Làm gì để khám hậu COVID-19 không trở thành trào lưu không cần thiết?

(CDC Hà Nam)
Trong khi không quá nhiều người có biểu hiện hậu COVID-19, nhưng thời gian qua, rất đông trường hợp vẫn đổ xô đi khám do lo lắng thái quá. Vậy khi có những biểu hiện như thế nào thì cần đến bệnh viện? Làm thế nào để việc khám hậu COVID-19 không trở thành trào lưu rầm rộ, không cần thiết.
Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) những ngày qua tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến khám hậu COVID-19. Bên cạnh những người có triệu chứng dai dẳng như mất ngủ, đau đầu, viêm khớp, đau cơ, mệt mỏi, khó thở, tức ngực… thì cũng có nhiều người lo lắng thái quá, cứ đi khám cho yên tâm.

“Thông tin mà người mọi người đưa lên nghe nhiều sẽ thấy hoang mang”.

“Nếu chỉ viêm đường hô hấp trên không có vấn đề gì, nhưng nếu có đờm xanh tức là đã xuống phổi, di chứng đó mình chắc chắc phải đi khám hậu COVID-19. Tôi đã tìm hiểu trên mạng xã hội ”.

“Bản thân tôi trong quá trình bị COVID-19 cũng không gặp tình trạng gì quá nghiêm trọng cả. Sau đó hồi phục và đi làm sau một tuần. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi đọc được rất nhiều thông tin về những di chứng hậu COVID-19 nên là cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của bản thân”.

Trên đây là những tâm sự của các bệnh nhân đến thăm khám hậu COVID-19 tại bệnh viện Bạch Mai. Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 người đến kiểm tra di chứng COVID-19 nhưng trong đó, không ít người không có tổn thương gì.

 - Ảnh 1.

Rất đông người đến bệnh viện khám hậu COVID-19.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đại học Y dược, trong hơn một tháng tiếp đón tới 4.000 bệnh nhân. Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Phục hồi chức năng đón hơn 1.000 bệnh nhân đến khám trong tháng 1 và tháng 2.

Theo một số chuyên gia y tế, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào từng nhiễm SARS-CoV-2, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Hội chứng này xảy ra trong vòng 3 tháng và có triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng, không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Phượng, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Nguyên Trưởng khoa của Bệnh viện Phổi Trung ương, không phải ai cũng bị các triệu chứng hậu COVID-19. Một tài liệu của ngành y tế nước Anh cho thấy, chỉ có gần 30% bệnh nhân COVID-19 là người lớn sau khi khỏi bệnh vẫn bị những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chủ yếu là bệnh nhân hồi sức cấp cứu và người có bệnh nền. Tỷ lệ này ở trẻ em và người khỏe mạnh rất thấp.

“Virus SARS-CoV-2 tấn công vào tất cả các bộ phận của cơ thể trong giai đoạn cấp tính, tuy nhiên trong giai đoạn hậu COVID-19 do di chứng tổn thương của đa cơ quan, chính vì vậy triệu chứng hậu COVID-19 cũng gặp ở nhiều cơ quan. Triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, tức ngực, khó thở, ho, có trường hợp có dấu hiệu về tâm lý, có trường hợp việc mất mùi vẫn còn nhưng tựu chung lại là triệu chứng hậu COVID-19 vẫn chủ yếu ở hệ hô hấp nhưng không có nghĩa là tất cả những người mắc COVID-19 đều phải đi khám hội chứng hậu COVID-19 như vậy rất lãng phí”- Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Phượng nói.

Ở một thế cực khác, cũng có những trường hợp chủ quan, dù đã khỏi COVID-19 nhưng không đi khám hoặc đến cơ sở y tế muộn khi xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm, khiến bệnh trở nặng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua thăm khám phát hiện 1 số bệnh nhi bị viêm phổi nặng do vi khuẩn. Điều này bắt nguồn từ việc phụ huynh chủ quan khi cho rằng trẻ em sau khi mắc COVID-19 hiếm để lại triệu chứng và không theo sát diễn biến sức khỏe khi trẻ mắc bệnh khác.

“Chẳng hạn tôi vừa khám cho một cháu bé ở Đan Phượng, Hà Nội. Cháu bị viêm phổi nặng, gia đình cứ nghĩ cháu khỏi COVID-19 rồi nên chậm đi khám, nhưng lần này cháu viêm phổi do nhiễm vi khuẩn. Trong khi có những người chẳng có triệu chứng gì cũng đi khám hậu COVID-19, nhưng có những trường hợp do lo sợ tái nhiễm COVID-19 nên không đến bệnh viện khám dù có triệu chứng nặng của các bệnh khác. Theo tôi khi có triệu chứng nên đi khám”.

Trên thế giới đến nay chưa có phác đồ chính thức điều trị các di chứng COVID-19. Ngoài ra, với căn bệnh này chưa có nhiều nghiên cứu, phân tích, tài liệu khoa học về các triệu chứng kéo dài. Do vậy, việc khám chữa chủ yếu dựa vào triệu chứng. Như các chuyên gia vừa khuyến cáo không phải ai mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh cũng phải đi khám di chứng. Chỉ đến bệnh viện khi có những triệu chứng bất thường và cần duy trì khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời bệnh tật.

Đinh Thị Hạnh

Bài viết liên quan

Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona

CDC Hà Nam

Vệ sinh khử khuẩn phòng tránh lây nhiễm SARS–CoV-2, khi nhà là nơi… “chạm” an toàn

Ngọc Nga

Thêm 41 ca mắc COVID-19 mới tại Đà Nẵng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bà Rịa – Vũng tàu

Ngọc Nga