Lựa chọn Vắc xin trước và trong khi mang thai

(CDC Hà Nam)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và dự phòng dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe thai kỳ cho mẹ và trẻ.

Nếu người mẹ không may mắc phải một số bệnh truyền nhiễm trong thời gian mang thai thì khả năng ảnh hưởng xấu đến bào thai rất cao, thậm chí có thể khiến thai nhi ngừng phát triển. Người mẹ tiêm phòng vắc xin đầy đủ sẽ giúp trẻ sau khi chào đời có được miễn dịch thụ động từ mẹ. Theo Bộ Y tế, nếu tuân thủ đúng các quy định về an toàn tiêm chủng, các vắc xin tiêm trước khi mang thai không ảnh hưởng xấu đến mẹ và trẻ. Ngoài ra, các loại vắc xin khuyến cáo và cho phép tiêm trong thời gian mang thai (như vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng viêm gan B, vắc xin phòng uốn ván) đều có nguồn gốc là các loại vắc xin tái tổ hợp hoặc vắc xin bất hoạt, không phải từ nguồn gốc vi khuẩn sống nên rất an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Việc tiêm phòng cho phụ nữ mang thai được chia làm 2 giai đoạn trước và trong khi mang thai. Cụ thể các mũi vắc xin cần tiêm trong mỗi giai đoạn như sau:

Tiêm phòng trước khi mang thai

Cùng với chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý thì tiêm ngừa đầy đủ các mũi vắc xin được khuyến cáo dành cho phụ nữ trước khi mang thai có vai trò như một lá chắn bảo vệ mẹ và em bé trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các loại vắc xin mà phụ nữ trước khi có thai cần tiêm đó là: sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan B nhằm tránh những rủi ro cho thai kỳ.

  1. Rubella:Virus rubella lây truyền qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 12 – 23 ngày. Nhiễm rubella trong đầu thai kỳ (3 tháng đầu hoặc 20 tuần đầu) có thể gây thai chết hoặc hội chứng rubella bẩm sinh, hội chứng này đặc trưng bởi nhiều khuyết tật, đặc biệt là với não, tim, tai và mắt.
  2. Sởi:Nếu bà mẹ mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi rất cao. Ngoài ra, phụ nữ bị sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
  3. Quai bị:Virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Đặc biệt, nguy cơ càng cao hơn nếu mẹ bị nhiễm quai bị trong 3 tháng đầu hay 3 tháng cuối của thai kỳ.

Hiện nay, phụ nữ có thể chủ động phòng ngừa sởi, quai bị và rubella chỉ với một mũi vắc xin 3 trong 1 (sởi – quai bị – rubella)và tiêm muộn nhất 3 tháng trước khi mang thai.

  1. Thủy đậu:Phụ nữ chuẩn bị có thai được tiêm phòng thủy đậu sẽ tránh được tình trạng mẹ bị thủy đậu trong nửa đầu thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh do lây nhiễm qua nhau thai. Những dị tật bẩm sinh gồm: viêm võng mạc bồ đào, teo vỏ não, thận ứ nước, những khiếm khuyết của da và xương chân. Nguy cơ cao nhất là 2% ở tuổi thai từ 13-20 tuần. Nếu đã tiêm phòng thủy đậu khi còn nhỏ, bạn nên tiêm thêm một mũi tăng cường. Tiêm trước khi mang thai ít nhất một tháng. Hiện nay, tiêm vắc xin ngừa thủy đậu là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, với khả năng bảo vệ lên đến 97%.  Hiệu quả bảo vệ ít nhất 10 năm ở trẻ em, 6 năm ở người lớn.
  2. Cúm:là bệnh thường gặp nhất, khi mang thai, những cơn cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là khi bà mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu lỡ mang thai mà chưa kịp tiêm phòng cúm, bà mẹ vẫn có thể tiêm ngừa trong thai kỳ của mình. Vắc xin phòng ngừa cúm được chế tạo từ những virus đã chết nên rất an toàn với bà mẹ mang thai.
  3. Viêm gan siêu vi B:Viêm gan B là một bệnh gây ra sưng tấy và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do virus viêm gan B. Viêm gan B ở sơ sinh có đến 90% không có biểu hiện lâm sàng, sau hàng chục năm mới có biểu hiện xơ gan, ung thư gan và tử vong. Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu vào thời gian sinh đẻ. Vắc xin này gồm 3 mũi, tiêm trong vòng 4 tháng. Nếu không hoàn thành 3 mũi viêm gan siêu vi B trước khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục tiêm phòng khi mang thai. Phụ nữ chuẩn bị mang thai muốn tiêm phòng viêm gan siêu vi B nên xét nghiệm huyết thanh học trước khi tiêm. Cũng có thể xét nghiệm huyết thanh học cho cả chồng để có thêm dữ liệu về nguy cơ của người vợ, tình trạng nhiễm viêm gan B của chồng.

Tiêm phòng trong khi mang thai

  1. Uốn ván:Khi mang thai, bà mẹ cần được tiêm ngừa vắc xin uốn ván, đây là vắc xin phòng bệnh uốn ván cho mẹ và bé trong thai kỳ, khi sinh và sau sinh. Phụ nữ trong tuổi sinh để nên được tiêm vắc xin ngừa uốn ván trước khi có thai hoặc vào tuần 27-36 của thai kỳ. Nếu mang thai lần đầu và chưa tiêm uốn ván trong vòng 5 năm gần nhất, mẹ cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh này. Mũi đầu tiên nên thực hiện trong 3 tháng giữa của thai kỳ, mũi thứ 2 tiêm sau mũi 1 tối thiểu 1 tháng và trước ngày dự sinh tối thiểu 1 tháng.

Với những trường hợp trước khi mang thai chưa tiêm phòng vắc xin cúm, viêm gan B thì cũng có thể tiêm hai loại vắc xin này trong khi mang thai nhưng tốt nhất 2 vắc xin này nên được chủ động tiêm ngừa trước khi có thai, đặc biệt là vắc xin viêm gan B vì sau khi tiêm vắc xin này, cơ thể cần 3 tháng mới sản sinh đủ kháng thể chống lại virus gây bệnh.

Ngoài ra, để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất và sự an toàn khi mang thai, bạn nên bổ sung một số mũi tiêm ngăn ngừa các loại bệnh khác như:

  1. Virus viêm gan Akhông gây bệnh viêm gan mạn tính nhưng trong giai đoạn cấp tính có tỷ lệ tử vong cao hơn. Bệnh này không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi nhưng nguy hiểm cho bà mẹ nên cũng cần tiêm trước khi mang thai.
  2. Ung thư cổ tử cung:HPV có khoảng 120 type khác nhau, trong đó có 30 – 40 type HPV dễ lây truyền qua đường tình dục. Nhiễm HPV type 16, 18 là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ung thư và các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo.

Tiêm vắc-xin HPV được coi là phương pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả. Hiện nay, tại Việt Nam đã có vắc-xin ngừa những týp HPV gây ung thư phổ biến nhất. Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung có hiệu quả nhất khi bạn gái chưa quan hệ tình dục và ở trong độ tuổi từ 9-26. Phụ nữ đã lập gia đình hoặc có quan hệ tình dục vẫn hoàn toàn có thể tiêm ngừa ung thư cổ tử cung vì các nghiên cứu đều cho thấy vắc-xin vẫn có hiệu quả rất tốt cho các đối tượng này. Thuốc chỉ không có tác dụng với những người đã bị ung thư mà thôi. Tiêm ba mũi vắc xin trong khoảng 6 tháng đối với cả hai loại vắc xin này, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1-2 tháng và mũi thứ 3 tiêm sau mũi tiêm thứ nhất 6 tháng.

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

7 nguyên tắc người bệnh đái tháo đường cần nhớ khi ăn trái cây để tránh lợi bất cập hại

Ngọc Nga

11 dấu hiệu trầm cảm ở trẻ cha mẹ không thể bỏ qua

CDC Hà Nam

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em do COVID-19 và khả năng hồi phục tổn thương tim

Ngọc Nga