Nguy cơ nhiễm viêm não Nhật Bản trong mùa mưa

(CDC Hà Nam)

Viêm não Nhật Bản thường gặp trong mùa hè, song có thể xuất hiện vào mùa mưa do muỗi truyền bệnh phát triển, để lại di chứng nặng cho bệnh nhân.

Bệnh viêm não Nhật Bản do virus gây ra với trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Bệnh gây nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương với tỷ lệ tử vong khoảng 30%. Một số trường hợp có thể mất khả năng ngôn ngữ hoặc không nói được, mất trí nhớ…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus viêm não Nhật Bản là nguyên nhân chính gây viêm não do virus ở nhiều quốc gia châu Á, ước tính 100.000 ca lâm sàng mỗi năm. 24 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương ghi nhận viêm não Nhật Bản lưu hành, khiến hơn 3 tỷ người có nguy cơ bị nhiễm trùng.

Tại Việt Nam, virus lưu hành toàn quốc, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh, nguy cơ cao hơn với người chưa được tiêm phòng hoặc tiếp xúc với virus khi du lịch, đến vùng có dịch, gần ruộng lúa nước, cánh đồng, vườn cây…

Triệu chứng viêm não Nhật Bản dễ nhầm lẫn với cúm, dẫn tới điều trị muộn, tăng tỷ lệ di chứng. Bệnh nhân có biểu hiện sốt đột ngột 39-40 độ C, kém đáp ứng hạ sốt, thường kèm theo ớn lạnh, tiêu chảy, sau đó là đau đầu, buồn nôn. Trẻ nhỏ mắc bệnh thường quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc li bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật như vã mồ hôi, mạch nhanh.

Hiện viêm não Nhật Bản chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ nhiệt tích cực, chống suy hô hấp – thở máy, chống phù não, cân bằng nước, điện giải… Ngoài ra, bác sĩ sẽ dựa vào điện giải đồ và đường máu để điều chỉnh rối loạn nếu có, ngăn bội nhiễm, đảm bảo dinh dưỡng.

Viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong lên đến 30% và di chứng lên tới 50%. Các di chứng vĩnh viễn về nhận thức, hành vi hoặc thần kinh, như co giật, mất thính lực hoặc thị lực, các vấn đề về ngôn ngữ, trí nhớ… Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương vào tháng 11/2023, trên 71 bệnh nhân viêm não Nhật Bản dưới 16 tuổi điều trị nội trú cho thấy 55% gặp di chứng về tinh thần và vận động do khi nhập viện bị suy hô hấp hoặc sốt trên 7 ngày, liệt chi…

Ngoài để lại di chứng, bệnh cũng gây gánh nặng kinh tế cho người bệnh và gia đình. Để phòng viêm não Nhật Bản, mọi người cần dọn dẹp nhà ở, môi trường sống sạch sẽ, diệt bọ gậy, tránh để bị muỗi đốt. Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc để phòng muỗi đốt.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả và đơn giản nhất là tiêm vaccine. Việt Nam có vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản, được triển khai trong cả chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Mỗi loại vaccine lại có lịch tiêm chủng khác nhau. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine dùng cho trẻ từ 12 tháng tuổi, bao gồm ba mũi cơ bản. Đây là vaccine bất hoạt, cần phải tiêm nhắc mỗi ba năm để duy trì miễn dịch hiệu quả.

Trong kênh tiêm chủng dịch vụ hiện có vaccine viêm não Nhật Bản sống giảm độc lực – tái tổ hợp thế hệ mới, có thể tiêm phòng sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi với số mũi tiêm ít hơn. Trẻ từ 9 tháng đến 18 tuổi chỉ cần một mũi cơ bản và một mũi nhắc lại cách nhau một năm. Người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên tiêm một mũi. Nếu trẻ đã từng tiêm 3 mũi cơ bản vaccine viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng, có thể tiêm nhắc cho trẻ với một vaccine viêm não Nhật Bản sống giảm độc lực thế hệ mới.

Mậu Ngọ tổng hợp

Bài viết liên quan

Hiểu lầm về điều trị bằng thuốc thay thế Methadone ở người nghiện các chất dạng thuốc phiện

hanh phan

Những điều cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Ngọc Nga

Ung thư thực quản được điều trị như thế nào?

Ngọc Nga