Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm hơn 80% tổng số ca bệnh). Bệnh lao lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn (nước bọt) khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói lớn tiếng. Bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao
Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu), đây là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng thường gặp khác như: Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; Sốt nhẹ về chiều; Ra mồ hôi “trộm” ban đêm; Đau ngực, đôi khi khó thở.
Ai có nguy cơ cao bị nhiễm lao và mắc bệnh lao?
Ai cũng đều có thể có nguy cơ mắc bệnh lao, tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ cao bị nhiễm và mắc bệnh lao, đó là: Người nhiễm HIV; Người sống chung trong hộ gia đình có người mắc lao; Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi; Người đã bị nhiễm lao trong vòng 2 năm trở lại đây; Người mắc các bệnh mạn tính như: loét dạ dày-tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn; Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, thuốc lào; bệnh nhân đái tháo đường, suy thận mạn, ung thư, ghép tạng…
Một người mắc bệnh lao phổi có thể lây nhiễm vi khuẩn lao cho 10-15 người khác thông qua tiếp xúc gần trong 1 năm. Một người nhiễm HIV và bị nhiễm lao nhưng không điều trị nhiễm HIV và không điều trị lao tiềm ẩn thì có nguy cơ khoảng 1/10 trong số họ sẽ chuyển thành bệnh lao. Người bệnh đái tháo đường bị nhiễm lao nhưng không điều trị lao tiềm ẩn thì có nguy cơ khoảng 1/3 trong số đó sẽ chuyển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời của họ. Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc lao cao gấp 3 lần những người không bị bệnh đái tháo đường.
Thanh Huyền tổng hợp