Nhãn tốt cho sức khỏe nhưng chỉ nên ăn vừa đủ

(CDC Hà Nam)

Nhãn có chứa chất chống oxy hóa và vitamin C, có lợi cho việc bảo vệ chống lại tác hại của các gốc tự do, chống lão hóa, bổ dưỡng, an thần.

Dù cung cấp ít chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa hơn các loại trái cây như quả mọng, cam, kiwi hoặc xoài, nhưng nhãn cũng là nguồn cung cấp một số polyphenol, vitamin C, vitamin nhóm B, magie, kali và phospho.

Chứa chất chống oxy hóa và hợp chất chống viêm

Nhãn có chứa chất chống oxy hóa như polyphenol, có tác dụng chống lại các gốc tự do, viêm nhiễm, nhiễm trùng và stress oxy hóa. Nhãn còn chứa các hợp chất hoạt tính sinh học như anthocyanins, corilagin, axit methylgallic, flavone glycoside, quercetin và kaempferol.

Chế độ ăn giàu polyphenol từ thực phẩm như trái cây và rau quả tươi có thể giúp bảo vệ cơ thể phòng chống các bệnh như tim mạch, ung thư, tiểu đường và bệnh gan. Nhãn có đặc tính chống viêm và có thể làm tăng hoạt động của các enzym chống oxy hóa, bao gồm catalase, superoxide dismutase và glutathione peroxidase. Chất chống oxy hóa trong long nhãn cũng có thể giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch và có tác dụng chống lão hóa khác, chẳng hạn như ngăn ngừa loãng xương.

Polysaccharides và các hoạt chất tự nhiên được tìm thấy trong nhãn có thể giúp tăng cường sức khỏe đường ruột và các chức năng của hệ thống miễn dịch. Điều này có nghĩa là nhãn có thể bảo vệ chống lại các phản ứng viêm, cảm cúm, viêm da.

Vitamin C trong nhãn có lợi cho hệ thống miễn dịch, sức khỏe của da và mắt. Mặc dù tác dụng của nhãn đối với da và mắt còn hạn chế, nhưng nhãn chứa nhiều vitamin C và các chất chống oxy hóa khác có thể giúp làm chậm các dấu hiệu lão hóa, điều trị vết thương và có thể bảo vệ chống lại bệnh tật.

Long nhãn – vị thuốc quý trong y học cổ truyền

Không chỉ sử dụng dưới dạng quả tươi, y học cổ truyền còn sử dụng nhãn làm thuốc với tên gọi long nhãn hay long nhãn nhục, là cùi nhãn sấy khô. Trong y học cổ truyền, long nhãn có vị cam (ngọt), tính ôn (ấm), quy các kinh tâm, tỳ. Nó có tác dụng ích tỳ trường trí (ích trí), dưỡng tâm bổ huyết.

Mặc dù công dụng chữa bệnh của long nhãn còn chưa được y học hiện đại nghiên cứu nhiều nhưng y học cổ truyền đã sử dụng long nhãn để chữa các chứng bệnh như: đau và sưng, đau dạ dày, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, mất ngủ, căng thẳng, giảm trí nhớ và nhận thức…

Một số lưu ý khi ăn nhãn

Nhãn là loại trái cây an toàn, nhưng sử dụng lượng vừa đủ sẽ nhận được nhiều lợi ích đối với cơ thể. Mỗi ngày, chúng ta có thể ăn khoảng 200 – 300g nhãn, nếu ăn quá nhiều có thể bị nóng (nhãn có tính ấm), mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Với phụ nữ có thai, nếu ăn lượng vừa đủ trong ngày, nhãn sẽ đem đến những tác dụng như nâng cao sức khỏe, cải thiện tiêu hóa, bổ sung vitamin… Tuy nhiên, nếu mẹ bầu ăn quá nhiều nhãn cùng lúc và ăn liên tục nhiều ngày sẽ có thể bị nóng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí là xuất huyết và gây sảy thai. Đặc biệt không nên ăn nhãn trong thời điểm mẹ bầu có dấu hiệu dọa sảy thai, mắc tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, đang bị dị ứng mẩn ngứa.

Hồng Hạnh

 

Bài viết liên quan

7 dấu hiệu nhiễm virus corona ở trẻ

CDC Hà Nam

Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng điều hành sinh hoạt Câu lạc bộ Hành trình đầu đời

Mậu Ngọ

Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng

Ngọc Nga