Chiều ngày 03/8/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ thông tin truyền thông chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Hà Nam có các đồng chí Nguyễn Đức Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Ông Lê Công Hộ – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đồng chí chuyên viên Văn phòng Sở Y tế tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu được chia sẻ các kinh nghiệm triển khai nền tảng công nghệ thực tế tại một số địa phương như: Nền tảng tiêm chủng tại thành phố Hồ Chí Minh; kinh nghiệm triển khai nền tảng hỗ trợ xét nghiệm tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code; nền tảng truy vết tiếp xúc gần. Đồng thời thảo luận định hướng công nghệ, ứng dụng, quy định phân cấp, phân quyền trong ứng dụng, cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Công nghệ là để phục vụ cuộc sống và giải quyết các vấn đề của xã hội. Với sự lây lan nhanh chóng của chủng virus Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất cùng triển khai Trung tâm Công nghệ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, ở các địa phương, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông nhanh chóng tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nhanh chóng phân công 1 đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai công nghệ, thành lập Tổ công nghệ do Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì. Nếu thành lập được các Tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên các doanh nghiệp thì việc sử dụng công nghệ để chống dịch COVID-19 sẽ rất hiệu quả.
Vì vậy, để triển khai công nghệ phòng chống dịch một cách hiệu quả phải có sự bắt buộc và thống nhất trên toàn quốc. Những nỗ lực triển khai công nghệ, đặc biệt là công nghệ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 sẽ có tác dụng lâu dài. Bởi lẽ, sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn. Đây là những yếu tố quan trọng để Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số./.
Mậu Ngọ