Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước nông thôn

(CDC Hà Nam)

Người dân ở nhiều nơi tuy đã có nước hợp vệ sinh, nước sạch để dùng,nhưng việc kiểm định chất lượng nguồn nước tại nhiều địa phương còn sơ sài, thiếu chế tài và các giải pháp đồng bộ thường xuyên.

 Theo một nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này.

Nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840 m3/người/năm, thấp hơn 400 m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu.  Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi và hệ thống ao hồ dày đặc.

Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của Việt Nam tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng. Kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo, ví dụ như dùng mái lợp fibroxi măng để hứng nước mưa,… Mặc dù vậy, việc kiểm soát, giám sát nước nguồn và nước uống khu vực nông thôn là vô cùng hạn chế, và có thể nói gần như không được kiểm soát.

Theo đánh giá trong Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả thuộc chương trình mục tiêu quốc gia là chất lượng nước uống ở nông thôn vẫn hầu như không được giám sát và kiểm định chặt chẽ. Đặc biệt, khu vực nông thôn miền núi với các hệ thống cấp nước quy mô nhỏ do các đơn vị địa phương, tổ chức cộng đồng quản lý cấp nước vì mục đích dân sinh phi lợi nhuận.

Cần có hướng dẫn thực hiện cho chính quyền địa phương các cấp cụ thể phần ngân sách cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cần có hướng dẫn cho các mô hình cấp nước quy mô nhỏ (cụm dân cư, trường học do đơn vị quản lý phi lợi nhuận) xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn chống thất thoát nước và xây dựng tiêu chí đánh giá thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Đối với các đơn vị cấp nước phi lợi nhuận, cần có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát, giám sát và hỗ trợ ngân sách công tác giám sát chất lượng nước.

Mặc dù Bộ Y tế có một hệ thống tổ chức đã được thiết lập tốt để giám sát chất lượng nước sinh hoạt và có năng lực kỹ thuật nhất định, nhưng trên thực tế chất lượng nước uống ở nông thôn vẫn hầu như không được giám sát. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi một khi người dân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của nó thì những vấn đề nan giải sẽ vẫn chưa được giải quyết, thậm chí sẽ không được ứng xử một cách đúng đắn.

 Những hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các tiêu chí bền vững như: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, vệ sinh gia đình, thu gom và xử lý rác thải, nước thải… đã góp phần giúp người dân có thêm nhiều thông tin bổ ích, áp dụng vào cuộc sống thực tiễn, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình; đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới bằng chất lượng cuộc sống mới với những kiến thức căn bản, khoa học trong việc sử dụng nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường.

Hồng Hạnh

Bài viết liên quan

Theo dõi sức khỏe và phòng dịch cho trẻ tại trường mầm non

hanh phan

Trưa 13/6: Thêm 98 ca mắc COVID-19, Việt Nam đã có 10.435 bệnh nhân

Ngọc Nga

​Cách phòng bệnh cúm thường gặp ở tuổi học đường

hanh phan