Nhận biết dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên

(CDC Hà Nam)

Trầm cảm là vấn đề hay gặp ở trẻ vị thành niên.Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về sức khoẻ tâm thần khoảng 14,9% dân số trong đó các bệnh lý về rối loạn lo âu, trầm cảm là nhóm bệnh lý có tỷ lệ mắc khá cao.

Đối với trẻ vị thành niên  đôi lúc cha mẹ không nhận biết được, mà thường nhầm lẫn đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này. Điều đáng nói thời gian gần đây, tình trạng rối loạn lo âu có trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên dẫn đến hành vi khó kiểm soát là tình trạng rất đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân phối hợp dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên. Nguy cơ trẻ bị trầm cảm tăng lên nếu trong gia đình có người bị trầm cảm. Một số trẻ bị trầm cảm do bị trải qua những điều căng thẳng trong cuộc sống như áp lực, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ về học tập, mâu thuẫn bạn bè lâu ngày không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm đối với trẻ… Một số khác bị bạo lực gia đình, bị mất đi người thân, gia đình tan vỡ… Một số trải qua tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như: chấn thương, bệnh tật… Những điều này dẫn đến trẻ bị căng thẳng, buồn bã hoặc đau buồn kéo dài dẫn đến bị trầm cảm.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ

– Trẻ cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; hoặc giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ.

– Biểu hiện mệt mỏi: Mất hứng thú hoặc niềm vui với các hoạt động yêu thích trước đây.

– Trẻ suy nghĩ bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng.

– Trẻ hay lo lắng, dễ kích động hoặc bồn chồn.

– Trẻ giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân, có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội.

– Trẻ khó suy nghĩ, suy nghĩ chậm chạp; khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ.

– Trẻ rối loạn giấc ngủ: Không thể ngủ, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều.

– Bất thường ăn uống: Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn.

– Trẻ có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử.

– Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu, đau bụng.

Đối với trẻ vị thành niên có bệnh trầm cảm, các triệu chứng trên có thể bị ẩn nấp, khó nhận ra. Thay vào đó, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. Trẻ sẽ có những hành vi phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng mà muốn xa lánh với tất cả mọi người. Đặc biệt khi trẻ cảm thấy bị tấn công bằng lời nói, hành động, cử chỉ thì sẽ có hiện tượng nổi loạn, muốn phản kháng lại và ngừng tiếp nhận thông tin. Biểu hiện đó dễ khiến cha mẹ nhầm lẫn với sự khủng hoảng, nổi loạn của lứa tuổi.

Phòng bệnh trầm cảm ở trẻ em như thế nào?

Phòng bệnh luôn hiệu quả và ít tốn kém công sức, thời gian hơn chữa bệnh. Trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa được khi cha mẹ quan tâm và áp dụng liên tục các biện pháp như:

– Luôn lắng nghe trẻ: Ở bất kỳ lứa tuổi nào, cha mẹ cần luôn quan tâm chia sẻ, học và thực hành liên tục cách làm bạn với con. Luôn lắng nghe trẻ chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trẻ có trong cuộc sống. Sau lắng nghe, phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của trẻ, bởi sẽ gây cho trẻ cảm giác vô giá trị, tác động không tốt đến hành vi sau này của trẻ.

– Thiết lập những thói quen tốt cho trẻ: Cha mẹ cùng con sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hàng ngày phù hợp, luôn sát sao, khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và làm những việc mà con thích. Bố mẹ cần thiết lập những thói quen tốt cho chính mình, từ đó làm gương cho trẻ làm theo.

– Đảm bảo đầy đủ tinh thần, vật chất cho trẻ: Những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, quan tâm và sẻ chia sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm. Cha mẹ cần biết chia sẻ và cùng trẻ thảo luận với trẻ để giúp con từng bước vượt qua các khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ hướng dẫn con tự thiết lập những mục tiêu theo khả năng bản thân, và chú ý không đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập để trẻ có được tâm lý tốt.

– Giúp trẻ tránh rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực: Các bậc cha mẹ không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè mà nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu. Đối với những suy nghĩ sai lệch của trẻ, cha mẹ cần nhẹ nhàng phân tích chứ không được làm trẻ xấu hổ.

– Nhận biết những biểu hiện của trẻ: Trẻ thường cố gắng che giấu đi những vấn đề khiến chúng tổn thương. Vậy nên cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống. Khi trong gia đình có anh chị hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ bị trầm cảm rất cao. Bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này.

Thời gian gần đây, thật không hiếm để thấy những trường hợp tự tử của trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Đó là những cái chết rất thương tâm và ám ảnh đối với toàn xã hội. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan tâm, đồng hành, hỗ trợ về mặt tâm lý, suy nghĩ cũng như cân bằng các cảm xúc cho trẻ; không nên chủ quan, thiếu quan tâm đến trẻ. Cha mẹ cần chú ý nhận biết sớm những dấu hiệu về trầm cảm ở trẻ đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

                                                     Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

7 dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu i-ốt

Ngọc Nga

6 thực phẩm tăng năng lượng, giảm mệt mỏi

Ngọc Nga

Nhận biết dấu hiệu điển hình khi mắc sỏi thận

Ngọc Nga