Theo dự báo trong tuần này, nắng nóng sẽ gia tăng và kéo dài ở nhiều nơi, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, thậm chí trên 40 độ C. Các bác sĩ cảnh báo, nắng nóng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có đôi mắt vì đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Chính vì vậy, người dân cần chú ý bảo vệ đôi mắt để giữ cho “cửa sổ tâm hồn” của mình luôn trong sáng, khỏe mạnh.
BS. Lê Mạnh Đức – Phó Giám đốc Bệnh viện Bưu điện kiêm Trưởng Khoa Mắt của bệnh viện cho biết, trong những ngày nắng nóng, vấn đề người dân hay gặp phải nhất đó là chứng khô mắt. Điều này xảy ra là do nền nhiệt cao khiến nước mắt tiết ra bay hơi nhanh.
Đặc biệt, ở đối tượng dân văn phòng làm việc nhiều với máy tính và thường xuyên trong phòng máy lạnh thì vấn đề khô mắt rất phổ biến. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 95% dân văn phòng ở Việt Nam mắc chứng khô mắt. Tình trạng này nếu cứ để kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm chức năng mắt.
“Khi đến khám với chúng tôi, người bệnh thường than phiền tình trạng mắt khô, có cảm giác kích thích, như có dị vật trong mắt, nóng rát như phải bỏng, một số người còn cho biết họ bị ngứa, mỏi và nặng mi mắt. Trường hợp nặng còn cảm thấy cộm ở mắt ngay khi vừa ngủ dậy, đau rát thực sự mỗi khi chớp mắt. Ngoài ra, nhiều người gặp phải các bệnh lý khác ở mắt như viêm giác mạc, viêm kết mạc do khô mắt…”- BS. Đức cho hay.
Bác sĩ thăm khám và tư vấn các bệnh về mắt cho người dân.
Chuyên gia nhãn khoa cũng cho biết, theo giải phẫu, giác mạc (lòng đen) là cơ quan duy nhất của cơ thể không được nuôi dưỡng bằng các mạch máu, mà được nuôi dưỡng bằng sự thẩm thấu, đó chính là dung dịch ở trong tiền phòng và nước mắt được tiết ra ở phía trước đảm bảo cho giác mạc hoạt động trơn tru, đủ dinh dưỡng.
Song, khi thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao, nước mắt bị bốc hơi nhanh không đảm bảo nuôi dưỡng cho giác mạc sẽ dẫn đến khô mắt, đôi mắt phải chớp nhiều hơn làm mắt mệt mỏi, yếu cơ, có thể gây tổn thương thần kinh. Đáng chú ý, tia cực tím từ ánh nắng mắt trời dễ khiến mắt bị tổn thương gấp nhiều lần hơn, gây tổn thương tế bào thị giác.
Hiện nay, để điều trị chứng khô mắt, đa số các trường hợp sẽ được chỉ định các thuốc nhỏ mắt nhân tạo có tác dụng bôi trơn và giữ ẩm cho mắt, thay thế lượng nước mắt đã mất hoặc phần dinh dưỡng bị thiếu trong nước mắt.
Phẫu thuật trị bệnh khô mắt được tiến hành khi các giải pháp khác không hiệu quả.
Cách phòng bệnh khô mắt hiệu quả trong nắng nóng
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh khô mắt trong mùa nắng nóng như hiện nay, người dân cần có biện pháp bảo vệ mắt phù hợp khi đi ra ngoài trời nắng, hoặc ra đường có nhiều bụi ô nhiễm (như đeo kính mát, đội mũ bảo hiểm có kính che chắn…). Tránh đi ra ngoài đường vào thời điểm tia cực tím lớn nhất trong ngày, khoảng từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều.
Bên cạnh đó, hạn chế nhìn lâu vào màn hình tivi, máy tính, điện thoại… bằng cách thực hiện theo nguyên tắc 20/20/20, đó là nhìn vào màn hình 20 phút sau đó nhìn xa 20m trong vòng 20s.
Ăn uống bổ sung thêm các nguồn dinh dưỡng cung cấp các chất cần thiết cho mắt như dầu cá, omega 3, các loại rau củ có màu như cải xoong, cà chua, gấc, đu dủ, uống đủ nước… Có thể sử dụng dung dịch nhỏ mắt bằng muối NaCL 0,9% để rửa sạch mắt hàng ngày… Chú ý chăm sóc đôi mắt hàng ngày, ngủ đủ giấc, không nên thức khuya dễ khiến mắt điều tiết nhiều, mệt mỏi.
Khi gặp các vấn đề bất thường về mắt cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám ngay để được tư vấn và có giải pháp điều trị kịp thời, tránh để lâu dễ biến chứng nặng hơn.
– Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
– Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
– Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
– Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
– Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo Báo Sức khỏe & đời sống