm nguy cơ được Bộ Y tế thông báo và khu vực của 3 bệnh viện (Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng). Nếu kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính thì vẫn phải cách ly đủ 14 ngày theo quy định.
Ngoài ra, ông Dũng cũng yêu cầu trung tâm y tế tại 24 quận, huyện lên kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP.HCM rời Đà Nẵng từ ngày 1-7. Còn tại các trạm y tế phường, xã cần lập danh sách người dân về từ Đà Nẵng trên địa bàn để thực hiện điều tra dịch tễ, khai báo y tế.
Danh sách này sẽ chuyển về trung tâm y tế quận, huyện để lên kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm, sau đó hẹn người dân địa điểm, thời gian lấy mẫu, tránh tình trạng tập trung đông người cùng một thời điểm dẫn đến cự cãi, chen lấn.
Tại TP.HCM, ông Dũng cho hay hiện TP.HCM có tổng cộng 13 đơn vị được phép xét nghiệm COVID-19. Năng lực xét nghiệm của tất cả đơn vị này lên tới 2.000 ca/ngày, nếu tăng cường có thể lên 3.000 ca/ngày.
Trong đợt phát dịch này, Bộ Y tế đã có chủ trương cho đơn vị tư nhân tham gia xét nghiệm COVID-19. Tại TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết sở vừa đề xuất với Bộ Y tế về việc cho các đơn vị tư nhân tổ chức xét nghiệm COVID-19 có thu phí với khung định giá phù hợp.
Hà Nội sẽ xét nghiệm xong trong tuần
Với hơn 21.000 người từ Đà Nẵng về Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP chuyển ngay 80.000 mẫu test nhanh cho các quận, huyện để tổ chức test nhanh đúng quy trình.
Ông Chung yêu cầu các quận, huyện triển khai xét nghiệm nhanh cho hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng, tới ngày thứ Bảy (1-8) phải hoàn thành. Trường hợp nào xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính sẽ được xét nghiệm khẳng định bằng PCR.
Ghi nhận ngày 30-7, nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã triển khai xét nghiệm nhanh với người về từ Đà Nẵng.
Là địa phương có số lượng lớn người về từ Đà Nẵng, bà Trịnh Thị Dung – phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy – cũng cho biết quận đang quyết liệt triển khai xét nghiệm sàng lọc, phấn đấu ngay trong tuần xét nghiệm hết những trường hợp về từ Đà Nẵng.
Theo thống kê của UBND quận Cầu Giấy, trên địa bàn có gần 2.000 người từ Đà Nẵng về, các phường đã hoàn thành việc lập danh sách, chia đợt xét nghiệm nhanh trong những ngày tới. Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy đã triển khai lực lượng xét nghiệm nhanh tại 8 trạm y tế phường.
Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc – chánh văn phòng UBND quận Tây Hồ – cho biết quận này đã thống kê có 925 người từ Đà Nẵng về trên địa bàn quận. “Theo đúng chỉ đạo của TP, quận đã bố trí đủ lực lượng triển khai xét nghiệm nhanh trong những ngày tới.
Trong ngày 30-7 quận chưa triển khai xét nghiệm nhanh, chỉ tập trung xét nghiệm với 5 trường hợp có biểu hiện. Từ ngày 31-7 và 1-8, các lực lượng của quận sẽ triển khai đồng loạt xét nghiệm tại 8 phường của quận, thực hiện theo đúng tiến độ của UBND TP” – bà Ngọc cho hay.
Tại quận Ba Đình, ông Tạ Nam Chiến – chủ tịch UBND quận này – cho biết thống kê đến ngày 29-7 trên địa bàn quận có 915 người từ Đà Nẵng về, ở rải tác tại 14 phường trên địa bàn quận. Trung tâm Y tế quận Ba Đình đã thành lập 4 cụm điểm xét nghiệm nhanh cho người dân trên địa bàn quận về từ Đà Nẵng.
Không dám về nhà
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-7, một nhóm 28 người khách du lịch Đà Nẵng cho biết đoàn vừa trở về từ Đà Nẵng, đã khai báo y tế điện tử, đã thông báo cho quận nơi cư trú nhưng chưa được xét nghiệm.
“Quận báo chúng tôi cứ về nhà, xét nghiệm theo địa phương, nhưng chúng tôi là nhóm nguy cơ nên e ngại không dám về nhà” – đại diện nhóm cho biết.
Theo đoàn khách này, do lo ngại nguy cơ COVID-19 nên đoàn đã về công ty tự cách ly tập trung (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội), sau đó khai báo y tế điện tử chứ chưa dám về nhà, cũng không dám ra ngoài.
Ông Khổng Minh Tuấn – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội – cho biết: “Chúng tôi đã chia việc sàng lọc, xét nghiệm theo địa phương, nếu xét nghiệm theo công ty sẽ dẫn đến nguy cơ sót lọt. Đoàn khách này có thể cứ về nhà nhưng có bảo hộ, đeo khẩu trang, xét nghiệm tại địa phương. Nỗ lực đến ngày 1-8 sẽ xét nghiệm xong toàn bộ nhóm này” – ông Tuấn cho biết. (Tuổi trẻ, trang 5; An ninh Thủ đô, trang 1).
Bộ Y tế “chia lửa” với Đà Nẵng và miền Trung
2 bệnh nhân COVID-19 rất nặng đã phải chạy ECMO, một số bệnh nhân khác diễn biến nặng đang cân nhắc chạy thiết bị tim phổi nhân tạo. Đến nay, có 10 bệnh nhân chạy thận, có bệnh nền đã chuyển từ Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị; 6/126 bệnh nhân từ châu Phi về nước có tổn thương phổi, 3/6 bệnh nhân này còn nhiễm sốt rét và ký sinh trùng…
Tại Hội chẩn Quốc gia lần thứ 5 vào ngày 30-7, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia làm việc với các điểm cầu, dốc toàn lực điều trị cho các ca bệnh. Suốt những ngày qua, Bộ Y tế liên tiếp cử các đoàn chuyên gia vào “chia lửa” với Đà Nẵng, hỗ trợ thành phố dập dịch.
Nhiều ca bệnh rất nặng
Các ca bệnh nặng đang điều trị đều là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm. Theo nghiên cứu trung bình 1 người cao tuổi có từ 5-6 bệnh lý đi kèm. Bệnh nhân rất nặng hiện nay BN 437, 61 tuổi, tiên lượng nặng với nhiều bệnh nền như suy thận mãn, viêm phổi, hôm nay bệnh nhân đã được sử dụng ECMO. Theo các chuyên gia, bệnh nhân đã nặng lên nhiều, nhiễm trùng, cần sử dụng thuốc chống nấm, theo dõi các chỉ số huyết động.
BN 436, nam, 66 tuổi, ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, được lọc máu 5 lần. Bệnh nhân điều trị suy thận tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BV Đà Nẵng và được xác định mắc COVID-19, sau đó chuyển đến BV TƯ Huế cơ sở 2 điều trị. Hiện tại bệnh nhân này thở máy qua nội khí quản.
Bệnh nhân nặng mắc nhiều bệnh nền nữa là BN 438, 56 tuổi, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Trong quá trình điều trị tại BV Đà Nẵng, bệnh nhân bị lây nhiễm COVID-19 và chuyển đến BV TƯ Huế cơ sở 2. Hiện, bệnh nhân tuy tỉnh, bóp bóng hỗ trợ qua ống khai khí quản, tuy nhiên, do thể trạng suy kiệt, COPD, ung thư nên bệnh tình rất nặng.
Trong 3 trường hợp nặng là BN 416, BN 418, BN 437 thì BN 416 đang có xu hướng nhiễm trùng tăng. Các chuyên gia đề nghị bệnh viện xem xét kiểm soát huyết động, huyết khối, cố gắng cai dần ECMO. BN 418 có tình trạng nhiễm nấm, các xét nghiệm liên quan hô hấp cải thiện nhưng vẫn còn tình trạng nhiễm nấm.
Tập trung toàn lực điều trị
Báo cáo tại buổi hội chẩn vào ngày 30-7, lãnh đạo BV C Đà Nẵng cho biết, hiện tại đây đang điều trị 2 bệnh nhân là BN 420 và BN 445, trong đó BN 420 diễn biến nặng nhưng đã chuyển biến tốt hơn. BV Đà Nẵng, hiện điều trị cho 19 bệnh nhân, trong đó2 ca chạy ECMO, 2 ca thở máy.
“BN 428 suy thận nặng, phải thở máy và vừa được cấp cứu xong, các thông số tạm ổn”, TS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết. Trong ngày 30-7, BV Đà Nẵng chuyển thêm 5 bệnh nhân thận nhân tạo đến BV TƯ Huế.
Tại BV Đa khoa TƯ Quảng Nam, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai (trưởng đoàn công tác của BV Bạch Mai vào hỗ trợ) nêu ra những khó khăn tại đây. Đó là về cơ sở vật chất, BV có thể tiếp nhận bệnh nhân, song nhân lực và trang thiết bị của BV còn thiếu nhiều. GS Tuấn đề nghị Tiểu ban Điều trị bổ sung nhân lực hồi sức tích cực cho BV Đa khoa TƯ Quảng Nam từ các BV trong TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo về tình hình đón bệnh nhân từ Giunea Xích đạo, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, hiện có 125 bệnh nhân dương tính, trong đó có 6 bệnh nhân có tổn thương phổi, 3/6 bệnh nhân này đồng nhiễm sốt rét và ký sinh trùng cần theo dõi sát sao.
Tại buổi hội chẩn, các bệnh viện đã đề xuất về nhu cầu máy thở, ECMO, máy lọc thận, quả lọc, thuốc, vật tư tiêu hao… để điều trị và dự phòng cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Các BV ở Đà Nẵng và Quảng Nam đề xuất Bộ trang bị thêm 20 máy xét nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã đề nghị BV Chợ Rẫy và BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cử thêm bác sĩ hồi sức (từ chuyên khoa trở lên) đến hỗ trợ BV Đa khoa TƯ Quảng Nam. Ông cũng đề nghị Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ, đào tạo và kiểm định cho các BV tại Quảng Nam về công tác xét nghiệm.
“Chia lửa” ở nơi tâm dịch
Kể từ khi Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng, Bộ Y tế liên tục cử các đội tinh nhuệ về điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, truy vết để “chia lửa” cho Đà Nẵng và hỗ trợ Quảng Nam. Ngoài 3 đội tinh nhuệ đã được cử vào Đà Nẵng, ngày 30-7, Bộ Y tế đã điều thêm các đội tinh nhuệ về điều trị, xét nghiệm, truy vết của các bệnh viện tuyến TƯ, các viện đầu ngành, Trường ĐH Y dược đến Đà Nẵng.
Ngoài ra, Bộ Y tế còn cử đội công tác là các chuyên gia về thận nhân tạo, xét nghiệm, hồi sức, truyền nhiễm của BV Bạch Mai vào hỗ trợ Đà Nẵng và thiết lập một phòng xét nghiệm tại BV Phổi Đà Nẵng. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh hỗ trợ CDC Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm tại BV 199 Bộ Công an.
Theo nhận định của các chuyên gia, xác định ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận bên ngoài, do đó theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là ưu tiên tối đa cho việc dập dịch tại ổ dịch Đà Nẵng. Theo ông Long, dập ổ dịch ở Đà Nẵng hết sức quan trọng, quyết định thành công vấn đề kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Đà Nẵng cần phải chạy đua với thời gian và triển khai nhanh nhất các biện pháp.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Đà Nẵng có khả năng xét nghiệm đạt trên 1.000 mẫu, có thể tối đa 2.000 mẫu/ngày. Dưới sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, Đà Nẵng có thể đạt mục tiêu xét nghiệm từ 5.000-7.000 mẫu/ngày.
Dẫn đầu Tổ điều trị của Bộ Y tế vào “chia lửa” với Đà Nẵng, Ths Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong mấy ngày vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy… đào tạo cho Trung tâm Y tế Hòa Vang về công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện Trung tâm có thể tiếp nhận 180 bệnh nhân và đang thiết lập trung tâm Thận nhân tạo.
Kể từ khi có ca dịch tại cộng đồng, để cùng chia sẻ và đưa ra các chỉ đạo điều trị kịp thời, phù hợp với tình hình sức khỏe của bệnh nhân, đến nay tại Tiểu ban Điều tra đã diễn ra liên tiếp 5 cuộc Hội chẩn quốc gia.
Tại cuộc hội chẩn lần này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện báo cáo về Sở Y tế và khẩn trương đánh giá nhu cầu và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ về trang thiết bị, máy móc, thuốc, vật tư tiêu hao, khẩu trang… về Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia để đáp ứng và huy động từ mọi nguồn lực.
Tất cả các cán bộ y tế của các BV thuộc Sở Y tế Đà Nẵng phải được đào tạo tập huấn để sẵn sàng hỗ trợ và chi viện cho các BV tại địa phương và các tỉnh lân cận. Việc phân luồng cách ly và phòng ngừa phải được thực hiện rất sớm, khi có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, biểu hiện lâm sàng rõ phải thực hiện ngay xét nghiệm.
Bệnh viện 199 chia sẻ áp lực với y tế Đà Nẵng
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn có bệnh nhân (BN) nhiễm COVID-19 đã phải phong tỏa. Các cơ sở y tế còn lại đang chịu áp lực rất lớn về công tác phòng chống dịch, cũng như công tác thăm khám, điều trị cho BN. Trong tình thế đó, Bệnh viện 199- Bộ Công an, đóng trên địa bàn quận Sơn Trà TP Đà Nẵng, đã đảm đương vai trò của một bệnh viện tuyến cuối, nâng cao khả năng, điều trị để chia sẻ áp lực cho ngành Y tế Đà Nẵng.
Bắt đầu từ 0h ngày 28-7, Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương và Chỉnh hình bị phong tỏa để phòng, chống COVID-19. Ngày 30-7. Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp tục nằm trong diện buộc phong tỏa. Các bệnh viện trên đều là những bệnh viện lớn tại Đà Nẵng, trong đó Bệnh viện Đà Nẵng là bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP. Khi thực hiện phong tỏa, lượng BN nặng ở các tuyến cơ sở, bệnh viện quận huyện không thể chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng được nữa.
“Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng quá tải tại chỗ vì lượng BN và người nhà bên trong rất đông. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Bệnh viện 199 tham gia vào hệ thống các bệnh viện tuyến cuối để hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến cơ sở khi có BN nặng vượt quá khả năng điều trị của các bệnh viện này chuyển lên. Nhiều BN điều trị ngoại trú có BHYT đã đăng ký khám ban đầu tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình cũng đã chuyển sang thăm khám, nhận thuốc tại Bệnh viện 199”, bác sĩ Trương Xuân Hùng cho biết.
Bệnh viện 199 có 400 giường, trước đây số BN điều trị nội trú chiếm khoảng 70-80% công suất. Những ngày gần đây, Bệnh viện đã sắp xếp lên 470 giường nhưng đã hết chỗ. Số lượng BN nội trú tiếp nhận từ Bệnh viện Đà Nẵng và các bệnh viện tuyến dưới tính đến sáng 30-7 là hơn 300 ca, trong đó có một số BN đã ổn định và ra viện. Lãnh đạo Bệnh viện 199 đang chỉ đạo mua thêm 50 giường nữa để nâng cao khả năng thu dung, điều trị bệnh trong vài ngày tới.
Bệnh viện 199 cũng tiếp nhận 33 trường hợp chạy thận nhân tạo của Bệnh viện C để giảm áp lực cho bệnh viện này. Hiện các máy lọc thận tại bệnh viện đều chạy hết công suất 24/24 với 3 ca liên tục/máy. Bệnh viện cũng đã báo cáo Bộ Công an xin tăng cường nhân lực từ Bệnh viện 198, Bệnh viện 30-4 để hỗ trợ đơn vị trong giai đoạn phòng chống dịch, bởi lượng BN đến rất lớn và nhiều bệnh phức tạp, ở các tuyến chuyển về.
Với số lượng BN đến khám, điều trị nội trú và ngoại trú đều tăng mạnh, Bệnh viện 199 kêu gọi các tình nguyện viên đăng ký tham gia hỗ trợ các hoạt động của bệnh viện. Hiện đã có 3 bác sĩ và gần 20 điều dưỡng, thanh niên đăng ký. Từ ngày 29-7, đã có một số người đến tham gia các hoạt động của bệnh viện.
“Chúng tôi sẽ bố trí cho các tình nguyện viên làm các công việc phù hợp như hậu cần, tham gia vào quá trình chăm sóc. Còn việc điều trị trực tiếp cho BN thì bác sĩ, nhân viên của bệnh viện phải đảm nhận chính. Lãnh đạo bệnh viện cũng phân bố nguồn nhân lực phù hợp, điều chuyển nhân lực ở những khoa có ít BN để hỗ trợ, bổ sung cho các khoa có số lượng BN tăng đột biến”, bác sĩ Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng-Bệnh nghề nghiệp, phụ trách thuyền thông Bệnh viện 199 chia sẻ.
Về trang thiết bị về phòng hộ, phòng chống dịch, vật tư y tế tiêu hao, Bệnh viện 199 đã chuẩn bị sẵn sàng và khá đầy đủ. Tuy nhiên nếu dịch bệnh kéo dài, cần phải bổ sung thì mới đáp ứng được. Ngoài nguồn hỗ trợ của Bộ Công an, Cục Y tế, Bệnh viện 199 cũng chủ động mua sắm theo chương trình đấu thầu vật tư thiết bị năm 2020.
Về thuốc men, Bệnh viện đã dự phòng các phương án và báo cáo, đề nghị Sở Y tế TP Đà Nẵng điều chuyển một phần thuốc men từ các bệnh viện đang bị phong tỏa để bổ sung nguồn thuốc phục vụ điều trị cho BN. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng cho biết thêm, hiện có rất nhiều BN được chuyển về từ Bệnh viện Đà Nẵng nhưng người nuôi bệnh đã được đưa đi cách ly tập trung.
Vì vậy, việc chăm sóc các BN này phải nhờ vào nhân viên y tế. Bệnh viện 199 cũng nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo vấn đề hậu cần, phục vụ cho BN và người nuôi bệnh. Bệnh viện cũng yêu cầu bệnh nhân và người nhà thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế tối đa việc đi lại, tiếp xúc giữa BN với bên ngoài, giữa BN với BN, tiếp xúc giữa phòng này với phòng kia để phòng ngừa dịch lây lan. Hiện khoa dinh dưỡng và bếp ăn của Bệnh viện đảm bảo cung cấp đầy đủ suất ăn cho BN 3 bữa một ngày. Đối với người nhà BN cũng sẽ được phục vụ khi đăng ký.
Để tăng cường phòng dịch, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện được chia thành 2 nhóm. Nhóm có yếu tố nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với BN cách ly thì ăn ở, cách ly ngay tại bệnh viện, chia ca để phục vụ người bệnh. Nhóm 2 có nguy cơ thấp, điều trị những BN thông thường thì không cần cách ly. Theo quy trình, Bệnh viện 199 thực hiện sàng lọc nguồn BN đầu vào. Các trường hợp tiếp xúc F2 chuyển tuyến về Bệnh viện 199 đều được xét nghiệm COVID để sàng lọc. Hiện nay, bệnh viện lấy mẫu gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng làm xét nghiệm.
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca lây nhiều trong cộng đồng tăng nhanh trong mấy ngày qua. Để đáp ứng nhu cầu phòng dịch, ngày 29-7, Sở Y tế và CDC Đà Nẵng đã giao cho Bệnh viện 199 và một số bệnh viện khác triển khai xét nghiệm Elisa để sàng lọc nhanh tại chỗ. Xét nghiệm này sử dụng sản phẩm test của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, mỗi bộ sinh phẩm có thể xét nghiệm 96 mẫu bệnh phẩm và cho kết quả sau từ 3-4 giờ.
Riêng Bệnh viện 199 chịu trách nhiệm sàng lọc các BN trên địa bàn quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và người nước ngoài đang lưu trú tại Đà Nẵng; báo cáo kết quả hàng ngày. Bệnh viện đã cử 3 đội tập huấn công tác lấy mẫu và xét nghiệm tại CDC Đà Nẵng, dự kiến từ ngày 1-8 sẽ bắt đầu triển khai xét nghiệm tại Bệnh viện 199 để tăng cao hiệu quả sàng lọc từ ban đầu… (Công an nhân dân, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 1; Tiền phong, trang 3).
Đà Nẵng và các địa phương lân cận nâng mức phòng, chống dịch COVID-19
Để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng, kể từ 13h ngày 30-7, UBND TP Đà Nẵng quyết định dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát; kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về.
Các công trình thi công trên địa bàn phải đảm bảo phòng, chống dịch; sát khuẩn, đeo khẩu trang, đảm bảo cự ly tối thiểu 2m giữa người với người. Thực hiện nghiêm việc khai báo, kiểm tra y tế tại địa bàn dân cư; các khu nhà trọ, nhà ở công nhân…
Đặc biệt, chỉ đạo UBND các quận, huyện phối hợp với ngành Y tế sớm phát hiện các đối tượng nghi bị lây nhiễm; khoanh vùng và kịp thời cách ly, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân (BN) mắc COVID-19 theo đúng quy trình. Trước thông tin trên, sáng 30-7, nhiều người dân đã lo lắng, đổ dồn về các siêu thị, chợ để mua hàng hóa, lương thực nhu yếu phẩm để tích trữ.
Ngay sau đó, Sở Công Thương Đà Nẵng đã khuyến cáo người dân không nên tích trữ lương thực, thực phẩm với số lượng lớn. Vì, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tạp hóa… trên địa bàn vẫn mở cửa và luôn đảm bảo đầy đủ hàng hóa, tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, đơn vị này đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế cân đối, dự trữ hàng hóa và bảo đảm cung cấp đủ số lượng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, cho người dân; tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường.
Chiều 30-7, bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đã ngừng tiếp nhận BN mới đến khám, điều trị. Từ tối 29-7, lực lượng Công an quận Hải Châu, đã lập rào chắn, chốt chặn, đảm bảo ANTT khu vực xung quanh bệnh viện để phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng theo bác sĩ Thạch, trong tối 29-7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã tiến hành phun hóa chất khử trùng; tổ chức xác minh các trường hợp là người thân, nhân viên y tế tiếp xúc gần với BN mắc COVID-19 số 449 (võ sư G.Jr., 57 tuổi, quốc tịch Mỹ, tạm trú tại đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), từng đến khám bệnh, điều trị tại đây.
Đến sáng 30-7, Bệnh viện Hoàn Mỹ đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tổ chức phân loại, sàng lọc các trường hợp F1, F2. Những trường hợp F1 được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại chỗ để chờ kết quả. Bệnh viện Hoàn Mỹ hiện có khoảng 120 bệnh nhân điều trị nội trú; các nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc, khám chữa bệnh cho BN vẫn được đảm bảo.
Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã chuyển hơn 800 người nhà và BN đến các địa điểm cách ly trên địa bàn nhằm giảm tải và giãn cách cho bệnh viện và hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo. Tại các điểm cách ly, người nhà BN được đảm bảo về cơ sở vật chất, điều kiện ăn uống, sinh hoạt cũng như trang thiết bị cần thiết. Nhân viên y tế thường xuyên theo dõi sức khỏe trong suốt quá trình cách ly; những trường hợp F1 sẽ được cách ly hoàn toàn với những trường hợp F2.
Ngoài ra, Bệnh viện Đà Nẵng cũng chuyển 552 BN đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi; Bệnh viện 199 (Bộ Công an); Bệnh viện Ung bướu; Bệnh viện Phổi. Hiện tại, ở Bệnh viện Đà Nẵng chỉ còn 673 BN được theo dõi, cách ly và điều trị các bệnh lý nền. Các BN ở lại được bệnh viện bố trí giường bệnh đảm bảo khoảng cách theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngày 30-7, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định cách ly xã hội đối với TP Hội An theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ; áp dụng từ 0h ngày 31-7 đến 0h ngày 14-8.
Theo đó, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp cần thiết, như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Tạm dừng các hoạt động giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, lễ hội, hội thi, hội diễn, lễ kỷ niệm, triển lãm, nghi lễ tôn giáo; các khu, điểm du lịch, khu di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và đón mới khách du lịch; bãi tắm biển. Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
Từ 0h ngày 31-7 đến 0h ngày 14-8, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Cụ thể, tạm dừng các hoạt động thể dục, thể thao; dừng hoạt động các cở sở kinh doanh, gồm nhà hàng, quán ăn, quán rượu bia, cà phê, giải khát (chủ các cơ sở được phép bán hàng cho khách mang về hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng trực tiếp tại nhà); bãi tắm công cộng (đối với thị xã Điện Bàn)…
Ngày 30-7, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, cơ sở 2 của bệnh viện tiếp nhận thêm 8 BN nhiễm COVID-19 được chuyển từ TP Đà Nẵng ra điều trị. Trong đó có một ca từ Bệnh viện Hoàn Mỹ khả năng phải chạy ECMO; 4 ca kèm suy thận từ Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng; 3 ca có dấu hiệu suy hô hấp từ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Trước đó, tối 29-7, cơ sở 2 Bệnh viện T.Ư Huế cũng đã tiếp nhận BN nhiễm COVID-19 ở TP Đà Nẵng, gồm ca số 418 trong tình trạng rất nặng so với BN số 436, 438 (được chuyển từ Đà Nẵng ra tối 28-7) khi BN gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, có sốt nhẹ.
Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ 0h ngày 30-7, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, rạp chiếu phim; dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao đông người, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết; đề nghị các cơ sở tôn giáo không tổ chức các nghi lễ, lễ hội tụ tập đông người; khuyến khích người dân tổ chức ma chay, tiệc cưới, tiệc mừng… theo truyền thống gia đình; yêu cầu người dân ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người. (Công an nhân dân, trang 4).