Lao phổi tái phát, nguy hiểm cận kề

(CDC Hà Nam)
Lao phổi tái phát là tình trạng bệnh nhân nhiễm lao phổi đã điều trị khỏi nhưng lại bị mắc lại gọi là lao tái phát. Lao phổi tái phát có thể xảy ra khi sức đề kháng suy yếu và phải thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm lao.

Vì sao lao phổi tái phát?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lao phổi tái phát như: trong thời gian điều trị dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý ngưng thuốc, thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh (người nhiễm lao), sức đề kháng suy yếu…

Nhiều người nhầm tưởng lao tái phát là một giai đoạn của lao phổi, điều đó hoàn toàn sai lầm. Bệnh nhân lao phổi đã điều trị khỏi luôn được các bác sĩ căn dặn để tránh lao tái phát. Lao tái phát chỉ mắc khi người bệnh không tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh. Đối với những bệnh nhân đã điều trị lao phổi, nếu không thực hiện chế độ sinh hoạt điều độ, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao bùng phát. Việc điều trị khi này trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu chuyển sang lao kháng thuốc.

Lao phổi tái phát có thể xảy ra khi sức đề kháng suy yếu và thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm lao.

Lao phổi tái phát có thể xảy ra khi sức đề kháng suy yếu và thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm lao.

Biện pháp ngừa bệnh lao và lao tái phát

Tuân thủ điều trị: Để lao phổi không tái phát, cần phát hiện sớm nguồn lây chính trong cộng đồng và điều trị triệt để bằng các phác đồ theo chỉ định của bác sĩ. Khi điều trị, người bệnh phải dùng thuốc đều đặn đúng và đủ theo thời gian quy định tới khi hoàn toàn khỏi bệnh.

Đúng liều lượng: Thuốc lao được chỉ định cho từng trường hợp. Do đó, cần phải dùng đúng theo liều lượng bởi nếu thấp quá thì không hiệu quả, còn cao quá thì gây ra tai biến.

Đúng cách: Thuốc chữa lao phải được tiêm và uống thuốc cùng thời điểm để hiệu quả của thuốc đạt mức cao nhất.

Điều trị đều: Việc điều trị bệnh lao đòi hỏi người bệnh phải thực hiện đúng theo liệu trình một cách đều đặn. Chỉ cần quên hay tự ý bỏ thuốc cũng sẽ dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc.

Điều trị đủ: Thời gian điều trị bệnh lao tương đối dài, thông thường, bệnh nhân lao mất từ 6-8 tháng để điều trị dứt điểm. Việc dùng thuốc điều trị không đủ cũng sẽ gây ra tình trạng lao kháng thuốc.

Sau khoảng 3 tuần được điều trị thuốc đầy đủ, khả năng lây bệnh sẽ giảm đi. Trước và sau giai đoạn này, người bệnh nên thực hiện vài biện pháp để tránh lây sang người lành như: người bệnh không nên tiếp xúc với người lành, chỉ duy nhất người chăm sóc là ở gần người bệnh. Khi người bệnh ở nhà cần có phòng riêng, thoáng mát, sạch sẽ, không ẩm ướt và mất vệ sinh…

Tái khám định kỳ: Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp người bệnh nắm được tình trạng sức khỏe, khả năng phục hồi bệnh. Đồng thời, bác sĩ sẽ xem xét có tiềm ẩn vi khuẩn lao trong cơ thể hay không, tư vấn biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi tái phát phù hợp.

Tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh: Nguồn lây bệnh ở đây là những người đang điều trị lao, có trực khuẩn lao trong cơ thể. Con đường lây lan của lao phổi là qua đường hô hấp, vì vậy, rất khó để kiểm soát được nó. Thông thường, với những bệnh nhân lao phổi khi ho, khạc đàm, hắt hơi… đều cho ra ngoài môi trường hàng nghìn đến hàng triệu vi khuẩn lao, các vi khuẩn này bay lơ lửng ngoài không khí, người bình thường hoặc người đã điều trị lao phổi khỏi khi hít phải đều có thể bị nhiễm lao. Do đó, hạn chế tối đa tiếp xúc với người bị lao phổi là điều quan trọng nhất giúp phòng ngừa bệnh lao và lao tái phát.

Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc hoặc thường xuyên tiếp xúc ở nơi đông người, cần trang bị các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc…

Tăng sức đề kháng: Một đặc điểm cần lưu ý của bệnh lao phổi là vi khuẩn lao chỉ gây bệnh khi sức đề kháng, hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu. Nếu cơ thể có đủ sức đề kháng khống chế được vi khuẩn lao thì sẽ không thể tái phát lao. Đối với những người đã điều trị lao phổi, thường gặp phải những tổn thương nghiêm trọng về đường hô hấp, phổi, gan… do quá trình điều trị trước gây ra. Vì vậy, khi đã điều trị khỏi và tái hòa nhập cộng đồng, dù bệnh đã được kiểm soát cũng cần phải tăng cường sức đề kháng, nhất là sức đề kháng của đường hô hấp để chống lại vi khuẩn lao có thể xâm nhập cơ thể.

Với những người đã điều trị lao khỏi, nên thực hiện các biện pháp sau để tăng sức đề kháng: Hạn chế sử dụng các chất có cồn, chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá…; Bảo vệ cơ thể khỏi những chất gây hại cho đường hô hấp như khói bụi, chất bẩn…; Thực hiện lối sống sinh hoạt điều độ và khoa học; Chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học; Sử dụng các sản phẩm tăng sinh lực, bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi mọi người cùng chú ý đến sức khỏe của mình để phòng bệnh lao; Người bệnh lao có ý thức tuân thủ điều trị và thực hiện các biện pháp ngừa bệnh tái phát thì bệnh lao sẽ không quay lại.

Suckhoedoisong.vn

 

 

Bài viết liên quan

Mất ngủ hậu COVID-19: Nguyên nhân, tác hại và biện pháp khắc phục

Ngọc Nga

Những rủi ro khi mắc bệnh lậu ở phụ nữ mang thai

Ngọc Nga

7 nguyên tắc người bệnh đái tháo đường cần nhớ khi ăn trái cây để tránh lợi bất cập hại

Ngọc Nga

Để lại bình luận