Nhận biết một số bệnh lây qua đường ăn uống

(CDC Hà Nam)

Viêm gan do virut

Bệnh do một nhóm virut viêm gan A và E gây ra. Virut này có trong phân người bệnh và gây ô nhiễm vào nước, đất nếu quản lý nguồn phân không tốt. Virut viêm gan A có thể tồn tại trong thức ăn, nước uống, bể bơi, đồ dùng gia đình, vật dụng sinh hoạt cá nhân, trong môi trường đất, nước… Ở người nhiễm bệnh, virut viêm gan A được tìm thấy trong nước bọt, nước tiểu nhưng nhiều nhất vẫn là trong phân người có bệnh.

Bệnh viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa (đường phân – miệng), hiếm khi lây qua đường máu vì có rất ít virut viêm gan A trong máu, cụ thể lây qua các đường chính sau: Ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh; Uống nước bị nhiễm bệnh, bơi lội trong ao hồ, bể bơi bị nhiễm bệnh; Ăn chung thức ăn, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu…) với người có bệnh.

Virut gây viêm gan A tồn tại nhiều tháng ở nhiệt độ 25oC. Trong nước đá, chúng có thể sống tới 1 năm. Nhiệt độ 100oC trong 5 phút giết chết virut. Người ăn thức ăn có nhiễm virut sau 15-45 ngày xuất hiện các triệu chứng: mệt mỏi, sốt nhẹ, vàng da, vàng mắt, chán ăn, sợ mỡ, đi tiểu ít – nước tiểu vàng, phân bạc màu. Cũng có khi các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn chỉ thoáng qua. Virut được thải trừ ra ngoài theo phân trước khi có triệu chứng vàng da từ 10-15 ngày. Bệnh thường gây thành dịch, nhiều người mắc.

Bệnh tiêu chảy

Thường gặp ở trẻ em. Đi tiêu phân lỏng trên 3 lần/ ngày khiến người bệnh bị mất nước và một số chất quan trọng trong cơ thể. Ở trẻ em, nếu mất nước nhiều có thể tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm: Bệnh biểu hiện rầm rộ hơn, nguy hiểm hơn. Bệnh nhân nôn nhiều, đi tiêu nhiều, mất nước nhiều, đe doạ tính mạng nếu không được bù nước và can thiệp kịp thời.

Bệnh tả

Là một bệnh truyền nhiễm có các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn ói, mất nước và rối loạn điện giải cấp tính, có thể gây thành dịch lớn với tỷ lệ tử vong cao. Vi khuẩn xâm nhập đường tiêu hóa của người lành từ nước uống và thức ăn có nhiễm vi khuẩn tả, đặc biệt là thức ăn có nguồn gốc thủy hải sản.

Bệnh kiết lỵ

Bệnh lỵ do amíp: Gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em, dễ trở thành mạn tính. Bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau bụng quặn, mót rặn và đi cầu nhiều lần nhưng mỗi lần đi cầu thường có ít phân và chủ yếu chất nhầy mũi có lẫn máu. Amíp có thể tấn công vào gan làm gan sưng lên và có mủ gọi là áp-xe gan do amíp.

Bệnh lỵ do trực trùng: gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn; người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau bụng, đại tiện nhiều lần, phân toàn nước màu đỏ như nước rửa thịt. Bệnh có thể làm trẻ chết nhanh chóng vì độc tố của vi trùng và do mất nước nhiều.

Bệnh thương hàn

Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có biểu hiện sốt kéo dài khoảng 2 tuần, ban đầu sốt nhẹ sau đó tăng dần thành sốt cao (400C) kèm đau bụng, nhức đầu, đầy hơi, chậm tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón…

Để phòng ngừa có hiệu quả các bệnh lây qua đường ăn uống nói chung và bệnh tiêu chảy cấp nói riêng, mọi người, mọi nhà cần thực hiện tốt:

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi; tránh tập trung ăn uống đông người; hạn chế người ra vào vùng đang có dịch.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Thực hiện ăn chín uống sôi; không ăn rau sống, uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch.

Khi có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Triệu chứng ung thư lưỡi

Ngọc Nga

Sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế chỉ cách phòng bệnh hiệu quả

Ngọc Nga

Các vitamin hỗ trợ tăng đề kháng cho đường hô hấp khi giao mùa

Ngọc Nga