Hội nghị giao ban Công tác Y tế dự phòng Quý II; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm Quý III năm 2024

(CDC Hà Nam)

Chiều 15/7/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị giao ban Công tác Y tế dự phòng Quý II và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm Quý III năm 2024. Dự Hội nghị có ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế, đại biểu phòng Kế hoạch Tài chính – Sở Y tế; Ban Giám đốc, Trưởng, Phó các khoa phòng và Kế toán trưởng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; lãnh đạo và đại diện Khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV/AIDS Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.

Quý II năm 2024, hoạt động y tế dự phòng luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện và sự phối hợp của các đơn vị liên quan; sự hỗ trợ hướng dẫn chuyên môn của các Cục, Vụ, Viện Trung ương; đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Các hoạt động tại cộng đồng triển khai hiệu quả do sự phối hợp của Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị y tế cơ sở, người dân và các tổ chức liên quan. Nhất quán với phương châm từ “phòng” là chính, “chống” là phụ, kết hợp tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời đảm bảo truyền thông đi trước một bước; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường từ tuyến tỉnh đến cơ sở…

Với sự định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi đều được giám sát chặt chẽ và khống chế kịp thời; không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Kiểm soát được bệnh Sốt xuất huyết, Ho gà và Liên cầu lợn. Công tác tiêm chủng mở rộng được tổ chức thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng quy định và không có tai biến xảy ra. Các hoạt động: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng, phòng, chống tác hại của thuốc lá; sức khỏe môi trường, y tế trường học, phòng, chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bệnh nghề nghiệp, Dược – Vật tư y tế, Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng, Phòng khám Đa khoa… được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đạt và vượt kế hoạch được giao.

Phát huy kết quả đạt được, Quý III năm 2024, tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Sở Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh trong nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là lĩnh vực y tế dự phòng. Tiếp tục cử cán bộ, viên chức, người lao động tham gia tập huấn bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức liên tục theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền với các hình thức, cách thức phong phú, đa dạng, các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, công khai, phù hợp tình hình dịch bệnh từng thời điểm, thời kỳ, không để tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân; kêu gọi các tầng lớp nhân dân tự giác và tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Chủ động các phương án dự phòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai tiêm chủng cho người dân đảm bảo bảo an toàn, hiệu quả nhằm tạo miễn dịch cộng đồng theo lộ trình triển khai của Bộ Y tế và của Chính phủ. Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, hỗ trợ tuyến dưới theo định kỳ quý. Hướng dẫn tuyến dưới thực hiện các văn bản chỉ đạo các tuyến triển khai các nhiệm vụ Công tác Y tế dự phòng theo từng lĩnh vực chuyên môn và các nhiệm vụ đột xuất. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các hoạt động dịch vụ đảm bảo đúng quy định. Tiếp tục đề xuất với Sở Y tế mở rộng nội dung hoạt động dịch vụ tại đơn vị.

Song song với các hoạt động trên, Quý III năm 2024 cũng tiếp tục triển khai các hoạt động Dự án Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Dự án “Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS – Kết nối giữa cơ sở y tế và trại giam” do tổ chức AHF tài trợ; Dự án‘Tăng cường triển khai hệ thống Thông tin tiêm chủng quốc gia tiến tới báo cáo điện tử tại Hà Nam’’; Đề án “Nâng cao năng lực khám chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2024-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam”. Triển khai các lớp tập huấn, hoạt động truyền thông, nói chuyện sức khỏe… theo đúng kế hoạch. Thường trực chống dịch; phối hợp tham gia giám sát bệnh truyền nhiễm cùng Khoa phòng, chống Bệnh truyền nhiễm thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi dịch theo khả năng, năng lực hiện có tại phòng xét nghiệm; gửi mẫu và vận chuyển mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm các mẫu bệnh phẩm ngoài khả năng thực hiện lên tuyến Trung ương xác định căn nguyên theo đúng quy định…

Tuy nhiên, hoạt động y tế dự phòng thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra và mục tiêu cần hướng tới do tình trạng thiếu một số vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, công tác quản lý đối tượng tiêm chủng mặc dù đã được thực hiện trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia tại các cơ sở y tế, tuy nhiên một số cơ sở thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu; số liệu thống kê, báo cáo kết quả tiêm chủng hàng tháng tại một số địa phương chưa đầy đủ, hợp lý. Hư hao vắc xin còn vượt quá quy định; nguyên nhân chính do đối tượng tiêm phân tán theo đơn vị hành chính và địa lý. Triển khai xét nghiệm tải lượng vi rút HIV tại các Trung tâm Y tế còn gặp khó khăn, chưa thực hiện được. Mua sắm thuốc, vắc xin, vật tư hóa chất, máy trang thiết bị khó khăn do đó ảnh hưởng rất lớn đến triển khai các hoạt động của y tế dự phòng. Những diễn biến khó lường, khó kiểm soát về môi trường sống, môi trường lao động, học tập luôn bị đe dọa, bị gia tăng ô nhiễm… Một số chính sách chủ trương về các Chương trình Y tế thay đổi. Định mức chi một số hoạt động chuyển từ Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số sang chi ngân sách địa phương chưa có (giám sát, khám sàng lọc…).

Ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong hoạt động y tế dự phòng Quý II năm 2024. Đồng thời, đề nghị các đơn vị cần cố gắng nỗ lực khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Quý II năm 2024 để hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao trong 6 tháng cuối năm

Tại hội nghị, các đại biểu dự giao ban cũng đưa ra nhiều ý kiến thảo luận về những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời tập trung làm rõ các vấn đề đang được quan tâm và đề xuất các giải pháp để từng bước giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ Quý III năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong hoạt động y tế dự phòng Quý II năm 2024. Đồng thời, đề nghị các đơn vị cần cố gắng nỗ lực khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Quý II; thực hiện tốt công tác tham mưu cho Sở Y tế trong các hoạt động y tế dự phòng; bám sát các chỉ tiêu được giao trong 6 tháng cuối năm để triển khai thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả; tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hoạt động y tế dự phòng…

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ Quý II năm 2024, phát biểu kết luận hội nghị, ông Vũ Kim, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tiếp thu các ý kiến thảo luận, đề xuất của lãnh đạo các đơn vị và Trưởng, Phó các khoa, phòng Trung tâm; ông cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong việc phối hợp với Trung tâm để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, ông Vũ Kim cũng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm Quý III năm 2024: Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ; đảm bảo truyền thông đi trước nhằm cung cấp thông tin nhanh nhậy, kịp thời có tính thời sự và tính giáo dục cao. Thực hiện tốt và tham mưu triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh Bạch hầu, Sốt xuất huyết, Sởi, Viêm não, Tay chân miệng, Ho gà, Thủy đậu, bệnh lây truyền từ động vật sang người: Bệnh Liên cầu lợn, bệnh Dại, Viêm kết mạc cấp (Đau mắt đỏ)… Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát và phòng, chống bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Cúm. Đối với công tác tiêm chủng: Tổ chức tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ và cập nhật thông tin sau tiêm chủng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia kịp thời. Các đơn vị chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch: Rà soát lên kế hoạch tiêm vét, tiêm bù.Thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm theo hướng: Phòng, chống yếu tố nguy cơ; Phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm; Dự phòng cho người có nguy cơ; Chăm sóc, điều trị, phục hồi cho người mắc bệnh. Triển khai tốt công tác Dinh dưỡng, Sức khoẻ Môi trường, Y tế trường học, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, xét nghiệm,… đúng kế hoạch, nhằm góp phần giảm thiểu yếu tố nguy cơ và kiểm soát tốt 3 lĩnh vực: Bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; tai nạn, thương tích và bệnh nghề nghiệp. Tiếp tục tham gia các lớp đào tạo và tự đào tạo, cập nhật kiến thức; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả…

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Yêu cầu báo giá

hanh phan

Yêu cầu báo giá

hanh phan

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 21 tỉnh, hơn 65.000 con lợn bị tiêu hủy

CDC Hà Nam