Một số biến chứng của bệnh Sởi

(CDC Hà Nam)

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng…

* Đặc điểm của bệnh Sởi:

Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên.

Bệnh có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng nhưng chưa tiêm nhắc lại.

* Tác nhân gây bệnh Sởi:

Tác nhân gây bệnh là do vi rút sởi. Người là ổ chức duy nhất. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 – 18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban.

* Đường lây truyền của bệnh Sởi:

Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân mắc sởi bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Bệnh Sởi lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.

* Biểu hiện của bệnh Sởi:

Bệnh diễn biến qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài 10 – 14 ngày trong giai đoạn này người bệnh không có biểu hiện gì.

Giai đoạn khởi pháp: 2 – 4 ngày. Bệnh nhân sốt cao 38 – 390C, viêm long đường hô hấp trên (ho, hắt hơi, sổ mũi) và viêm kết mạc mắt: mắt đỏ, có gỉ mắt, chảy nước mắt, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ 0,5 – 1 mm màu trắng trong niêm mạc miệng.

Giai đoạn toàn phần: Kéo dài 2 – 5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3 – 4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dẫn lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng dát sần, khi căng da thì ban biến mất.

Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1- 2 tuần sau thì hết ban.

 

* Một số biến chứng của bệnh Sởi:

Viêm não màng não: Biến chứng thường xuất hiện vào giai đoạn hồi phục với biểu hiện có thể sốt lại, đau đầu, cứng gáy, co giật và thay đổi ý thức từ lú lẫn, ngủ gà tới hôn mê.

Bội nhiễm sau mắc sởi: Viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm phổi, viêm loét miệng (cam tấu mã), viêm cơ tim,… Đối với phụ nữ mang thai khi mắc sởi thường rễ bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.

* Xử trí khi bị mắc bệnh sởi

Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ

Người bệnh mắc sởi cần được cách ly.

Phát hiện và điều trị sớm biến chứng.

Không sử dụng corticoid khi khi bệnh nhân chưa loại trừ mắc bệnh sởi.

Vệ sinh da, mắt, miệng họng: không sử dụng các chế phẩm có corticoid.

Tăng cường dinh dưỡng.

Hạ sốt trong các trường hợp sau:

– Áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát.

– Dùng thuốc hạ sốt paracetamol khí sốt cao.

Bồi phụ nước, điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi người bệnh nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải.

Bổ sung vitamin A.

* Biện pháp dự phòng bệnh sởi

Phòng bệnh chủ động bằng tiêm vắc xin: Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chúng theo quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.

Không tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi đi đến các vùng địa phương đang có thông báo bệnh dịch sởi.

Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đinh Hạnh

 

 

Bài viết liên quan

Cách kiểm soát cao huyết áp và khi nào nên dùng thuốc?

CDC Hà Nam

Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ

Ngọc Nga

Tiêu chảy bệnh thường gặp mùa hè

Ngọc Nga