Thời gian qua, do tình trạng gián đoạn cung ứng nhiều loại vắc xin nên nhiều trẻ đến độ tuổi tiêm chủng mà chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là bệnh ho gà
Để dự phòng bệnh ho gà cách tốt nhất là tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch bằng loại vắc xin phối hợp phòng bệnh bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.
Tại Việt Nam, vắc xin ho gà có trong rất nhiều loại vắc xin kết hợp như vắc xin 6 trong 1 (Hexaxim hoặc Infanrix Hexa), vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim hoặc SII), vắc xin 4 trong 1 (Tetraxim), vắc xin 3 trong 1 (DPT). Trong thời gian qua do tình trạng gián đoạn cung ứng vắc xin chứa thành phần Ho gà trong chương trình TCMR dẫn đến khoảng trống miễn dịch trong nhóm trẻ đến độ tuổi tiêm chủng mà chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi, do vậy cần tiêm bù ngay khi vắc xin được phân bổ, khuyến khích người dân tiêm cho trẻ bằng vắc xin chứa thành phần ho gà tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để đảm bảo miễn dịch cho trẻ. Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ em trong tiêm chủng: Tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần ho gà cho trẻ vào lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi thứ tư vào lúc trẻ 18 tháng.
– Ngoài ra, phụ nữ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.
– Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời (kể cả người đã được tiêm phòng).
Đặc biệt, do tình trạng gián đoạn cung ứng nhiều loại vắc xin trong thời gian qua, nhiều trẻ đến độ tuổi tiêm chủng mà chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ, cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và phát hiện kịp thời các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Đinh Hạnh tổng hợp