NÂNG CAO CẢNH GIÁC VỚI BỆNH VIÊM NÃO VI RÚT MÙA HÈ

(CDC Hà Nam)

Viêm não vi rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên, gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tính từ đầu năm 2024 khu vực miền Bắc ghi nhận 96 trường hợp mắc viêm não do vi rút  trong đó có 05 trường hợp tử vong tại Điện Biên (03) và Sơn La (02). Trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm 2024 chưa ghi nhận trường hợp viêm não vi rút, tuy nhiên vào thời điểm mùa Hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho một số tác nhân gây bệnh phát triển. Vì vậy người dân cần tăng cường, chủ động các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em và người cao tuổi.

Bệnh Viêm não vi rút là gì?

Viêm não là một tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh – tâm thần khu trú hoặc lan tỏa. Viêm não vi rút là tình trạng viêm não, gây ra bởi một trong số các loại vi rút, biểu hiện bệnh lý nặng nề đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Bệnh viêm não vi rút được phân thành hai loại là viêm não vi rút nguyên phát và viêm não vi rút thứ phát. Bệnh viêm não vi rút thứ phát là biến chứng của các vi rút gây bệnh sởi, quai bị, cúm, vi rút đường ruột, vi rút Héc-péc (Herpes simplex virus)…Viêm não vi rút nguyên phát có tác nhân gây bệnh là những vi rút có ổ chứa thiên nhiên (tại Việt Nam phổ biến nhất là vi rút viêm não Nhật Bản), do côn trùng, tiết túc (muỗi, ve) truyền vi rút gây bệnh.

Bệnh viêm não vi rút lây truyền qua những con đường nào?

Đường truyền bệnh của bệnh viêm não vi rút thay đổi tùy theo từng loại vi rút gây bệnh. Đối với bệnh viêm não vi rút thứ phát, một số con đường lây truyền chính của thể bệnh này như:

Qua đường hô hấp: Khi ho hoặc hắt hơi từ một người nhiễm bệnh giải phóng vi rút trong không khí, sau đó người khác hít phải; một số vi rút lây truyền qua đường này là vi rút sởi, cúm, quai bị…

Qua đường tiêu hóa: Người lành ăn thực phẩm nhiễm vi rút và mắc bệnh; vi rút đường ruột là tác nhân gây bệnh hàng đầu lây truyền qua đường này.

Thông qua tiếp xúc da chạm da: Da người lành tiếp xúc trực tiếp với da chứa tác nhân gây bệnh của người bệnh. Một số vi rút lây truyền qua đường này như: vi rút thủy đậu, vi rút Héc-péc (Herpes simplex virus)…

Đối với viêm não vi rút nguyên phát, bệnh lây truyền chủ yếu thông qua trung gian truyền bệnh như muỗi, ve truyền vi rút trực tiếp vào máu qua vết đốt của chúng; một số vi rút lây truyền theo đường này như: Vi rút viêm não Nhật Bản gây bệnh viêm não Nhật Bản do muỗi Culex Tritaeniorhynchus truyền bệnh.

Người mắc bệnh viêm não vi rút có các biểu hiện nào?

Biểu hiện lâm sàng của viêm não vi rút rất đa dạng, bệnh thường biểu hiện cấp tính và diễn biến nhanh chóng. Người bệnh thường có các biểu hiện toàn thân như sốt cao, mệt mỏi, kèm theo triệu chứng của hội chứng màng não như đau đầu lan toả hoặc khu trú, nôn nhiều, táo bón ở người lớn hoặc tiêu chảy ở trẻ nhỏ.

Giai đoạn toàn phát các triệu chứng thần kinh xuất hiện ngày càng rõ rệt, bệnh nhân co giật kiểu động kinh, có thể xuất hiện dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt nửa người hoặc liệt tứ chi, tổn thương dây thần kinh sọ; rối loạn nhận thức và tâm thần như vô cảm, thờ ơ, kích động, mất định hướng; rối loạn cảm giác; rối loạn thần kinh thực vật…Đối với trẻ nhỏ, các triệu chứng thường không điển hình, có thể chỉ nôn mửa, gồng cứng người, thóp phồng nếu bệnh nhân còn thóp, khóc không thể dỗ được hoặc khóc tăng lên khi bồng bế hoặc thay đổi tư thế.

Viêm não vi rút khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế để lại di chứng nặng nề. Tuy nhiên nếu không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng rất nguy hiểm tùy theo mức độ tổn thương của não như: suy hô hấp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong, nhẹ hơn là tình trạng sức khoẻ yếu, mất khả năng học tập, mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh, thay đổi nhân cách…

Chúng ta cần làm gì để phòng bệnh viêm não vi rút?

Căn cứ vào nguyên nhân và đường truyền bệnh để phòng ngừa bệnh viêm màng não vi rút thích hợp và hiệu quả, một số biện pháp phòng ngừa đã được Bộ Y tế đưa ra như:

Đối với tác nhân gây bệnh lây truyền qua trung gian truyền bệnh (muỗi, ve…) đốt, việc quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muỗi đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mặc áo dài tay, mang tất cùng, sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. Bên cạnh đó người dân cần phải hạn chế sự phát triển của muỗi gây bệnh bằng cách thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, làm thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm giảm thiểu nơi cư ngụ cũng như nơi đẻ trứng của muỗi kết hợp với phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao.

Đối với các tác nhân là vi rút sởi, quai bị, thủy đậu, vi rút Héc-péc (Herpes simplex virus)… lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, chúng ta cần phải cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, găng tay khi chăm sóc người bệnh. Chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh và những biến chứng viêm não của các bệnh này.

Đối với các vi rút đường ruột lây qua đường tiêu hóa việc vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong đó việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh ăn chín, uống chín là những biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.

Đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

BS Vũ Thị Lan

Trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Bài viết liên quan

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 04/12/2021

Ngọc Nga

Tăng cường quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại Trạm Y tế

CDC Hà Nam

Làm gì khi đổ mồ hôi quá nhiều?

Ngọc Nga