Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây hiếm muộn

(CDC Hà Nam)

Giãn tĩnh mạch thừng tinh hay còn gọi là bệnh giãn tĩnh mạch tinh hoàn, là sự nở rộng của các tĩnh mạch bên trong bìu. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xảy ra nhất ở nam giới bắt đầu từ độ tuổi thanh thiếu niên trở lên.

Cơ chế gây bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn mạch thừng tinh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn, tuy nhiên giãn tĩnh mạch thừng tinh bên trái thường chiếm đến 80%, do tĩnh mạch ở đây chịu áp lực lớn hơn bên phải. Cơ chế bệnh sinh của giãn tĩnh mạch thừng tinh là do sự suy yếu hệ thống van tĩnh mạch, dẫn đến trào ngược máu tĩnh mạch từ hệ thống tĩnh mạch chủ vào hệ thống tĩnh mạch sinh dục (tĩnh mạch tinh), làm giãn thành búi các đám rối tĩnh mạch tinh ở vùng bẹn, bìu.

Đám rối tĩnh mạch tinh giãn, gây ứ trệ máu làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn dẫn đến sự hủy hoại tinh trùng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày mà còn có nguy cơ gây vô sinh nếu không được chữa trị. Theo thống kê mới đây, có đến 40% nam giới vô sinh do giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh

Nguyên nhân trực tiếp của giãn tĩnh mạch thừng tinh hiện nay còn đang được nghiên cứu, do vậy bệnh được xếp vào nhóm tự phát. Có một số giả thuyết về nguyên nhân như: suy van tĩnh mạch, bất thường vị trí đổ của tĩnh mạch tinh vào tĩnh mạch thận trái hoặc tĩnh mạch chủ bụng, mọi nguyên nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng (khối u vùng tiểu khung, sau phúc mạc)…

Biểu hiện của giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giai đoạn sớm, giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có biểu hiện lâm sàng, phần lớn các trường hợp bệnh nhân đến khám vì lý do vô sinh sau đó tình cờ phát hiện ra giãn tĩnh mạch thừng tinh. Giai đoạn muộn, triệu chứng lâm sàng thường gặp là đau tinh hoàn, sờ thấy các búi tĩnh mạch giãn ở bìu. Khoảng 80-90% các trường hợp có giãn tĩnh mạch thừng tinh ở bên trái.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh làm gia tăng nhiệt độ ở bìu, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của tinh trùng, cũng như độ di động và/hoặc hình dạng của tinh trùng. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của tinh trùng. Mặt khác, các van máu trong các tĩnh mạch tinh hoàn bị tổn thương từ giãn tĩnh mạch thường tinh khiến các tinh hoàn co lại và mềm.

Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh kinh điển là phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh qua nội soi ổ bụng hoặc mổ mở.  Không phải tất cả bệnh nhân có giãn tĩnh mạch thừng tinh đều cần được phẫu thuật. Thường chỉ phẫu thuật đối với các trường hợp điển hình (độ III) kèm theo có đau, tức bìu kéo dài.

Hiện nay, với sự tiến bộ của điện quang can thiệp, phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh bằng can thiệp nội mạch ngày càng được phổ biến rộng rãi và dần thay thế phương pháp điều trị phẫu thuật do tính chất xâm nhập tối thiểu, hiệu qủa cao. Ngoài phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh, bác sĩ có thể cho bạn dùng thêm một số loại thuốc giúp cải thiện số lượng và chất lượng tinh trùng như một số loại thuốc hỗ trợ nội tiết, kẽm, các chất chống oxy hóa, những thuốc có vitamin E, A, C…

CDC Hà Nam tổng hợp

 

Bài viết liên quan

Cần chăm sóc người cao tuổi để nâng cao tuổi thọ

Ngọc Nga

7 nhóm người nên thực hiện tầm soát ung thư gan

Ngọc Nga

Ngừa thừa cân béo phì tuổi học đường

CDC Hà Nam

Để lại bình luận