Người hạ canxi máu có thể không biểu hiện triệu chứng, đặc biệt ở giai đoạn đầu, nhưng các triệu chứng cũng có thể xuất hiện rầm rộ và ngày một nặng hơn như: co rút và đau cơ (chuột rút), rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), tăng phản xạ gân xương và cảm giác kim châm ở bàn tay, bàn chân.
Một số thực phẩm chứa nhiều canxi.
Vì sao hạ canxi máu?
Canxi là chất khoáng thiết yếu giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức phận thần kinh và sự đông máu bình thường. Tất cả các quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều cần canxi; vì vậy nồng độ canxi trong cơ thể được duy trì không thay đổi bằng cơ chế cân bằng (homeostatic). Ngoài ra, ion canxi còn đóng vai trò then chốt trong hệ thống truyền tin nội bào và liên quan đến quá trình điều hòa hoạt động của nhiều enzyme khác nhau.
Có một số nguyên nhân gây hạ canxi máu như: thiếu hụt magie, suy thận, viêm tụy, hoặc suy tuyến cận giáp (nồng độ hormon tuyến cận giáp thấp; hormon tuyến cận giáp kiểm soát số lượng và mật độ canxi trong xương của cơ thể). Hạ canxi máu cũng có thể xảy ra khi nồng độ vitamin D máu thấp, vitamin D cần thiết cho sự hấp thu canxi.
Có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng hạ canxi máu. Các yếu tố bao gồm nghiện rượu, bệnh thận hoặc gan, chế độ ăn uống thiếu canxi, suy dinh dưỡng.
Dấu hiệu nhận biết
Người hạ canxi máu có thể không biểu hiện triệu chứng, đặc biệt ở giai đoạn đầu, nhưng các triệu chứng cũng có thể xuất hiện rầm rộ và ngày một nặng hơn như: co rút và đau cơ (chuột rút), rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), tăng phản xạ gân xương và cảm giác nóng hoặc ngứa ran (cảm giác kim châm) ở bàn tay và bàn chân.
Hạ canxi máu có triệu chứng lâm sàng chủ yếu là hậu quả của tăng kích thích thần kinh cơ như: co cứng cơ vùng lưng và chuột rút ở chân. Nếu hạ canxi máu hình thành trong một thời gian ngắn thì các triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện rõ hơn hạ canxi máu chậm và âm ỉ thì có thể gây nên bệnh lý não lan tỏa mức độ nhẹ. Hạ canxi máu nặng khi nồng độ canxi huyết tương < 7mg/dL (< 1,75mmol/L) có thể gây nên cơn tetany, co thắt thanh quản hoặc co giật toàn thân.
Cơn tetany là dấu hiệu đặc trưng của hạ canxi máu nặng nề. Cơn tetany được đặc trưng bằng các trệu chứng cảm giác bao gồm dị cảm ở môi, lưỡi, ngón tay ngón chân, dấu bàn đạp (bàn chân duỗi ra như thể đang đạp xe đạp) có thể kéo dài và gây đau đớn. Trong cơn tetany còn có thể xuất hiện đau cơ toàn thân và co giật các cơ vùng mặt.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xuất hiện hạ canxi máu, trẻ cần được thăm khám và đánh giá ngay lập tức bởi vì tình trạng này có thể ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và trưởng thành của trẻ. Xử trí ngay lập tức nếu trẻ sơ sinh có biểu hiện các triệu chứng như: khó chịu/kích thích, run, co rút cơ và bú/ăn khó.
Trong trường hợp của trẻ em gái cũng có sự thiếu hụt canxi. Ngoài chậm dậy thì ở tuổi thiếu niên, các vấn đề khác liên quan đến kinh nguyệt cũng là dấu hiệu của sự thiếu hụt canxi trong cơ thể. Nhiều thanh thiếu niên bị chuột rút, đau bụng kinh giai đoạn tiền kinh nguyệt do sự thiếu hụt canxi.
Lời khuyên của bác sĩ
Các biến chứng của hạ canxi máu không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ. Với người lớn, biến chứng cũng có thể nghiêm trọng. Vì vậy, để phòng và làm giảm thiểu nguy cơ biến chứng nghiêm trọng bằng việc tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ. Bổ sung canxi thông qua đường uống… Một số biện pháp đơn giản để phòng ngừa hạ canxi hiệu quả bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý đáp ứng đủ lượng canxi nạp vào cơ thể, nên xin ý kiến tư vấn từ những chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề này. Thường xuyên tắm nắng vào buổi sáng cũng giúp cơ thể bổ sung vitamin D làm hạn chế tình trạng thiếu hụt canxi trong máu. Hạn chế những đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, đồ uống có cồn như bia, rượu vì chúng làm giảm khả năng hấp thu canxi trong cơ thể.
BS. Lê Quang
Suckhoedoisong.vn