Một cuộc thăm dò không chính thức trên twitter cho thấy, thời gian này nhiều bệnh viện đã giảm ít nhất 40% số bệnh nhân nhập viện vì đau tim.
Một nghiên cứu của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, tại 9 bệnh viện lớn ở Hoa Kỳ, số bệnh nhân đau tim đã giảm đáng kể. Khi bệnh nhân bị đau tim, việc chăm sóc, điều trị là điều thường xuyên tại các bệnh viện. Tuy nhiên, theo TS. Santiago Garcia, Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, nỗi sợ hãi và hiểu lầm về COVID-19 có thể khiến một số người bị đau tim đã ở lại nhà. Mọi người không chỉ sợ tiếp xúc với COVID-19, mà còn lo lắng về việc bị cách ly khỏi gia đình. Một số người có thể bị nhầm lẫn bởi các thông báo phải ở nhà. TS. Santiago Garcia nhấn mạnh: “Đây là một thông điệp tốt cho công chúng, nhưng không dành cho những người có triệu chứng đau tim. Bạn không thể tự điều trị cơn đau tim”.
Đau tim cần được chăm sóc y tế và xử trí nhanh chóng.
Những triệu chứng của bệnh tim bao gồm đau hoặc tức ở ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn và khó chịu ở hàm, cánh tay hoặc lưng trên. Trong khi đó, khó thở và tức ngực có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với COVID-19. Các cảnh báo được đưa ra: Không được bỏ qua các triệu chứng đau tim hoặc dấu hiệu đột quỵ: Tê hoặc đột ngột yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân; mất thăng bằng; nhầm lẫn hoặc khó nói hoặc hiểu. Những triệu chứng này cần được chăm sóc y tế và xử trí nhanh chóng.
Không ai biết tác động của đại dịch COVID-19 đối với bệnh nhân tim ra sao, kể cả tỷ lệ tử vong do biến chứng tim. Nhưng tại thành phố New York, các dịch vụ khẩn cấp đã báo cáo sự gia tăng đột biến tại các vụ ngừng tim tại nhà.
Hà Nam