Các đơn vị trong và ngoài ngành y tế từ Trung ương đến địa phương đã cử hàng chục ngàn cán bộ và lực lượng tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại nhiều địa phương. Để đảm bảo công tác phòng dịch phòng lây nhiễm, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn an toàn với các đối tượng này.
Ngày 3/9, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn an toàn phòng chống dịch Covid-19 đối với lực lượng tham gia hỗ trợ công tác chống dịch gồm nhân viên y tế; Sinh viên khối ngành sức khỏe; Các lực lượng khác: cán bộ y tế nghỉ hưu, giáo viên, thanh niên, tăng ni phật tử/tu sĩ, lái xe,…
Ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19
Văn bản khẩn của Bộ Y tế cho biết trong thời gian vừa qua, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế từ Trung ương đến địa phương đã cử hàng chục ngàn cán bộ và lực lượng tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Sự hỗ trợ và nỗ lực không ngừng của các lực lượng trên đã góp phần rất lớn kiềm chế sự bùng phát và lây lan của dịch COVID-19.
Để cán bộ y tế và các lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch chủ động hơn nữa đảm bảo an toàn trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với các lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
Hướng dẫn của Bộ Y tế đề nghị các địa phương đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về y tế, lao động – xã hội; ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp, nước uống, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không cử phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, mắc bệnh nền hỗ trợ chống dịch COVID-19
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, lực lượng tham gia hỗ trợ công tác chống dịch phải là người đủ điều kiện sức khỏe về thể chất, tinh thần; Không bị mắc các bệnh nền, mạn tính (bệnh gan, thận, tiểu đường, ung thư, tim mạch, béo phì, bệnh đường hô hấp, bệnh suy giảm miễn dịch…); Không cử phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.
Không thuộc đối tượng tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày trước ngày làm nhiệm vụ; không có các biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở, đau rát họng…
Đồ dùng cá nhân cần mang theo khi đi tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ người tham gia lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch cần chuẩn bị các phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống dịch như găng tay y tế (găng tay sạch hoặc vô khuẩn) và găng tay vệ sinh; Khẩu trang y tế thông thường hoặc phòng nhiễm khuẩn và khẩu trang hiệu suất lọc cao (gọi tắt là N95);
Bộ trang phục phòng hộ cá nhân (quần áo liền, có mũ hoặc rời hoặc áo choàng chống dịch, dài che kín người; được sản xuất từ vải không dệt, chống thấm, có khả năng bảo vệ chống vi sinh vật xâm nhập theo đường dịch; dễ sử dụng, thoáng mát…);
Tạp dề bán thấm bằng vật liệu chống thấm, cột dây hoặc đeo quanh cổ.
Mũ che kín đầu, tóc, tai; Ủng bảo hộ (dài quá bắp chân, dùng vật liệu có thể tái sử dụng).
Bao giầy che phủ bàn chân, bắp chân có dây cố định tránh tuột và bao phủ được ống quần mặc bên trong; là vật liệu bán thấm hoặc chống thấm.
Tấm che mặt (che hoàn toàn được hai bên tai và chiều dài khuôn mặt, làm bằng nhựa dẻo, trong; chống mờ do hơi nước; không làm biến dạng hình ảnh, cung cấp tầm nhìn tốt cho người dùng…
Kính bảo hộ gồm gọng cài tai hoặc dây đeo sau đầu, phải trong suốt, ôm hết khuôn mắt hoặc che phủ hết mắt, hai bên thái dương.
Đồ dùng cá nhân cần mang theo khi đi tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19 phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch
Ngoài ra, cần chuẩn bị các trang thiết bị, đồ dùng cá nhân cần thiết đủ cho thời gian đi công tác, gồm:
– Bình đựng nước uống cá nhân và cốc uống dùng riêng (đảm bảo vệ sinh).
– Khăn giấy, quần áo (lựa chọn đồ vải có độ thấm hút tốt để mặc trong đồ bảo hộ), băng vệ sinh (đối với nữ).
– Kem dưỡng, chống khô da do sử dụng nhiều chế phẩm sát khuẩn tay.
– Nhiệt kế cá nhân, nước súc họng, nước muối sinh lý nhỏ mắt, một số thuốc thông thường (hạ sốt giảm đau, rối loạn tiêu hóa, oresol, vitamin C, và các thuốc thường dùng của cá nhân…).
– Các vật dụng thiết yếu theo nhu cầu của cá nhân…
Thời gian cách ly, xét nghiệm sau khi kết thúc hỗ trợ chống dịch COVID-19
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ, đối với người làm nhiệm vụ có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm SARS-CoV-2 (điều tra dịch tễ; lấy mẫu xét nghiệm; phục vụ các cơ sở cách ly tập trung; làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; hỗ trợ trạm y tế lưu động cấp thuốc cho người nhiễm SARS-CoV-2,…) đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19:
Thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR (02 lần) vào ngày đầu và ngày thứ 7 kể từ ngày đến/về địa phương. Tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, thực hiện đầy đủ 5K.
Chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương; thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR (02 lần) vào ngày đầu và ngày thứ 14 kể từ ngày đến/về địa phương. Tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo, thực hiện đầy đủ 5K.
Theo Sức khỏe và Đời sống