Tình trạng ê buốt răng rất thường gặp, nhiều người than phiền mỗi khi ăn, uống đồ nóng, lạnh, chua… cũng thấy tình trạng ê buốt răng. Thậm chí khi chải răng hoặc hít thở không khí lạnh, cũng làm cho răng ê buốt. Vậy tình trạng ê buốt răng do đâu, cần làm gì và có nhất thiết phải đi khám không?
Nguyên nhân gây ê buốt răng
Ê buốt răng hay còn gọi là răng nhạy cảm là do lớp men răng bảo vệ trở nên mỏng hơn, hoặc lợi bị tụt làm bộc lộ bề mặt ngà răng bên dưới.
Chúng ta cần biết rằng, bên trong răng chủ yếu được tạo thành từ một chất liệu là ngà răng. Trong đó có chứa các ống siêu nhỏ chứa đầy các đầu dây thần kinh.
Lớp men cứng bên ngoài bảo vệ ngà răng trong phần thân răng của bạn, ngà răng ở chân răng được bảo vệ bởi lớp xi măng chân răng.
Vậy, lý do khiến răng ê buốt có rất nhiều, trong đó có nguyên nhân của mòn men răng. Mòn men răng có thể do sử dụng bàn chải đánh răng và chỉ tơ nha khoa cứng, khi đánh răng lại chải răng quá mạnh.
Nghiên cứu cho thấy tình trạng ê buốt răng còn do xói mòn răng do thực phẩm và đồ uống có tính axit cao.
Tình trạng này cũng có thể do các bệnh lý như sâu răng, miếng trám răng không khít để lộ lớp ngà răng, tụt lợi làm lộ lớp ngà. Thậm chí thói quen nghiến răng khi ngủ cũng có thể dẫn đến tình trạng mòn răng gây ê buốt.
Trên thực tế tình trạng ê buốt răng còn có thể gặp sau điều trị răng và thường thoáng qua, đặc biệt là với các thủ thuật như bọc răng, trám răng, tẩy trắng răng…
Cần làm gì khi bị ê buốt răng?
Khi thấy có biểu hiện ê buốt răng, việc đầu tiên cần phải làm là vệ sinh răng miệng đúng cách, cụ thể:
– Hàng ngày cần chải răng sau bữa ăn ít nhất ngày 2 lần, lưu ý sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm. Sử dụng nước ấm vừa đủ để vệ sinh răng miệng cũng là một biện pháp giảm được cảm giác ê buốt.
– Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc lựa chọn kem đánh răng có độ mài mòn thấp, được đặc chế cho răng nhạy cảm.
– Có thể sử dụng chè xanh hãm lấy nước súc miệng hằng ngày, bởi trong lá chè xanh có chất catechin, florua, axit tannic và các thành phần khác bổ trợ cho quá trình hình thành lớp men protein cứng bảo vệ cho răng. Axit tannic cũng làm giảm vai trò của các chất hòa tan canxi, vì thế nên thực hiện 2 – 3 lần trong một ngày để có thể làm giảm ê buốt răng.
– Hoặc cũng có thể sử dụng nước muối ấm pha loãng để súc miệng. Hàng ngày chỉ cần hòa loãng muối với nước ấm, sau đó súc miệng ngày nhiều lần, cũng có thể cải thiện tình trạng ê buốt răng.
– Ngoài ra, các bữa ăn cần cân bằng dinh dưỡng, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, khiến tuyến nước bọt hoạt động tốt, giúp tạo nên các khoáng chất, chống lại quá trình gây nhạy cảm cho răng.
– Tình trạng răng ê buốt không cải thiện hoặc thực sự thấy không yên tâm thì nên đến cơ sở y tế nha khoa để được các nha sĩ thăm khám, xác định hướng điều trị tốt nhất nếu răng ê buốt do một vấn đề nào đó nghiêm trọng hơn.
Tóm lại: Tình trạng răng ê buốt là rất thường gặp, để phòng ngừa các bệnh răng miệng nói chung và tình trạng ê buốt răng nói riêng cần chú ý như sau:
– Chăm sóc răng hàng ngày bằng cách chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
– Cần lựa chọn bàn chải có lông mềm mịn và chải răng nhẹ nhàng theo vòng tròn, không nên chải răng theo chiều ngang. Chú ý thay bàn chải thường xuyên, khoảng 2 – 3 tháng/lần, hoặc có thể thay sớm hơn nếu bàn chải đã xơ.
– Giảm tình trạng ăn vặt không khoa học, hạn chế sử dụng những loại thức ăn có hại cho răng như thức ăn có đường, thức uống có ga và axit…
– Khám răng định kỳ ít nhất 1 lần/năm và khi có biểu hiện nghi ngờ răng sâu hoặc ê buốt, cần tới cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể.
Phan Hạnh (tổng hợp)