Dưa muối nhà nào cũng ăn, có một loại không nên ăn vì gây ung thư

(CDC Hà Nam)

Dưa muối là món ăn phổ biến trong mọi gia đình Việt nhưng có một loại dưa làm tăng nồng độ nitrit, là chất gây ung thư.

BS Phùng Chúc Phong, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, dưa muối là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của người Việt.

Do dưa chua có các vi sinh vật có lợi cho hệ thống tiêu hoá như lactobacillus, acidophilus và plan-tarum nên khi vào dạ dày, vi sinh vật này tạo ra các enzyme chuyển hóa đường và tinh bột trong rau dưa thành axit lactic có vị chua cũng như tạo các enzyme phân hủy một phần chất đạm trong thực phẩm, giúp cơ thể hấp thu dễ dàng hơn.

Đó cũng là lý do khi ăn các món nhiều chất đạm, chất béo, dân gian hay ăn kèm cùng dưa chua để ngon miệng, dể tiêu và chống ngán.

Trong dân gian có 3 cách muối dưa: Muối nén, muối nước và muối xổi.

Muối nén, là cách muối dưa truyền thống từ lâu đời của nhân dân ta. Thường dưa còn nguyên bẹ được muối trong vại. Sau khi muối xong, người ta dùng một tấm tre đan dày hoặc một tấm gỗ mỏng đè lên dưa rồi đặt vật nặng lên, đậy kín nắp. Sau 15-20 ngày, dưa chín vàng là được. Đây là phương pháp giúp lưu trữ dưa được dài ngày nhất.

Muối nước: Muối dưa với nước muối đun sôi để nguội trong vại. Nồng độ muối khoảng 30-70g/lít, càng ít muối dưa càng chua nhanh hơn. Sau đó chèn dưa sao cho nước cao hơn dưa khoảng 5cm, khi dưa vàng đều, vừa chua là ăn được.

Muối xổi: Cũng tương tự như cách muối nước nhưng dung dịch muối có độ mặn thấp hơn để dưa có thể chua nhanh trong vòng 1-3 ngày.

BS Phong nhấn mạnh, trong 3 cách trên, dưa chua muối nén và muối nước là ngon và an toàn nhất.

BS Phong giải thích, trong rau dưa thường có sẵn nhiều loại vi khuẩn, trong đó có cả những vi khuẩn lên men lactic, vi khuẩn lên men thối rữa và những vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng.

Khi muối dưa, vi khuẩn lên men lactic gặp điều kiện thuận lợi sẽ sử dụng chất đường bột sẵn có trong rau để phát triển rồi chuyển hóa thành axit lactic làm chua dưa. Trong điều kiện đó, các loại vi khuẩn khác không phát triển được và bị diệt.

“Qua nghiên cứu người ta thấy trong điều kiện muối dưa vi khuẩn gây bệnh chỉ sống được 9 giờ, các ký sinh trùng cũng không sống được quá 10 ngày. Cũng vì vậy dưa chua có thể dự trữ được lâu, ăn trong nhiều ngày”, BS Phong thông tin.

Riêng cách muối xổi, do thời gian muối dưa quá ngắn, môi trường muối dưa không đủ độ axit để kìm hãm sự phát triển của những loại vi khuẩn có hại do đó vẫn còn vi khuẩn và các ký sinh trùng gây bệnh.

Ngoài ra, ăn nhiều dưa chua, cà muối xổi còn có nguy cơ dễ mắc ung thư. Theo nhiều kết quả nghiên cứu, các loại rau dùng để muối dưa hiện được bón bằng phân đạm urê nên vẫn còn tồn dư một lượng nitrat đáng kể.

Khi muối dưa, nitrat trong rau sẽ bị vi sinh vật chuyển hóa thành nitrit. Hàm lượng nitrit đặc biệt tăng cao trong mấy ngày đầu rồi giảm đi và mất hẳn khi dưa đã chua vàng.

Như vậy, trong dưa muối xổi chứa nhiều nitrit, khi ăn vào,, axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho nitrit tác động vào các axit amin từ các thực phẩm khác như thịt, cá…để tạo thành hợp chất nitrosamin là một chất có khả năng gây ung thư trên động vật thí nghiệm.

Để hạn chế quá trình hình thành nitrosamine trong cơ thể, người dân nên tránh ăn dưa, cà muối xổi, hoặc những loại dưa muối còn chưa đủ thời gian, dưa chưa vàng, còn cay.

Theo vietnamnet.vn

Bài viết liên quan

Thoái hóa khớp gối và biện pháp phòng ngừa

Ngọc Nga

7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà

Ngọc Nga

Mùa lạnh: Cơ thể càng nhạy cảm với cúm!

Ngọc Nga

Để lại bình luận