Theo dõi sức khỏe và phòng dịch cho trẻ tại trường mầm non

(CDC Hà Nam)

Khám sức khỏe định kì là để phát hiện sớm tình trạng sức khỏe và bệnh tật để chữa trị kịp thời. Hằng năm nhà trường cần liên hệ chặt chẽ với y tế địa phương để có kế hoạch khám sức khỏe định kì cho trẻ mỗi năm 2 lần (đầu năm học và cuối năm học).

Giáo viên có nhiệm vụ phối hợp với nhà trường tổ chức khám định kì cho trẻ; lưu kết quả khám và thông báo cho gia đình kết quả kiểm tra sức khỏe của trẻ.

Theo dõi thể lực và tình trạng dinh dưỡng

Nhà trường theo dõi thể lực và tình trạng dinh dưỡng nhằm phát hiện kịp thời những trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì để phối hợp cùng gia đình phòng tránh kịp thời.

Chỉ số thể lực dùng để theo dõi trẻ

Cân nặng (kg) theo tháng tuổi.

Chiều cao đứng (cm) theo tháng tuổi.

Cân nặng theo chiều cao đứng.

Giáo viên cần tiến hành cân trẻ 3 tháng 1 lần và đo trẻ 6 tháng 1 lần. Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân, béo phì cần cân và theo dõi hằng tháng. Nếu trẻ vừa trải qua một đợt ốm, sức khỏe giảm sút cần được kiểm tra cân nặng để đánh giá sự phục hồi sức khỏe của trẻ. Có thể cân trẻ bằng bất kì loại cân nào mà nhà trường có nhưng phải thống nhất dùng một loại cân cho các lần cân.

Đo chiều cao đứng của trẻ bằng thước đo chiều cao (hoặc có thể dùng thước dây đóng vào tường). Khi đo chú ý để trẻ đứng thẳng và 3 điểm đầu, mông, gót chân trên một đường thẳng. Chiều cao của trẻ được tính từ điểm tiếp xúc gót chân với mặt sàn đến đỉnh đầu (điểm cao nhất của đầu trẻ); Quy định một số ngày thống nhất cho các lần cân, đo; Sau mỗi lần cân, đo cần chấm ngay trên biểu đồ để tránh quên và nhầm lẫn, sau đó đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho từng trẻ và thông báo cho gia đình; Mùa đông tiến hành cân, đo trong phòng, tránh gió lùa, bỏ bớt quần áo để cân, đo chính xác.

Cách đánh giá kết quả thể lực và tình trạng dinh dưỡng

Cân nặng theo tháng tuổi (được theo dõi bằng biểu đồ tăng trưởng). Sau mỗi lần cân, chấm lên biểu đồ một điểm tương ứng với số cân và số tháng tuổi của trẻ, nối các điểm chấm đó với nhau, ta sẽ được đường biểu diễn về sự phát triển của trẻ.

Khi đường biểu diễn:

Có hướng đi lên: Phát triển bình thường.

Nằm ngang: Đe dọa

Đi xuống: Nguy hiểm.

Giáo viên cần tìm nguyên nhân và phối hợp với gia đình để có biện pháp can thiệp sớm, kịp thời chăm sóc, phòng chống suy dinh dưỡng. Nhà trường cần phối hợp với gia đình chặt chẽ và có biện pháp chăm sóc đặc biệt để nâng cao thể lực sức khỏe của trẻ.

Khi cân nặng của trẻ nằm trên kênh A và tốc độ tăng cân hằng tháng nhanh cần theo dõi và có chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với vận động phù hợp để tránh thừa cân, béo phì.

Chiều cao theo tháng tuổi (được theo dõi bằng biểu đồ chiều cao hoặc đánh giá theo bảng chiều cao.

Chiều cao nằm trong khoảng trung bình trở lên là phát triển bình thường. Chiều cao phản ánh trung thành tình trạng dinh dưỡng trong quá trình phát triển của trẻ, chiều cao dù có tăng chậm nhưng không bao giờ đứng hoặc tụt đi như cân nặng.

Chiều cao nằm trong khoảng trung bình trở xuống phản ánh sự thiếu dinh dưỡng trong một khoảng thời gian dài hay tình trạng suy dinh dưỡng trường diễn (thể thấp còi).

* Cân nặng theo chiều cao đứng (tra theo bảng) Ứng với một chiều cao có một cân nặng tương ứng. Nếu cân nặng tương ứng với chiều cao thấp hơn bình thường (thể gầy còm) phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng, gần đấy không lên cân hoặc tụt cân. Nếu cân nặng tương ứng với chiều cao cao hơn bình thường cần theo dõi thừa cân, béo phì.

Phan Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

9 hướng dẫn F0 điều trị tại nhà cần biết

Ngọc Nga

Hà Nam: Thông báo 24 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Hà Nam: Thông báo 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga