Một nửa số người mắc đái tháo đường có biến chứng kể từ thời điểm phát hiện ra bệnh. Nếu không thăm khám định kỳ hoặc tuân thủ điều trị, bệnh nhân đái tháo đường rất dễ gặp các biến chứng này.
Biến chứng đái tháo đường là gì?
Biến chứng đái tháo đường phần lớn do lượng đường máu tăng cao trong thời gian dài không được kiểm soát. Bệnh nhân có thể gặp những biến chứng cấp tính như: Hạ đường huyết, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, toan chuyển hóa…
Tuy nhiên, hiện nay đa phần bệnh nhân đái tháo đường đều phòng ngừa được những biến chứng cấp tính này, chủ yếu hay gặp phải là các biến chứng mạn tính do tăng đường huyết cao.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, tại thời điểm phát hiện ra bệnh, thường tình trạng tăng đường huyết đã xảy ra trong vòng 3-7 năm. Hơn nữa, cũng tại thời điểm phát hiện ra bệnh, khoảng 50% bệnh nhân đã có biến chứng đái tháo đường. Thời gian đái tháo đường càng dài, đường máu không được kiểm soát có thể gây ra những biến chứng mạn tính. Những biến chứng mạn tính thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường là:
– Biến chứng mạch máu nhỏ gây biến chứng mắt, biến chứng mắt, biến chứng thận.
– Biến chứng mạch máu lớn: Biến chứng động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, biến chứng động mạch cảnh gây nhồi máu não.
– Biến chứng mạch chi dưới gây ra bệnh mạch máu ngoại biên.
Ngoài ra còn những biến chứng khác khiến bệnh nhân tăng tình trạng nhiễm trùng, ngoài da.
Biến chứng đặc trưng của đái tháo đường
Một trong những biến chứng đặc trưng của đái tháo đường là biến chứng vi mạch. Biến chứng vi mạch gây nên tình trạng biến chứng về mắt và biến chứng về thận. Đối với bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát được đường huyết (đường huyết không đạt mục tiêu) trong thời gian dài sẽ gây ra những biến chứng mắt. Bệnh nhân thấy mắt mờ nhanh, gây ra những tổn thương võng mạc đái tháo đường hoặc gây ra xuất huyết ở mắt. Khi bệnh nhân cảm thấy thị lực mờ đột ngột, nên thăm khám bác sĩ mắt.
Còn nếu bệnh nhân chưa có vấn đề gì về mắt, nên thăm khám định kỳ khoảng 1-2 năm/lần. Trong trường hợp đã có tổn thương ở mắt, tùy vào mức độ tổn thương, việc thăm khám sẽ thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ.
Biến chứng tiếp theo thường gặp là biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường nên thăm khám định kỳ để kiểm soát đường huyết. Bởi biến chứng thận có thể phát hiện qua xét nghiệm. Đối với các bệnh nhân đái tháo đường lâu năm sẽ gặp tình trạng mức lọc của thận giảm gây nguy cơ suy thận hoặc gây ra các biến chứng như đái ra protein niệu đại thể/vi thể. Bệnh nhân cần thăm khám thường xuyên để tránh tình trạng suy thận nặng lên.
Do vậy khi bệnh nhân đái tháo đường có các bệnh lý khác kèm theo không nên tự ý mua và sử dụng thuốc. Thay vào đó nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn sử dụng thuốc, tránh tình trạng suy thận tăng lên.
Phòng ngừa biến chứng đái tháo đường
Để phòng ngừa những biến chứng, nguyên tắc đối với bệnh nhân đái tháo đường là cần thăm khám định kỳ. Bệnh nhân nên đi khám định kỳ hàng tháng, hoặc đối với bệnh nhân có đường huyết ổn định thì nên thăm khám từ 3-6 tháng/lần. Mỗi bệnh nhân đái tháo đường sẽ có mục tiêu điều trị khác nhau.
Với bệnh nhân đái tháo đường trẻ chưa có biến chứng sẽ có mục tiêu điều trị riêng, khác với những bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền kèm biến chứng đái tháo đường. Bệnh nhân cần bám sát mục tiêu điều trị của bác sĩ. Bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ điều trị thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hay sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Từ những va chạm, chấn thương rất nhỏ, bệnh nhân có thể gặp biến chứng ở bàn chân, tình trạng bệnh diễn biến nhanh. Trong trường hợp không được cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm thậm chí là hoại tử. Bên cạnh đó cũng có trường hợp bệnh nhân do kiểm soát đường huyết không tốt cấp cứu trong tình trạng tăng áp lực thẩm thấu.
Đinh Hạnh (tổng hợp)