Điểm báo ngày 9/9/2020

(CDC Hà Nam)
WHO tài trợ khẩn 10 liều thuốc giá 8.000 USD/ lọ cứu bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay; TPHCM triển khai lấy mẫu xét nghiệm người về từ Đà Nẵng; Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh ở các huyện ven đô Hà Nội, một tuần gần 230 ca mắc; Năm ca Covid-19 mới được cách ly ngay khi nhập cảnh

WHO tài trợ khẩn 10 liều thuốc giá 8.000 USD/ lọ cứu bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay

Để cấp cứu các bệnh nhân ngộ độc độc tố Botulinum có trong pate Minh Chay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ chuyển khẩn cấp 10 lọ thuốc giải độc từ kho dự trữ thuốc của cơ quan này tại Thụy Sỹ về Hà Nội. Trước tình trạng số bệnh nhân ngộ độc độc tố Botulinum có trong pate Minh Chay vẫn tăng lên, nhiều trường hợp nặng cần có thuốc giải độc trong khi tại Việt Nam lại không có loại thuốc giải độc này, Văn phòng WHO tại Việt Nam đã vào cuộc hỗ trợ.

Cụ thể, PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã chỉ đạo Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tài trợ khẩn 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum cho Việt Nam. Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong chuyến bay ngày hôm nay (8/9/2020) từ kho dự trữ thuốc của WHO tại Geneva (Thụy Sỹ) về Hà Nội và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt, nhằm điều trị cho các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay.

Trước đó, Văn phòng WHO tại Hà Nội cũng đã tài trợ và hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong việc vận chuyển và tiếp nhận 2 liều kháng độc tố Botulinum từ Thái Lan về để điều trị cho hai vợ chồng ngộ độc nặng điều trị tại Trung tâm Chống độc – Bệnh Viện Bạch Mai.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi lọ thuốc giải độc độc tố Botulinum có giá tới 8.000 USD/ lọ. Đây là thuốc rất hiếm do ít nhà sản xuất vì không sử dụng phổ biến, nên còn được gọi là “thuốc mồ côi”. Tại Việt Nam hiện không có thuốc này, tại Thái Lan cũng chỉ có không quá 10 lọ.

Liên quan đến vụ ngộ độc do ăn sản phẩm pate Minh Chay của công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (Đông Anh, Hà Nội), tại Trung tâm Chống độc những ngày gần đây có 35 bệnh nhân đến khám, trong đó có 13 trường hợp có biểu hiện nghi ngộ độc nhẹ như mỏi, yếu cơ. Về sức khỏe hai bệnh nhân đầu tiên (là hai vợ chồng) điều trị tại Trung tâm Chống độc do ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng Pate Minh Chay, sau khi được tiêm 2 lọ thuốc giải độc nhập về từ Thái Lan, cả hai đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn (An ninh thủ đô, trang 6).

 

TPHCM triển khai lấy mẫu xét nghiệm người về từ Đà Nẵng

Ngày 8-9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm Covid–19 tại cộng đồng, người rời khỏi TP Đà Nẵng từ ngày 5-9 đến TPHCM cần được lấy mẫu xét nghiệm. Mỗi người sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 1 lần. Cụ thể, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay với những người di chuyển bằng máy bay từ ngày 8-9.

Những trường hợp đến thành phố bằng các phương tiện khác: thực hiện khai báo y tế tại các địa điểm do Trung tâm Y tế quận huyện thông báo để được sắp xếp lấy mẫu xét nghiệm.

Dự kiến thời gian tới, HCDC sẽ triển khai thực hiện đăng ký và hẹn thời gian lấy mẫu trực tuyến qua website hoặc ứng dụng (apps) của HCDC.

Theo HCDC, trước đó đã có hướng dẫn giám sát y tế đối với người rời Đà Nẵng từ ngày 5-9 đến TPHCM. Tất cả những người rời khỏi thành phố Đà Nẵng từ 0 giờ 00 ngày 5-9 phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày.

Những trường hợp có yếu tố dịch tễ rõ ràng như tiếp xúc ca bệnh xác định, từng đến các bệnh viện có ca nhiễm, sống ở tổ, thôn, ấp đang có ca mắc bệnh: khai báo tại trạm y tế để được điều tra dịch tễ chi tiết.

Người dân cần chủ động tự theo dõi sức khoẻ, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động theo hướng dẫn của ngành y tế. Hoạt động giám sát này nhằm phát hiện sớm nguồn lây, giúp kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh ở các huyện ven đô Hà Nội, một tuần gần 230 ca mắc

Chỉ trong một tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm 228 ca mắc sốt xuất huyết, tăng mạnh so với những tuần trước đó và tập trung chủ yếu ở các quận, huyện ven đô… Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch bệnh trong tuần qua (từ 31-8 đến 6-9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 01 trường hợp tử vong tại quận Hoàn Kiếm.

So với một tuần trước đó thì số ca mắc SXH tuần qua tăng 76 ca, phân bố tại 106 xã, phường, thị trấn nhưng tập trung chủ yếu ở một số quận, huyện vùng ven đô, gồm: Thường Tín (38 ca), Nam Từ Liêm (35 ca), Thanh Oai (13 ca), Đan Phượng (12 ca)… Lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, toàn Hà Nội ghi nhận 1.802 trường hợp mắc SXH, 02 trường hợp tử vong. Theo Sở Y tế Hà Nội, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, như: Vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân phối hợp thực hiện, không chủ quan với dịch bệnh. Liên quan đến ca tử vong mới nhất do SXH ở quận Hoàn Kiếm – là ca tử vong thứ 2 do SXH tại Hà Nội năm 2020, trong tuần qua, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm. Đến thời điểm này, quận Hoàn Kiếm đã ghi nhận 54 trường hợp SXH, 08 ổ dịch, trong đó có 01 trường hợp tử vong. PGS. TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu TTYT quận Hoàn Kiếm cần huy động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt công an, dân phòng tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, cần chủ động giám sát véc tơ, giám sát ổ bọ gậy, giám sát bệnh nhân. Khi có nguy cơ, có bệnh nhân cần xử lý kịp thời, nhất là đẩy mạnh truyền thông để người bệnh không tự mua thuốc điều trị tại nhà (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Công an Hà Nội điều tra vụ ngộ độc pate Minh Chay

Chiều 8-9, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã thông tin về kết quả kiểm tra với đơn vị sản xuất pate Minh Chay sau khi người tiêu dùng bị ngộ độc bởi sản phẩm này.

Ông Nguyễn Minh Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, cho biết ngày 18-8 lực lượng quản lý thị trường đã nắm được thông tin hai trường hợp bị ngộ độc được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, qua đó biết được có sử dụng sản phẩm patê Minh Chay.

Ngày 20-8, đoàn kiểm tra liên ngành của TP có đến Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới kiểm tra. Đến ngày 27-8, quá trình kiểm tra đã xác định được 3 lỗi vi phạm, cụ thể: sử dụng người tiếp xúc với thực phẩm mà không đeo khẩu trang; sử dụng dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy; vi phạm quy định hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.

Ông Hùng cũng cho biết Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới được thành lập năm 2018. Đến tháng 1-2020, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng vì lý do phòng chống dịch bệnh COVID-19, đến tháng 7-2020 doanh nghiệp này mới hoạt động.

Từ ngày 1-7 cho đến khi phát hiện vụ việc, công ty này có đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm thực phẩm chay với phương thức bán online chứ không có cửa hàng hay hệ thống phân phối.

“Sau khi phát hiện vụ việc trên, ngày 30-8 Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế có xuống kiểm tra và đình chỉ hoạt động và niêm phong hoạt động kinh doanh của công ty này. Đến ngày 31-8, Cục An toàn thực phẩm có văn bản chính thức gửi Công an TP Hà Nội đề nghị vào cuộc xem xét”, ông Hùng thông tin (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Năm ca Covid-19 mới được cách ly ngay khi nhập cảnh

Chiều 8-9, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm năm ca mắc mới (BN1050-1054) đều là các  ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, bao gồm hai ca tại Cần Thơ và ba ca tại Tây Ninh.

Hai ca bệnh được cách ly tại Cần Thơ gồm: BN 1050, nữ, 51 tuổi, có địa chỉ tại Xuân Phương, Song Cầu, Phú Yên; BN1051, nữ, 28 tuổi, có địa chỉ tại Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.

BN1050-1051 ngày 6-9 từ Philippines nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VJ2527 và được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh tại khu cách ly của TP Cần Thơ. Ngày 7-9, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Tại Tây Ninh, ba ca được cách ly gồm: BN1052, nam, 35 tuổi; BN1053, nam, 2 tuổi (con của BN1052); BN 1054.  BN1052-1053 có địa chỉ ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ngày 26-8, các bệnh nhân nhập cảnh về Tây Ninh, được cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh ngay sau khi nhập cảnh. Ngày 29-8, các bệnh nhân được lấy mẫu lần 1 kết quả âm tính. Ngày 7-9, bệnh nhân được lấy mẫu lần 2, xét nghiệm tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh kết quả dương tính với SARS-CoV-2. BN1054, nữ, 26 tuổi, có địa chỉ tại phường Vạn Thắng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngày 25-8, bệnh nhân nhập cảnh về Tây Ninh, được cách ly tập trung tại Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật tỉnh Tây Ninh ngay sau khi nhập cảnh. Ngày 26-8, bệnh nhân được lấy mẫu lần 1 kết quả âm tính. Ngày 7-9, bệnh nhân được lấy mẫu lần 2, xét nghiệm tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh kết quả dương tính với SARS-CoV-2. BN1052-1054 hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Tính đến 18 giờ ngày 8-9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.474 người. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, hôm nay có 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: Bốn bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: BN617, BN493, BN497, BN703; Bốn bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam: BN644, BN645, BN859, BN934; Ba bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Hải Dương: BN907, BN970, BN993; Hai bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa: BN789, BN900; Một bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2: BN477. Như vậy đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 868 ca bệnh. Trong số các ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có 58 ca âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2 (Nhân dân, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 17/12/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/6/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 13/6/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận