Gánh nặng bệnh cúm ở người cao tuổi

(CDC Hà Nam)

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội và dường như tác động đến cả diễn biến tự nhiên của các bệnh truyền nhiễm khác, trong đó có bệnh Cúm.

Gánh nặng bệnh cúm ở người cao tuổi

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội và dường như tác động đến cả diễn biến tự nhiên của các bệnh truyền nhiễm khác, trong đó có bệnh Cúm.

Cúm đang xuất hiện không còn theo mùa và tác động đến tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi và gây ra những hệ lụy không nhỏ.

Cao tuổi gắn liền với suy giảm miễn dịch, suy nhược và đa bệnh mạn tính

Dễ nhận thấy khi càng có tuổi, chúng ta bị ốm nhiều hơn so với ngày còn trẻ? Khi thời tiết thay đổi cơ thể sẽ ngay lập tức cảm thấy có vấn đề? Và để trở lại bình thường cũng cần nhiều thời gian hơn so với trước đây? Đó chính là do sự yếu đi của hệ miễn dịch theo thời gian.

Cùng với sự suy giảm miễn dịch, suy nhược (còn gọi là suy yếu) là tình trạng gắn liền với tuổi già. Suy nhược thường đặc trưng bởi giảm sức mạnh cơ bắp và mệt mỏi. Phụ nữ có tỷ lệ mắc chứng suy nhược cao hơn nam giới – có thể do chính việc phụ nữ có xu hướng sống thọ hơn nam giới và do đó ảnh hưởng của tuổi tác cũng khiến phụ nữ dễ trở nên ốm yếu hơn.

Không những chỉ có suy yếu của hệ miễn dịch và mắc chứng suy nhược, người cao tuổi còn đối mặt với tình trạng đa bệnh lý mạn tính. Tuổi càng cao, số bệnh mạn tính cùng mắc ở người cao tuổi càng nhiều. Nghiên cứu của Trung tâm chăm sóc và dịch vụ Y khoa, Baltimore (Hoa Kỳ) cho biết. Ở lứa tuổi dưới 65 đã có hơn 45% người mắc bệnh mạn tính, nhưng chỉ có dưới 30% người mắc từ 2-3 bệnh mạn tính.

Tỷ lệ số người mắc từ 2-3 bệnh mạn tính tăng lên đến 35% ở lứa tuổi từ 65-84 tuổi. Còn ở lứa tuổi trên 85 có đến 30% người cao tuổi mắc từ 4-5 bệnh mạn tính, thậm chí trên 25% mắc đến trên 6 bệnh cùng một giai đoạn. Mười bệnh mạn tính ở người từ 65 tuổi trở lên theo thứ tự thường gặp có thể kể đến là Cao huyết áp; Tăng cholesterol; Viêm khớp; Thiếu máu cơ tim cục bộ; Tiểu đường; Bệnh thận mạn tính; Suy tim; Trầm cảm; Alzheimer và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Gánh nặng bệnh cúm ở người cao tuổi

Chỉ các vấn đề về sức khỏe như đã kể trên cũng đã là một gáng nặng rất lớn đối với người già kề cả thể chất, tâm lý và xã hội. Nhưng nếu mắc thêm một bệnh nhiễm trùng, tưởng như rất bình thường, như bệnh cúm thì gánh nặng ở người cao tuổi còn tăng lên gấp nhiều lần.

Bệnh cúm với vai trò gây bệnh và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp là nguyên nhân làm bùng phát các đợt viêm phổi, viêm phế quản cấp ở người cao tuổi. Các nhiễm trùng ở tai, ở xoang là tình trạng gặp thường xuyên khi có các đợt cúm tấn công. Ở những người đã có hen hay COPD thì mỗi lần nhiễm cúm là gần như chắc chắn có cơn hen cấp hay đợt COPD kịch phát. Với COPD hay hen sau mỗi một đợt diễn biến cấp/kịch phát là thêm một lần chức năng hô hấp xấu đi, làm gia tăng mức độ nặng và dần dần dẫn đến mất kiểm soát trong điều trị.

Bên cạnh tác động trực tiếp đến tình trạng bệnh lý ở hệ hô hấp, Cúm còn gây ảnh hưởng gián tiếp đến rất nhiều cơ quan. Đối với tim mạch, thông qua cơ chế kích thích hệ thống đáp ứng viêm, hệ thống miễn dịch làm tăng sinh các Cytokine (chất trung gian sinh ra từ quá trình đáp ứng viêm). Cùng với việc kích thích hệ thống thần kinh giao cảm hoạt động mạnh. Dẫn đến hệ quả là tăng nhu cầu oxy nhưng lại làm giảm cung cấp oxy cho cơ tim, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng nguy cơ suy tim.

Như vậy, ở người cao tuổi là đối tượng đã sẵn có tình trạng suy nhược theo tuổi, suy giảm hệ thống miễn dịch và có nhiều bệnh nền. Tình trạng sức khỏe sẽ trầm trọng hơn rất nhiều khi mắc Cúm. Nguy cơ nhập viện tăng cao, nguy cơ tử vong cũng tăng cao. Và kể cả khi tính mạng chưa bị đe dọa thì rất nhiều hệ lụy khác cũng sẽ phát sinh. Một trong những vấn đề đó là sự mất tính độc lập, mất tính tự chủ của người cao tuổi (người cao tuổi bị lệ thuộc các chức năng và hoạt động kể cả nhu cầu cơ bản). Rõ ràng việc dự phòng, hạn chế tối đa để người cao tuổi mắc Cúm là rất cần thiết.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Cảnh giác với những dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn của ung thư phổi

Ngọc Nga

Dấu hiệu suy sinh dưỡng

Ngọc Nga

6 thực phẩm dễ ăn, bổ dưỡng nhưng lại cực độc khi ăn sống

CDC Hà Nam