Nhóm máu nào có nguy cơ mắc bệnh tim cao?

(CDC Hà Nam)

Nhiều nghiên cứu cho thấy người mang nhóm máu A hoặc B có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, trong khi nhóm máu O dễ bị xuất huyết hoặc rối loạn chảy máu hơn.

Thông thường, các nhóm máu được chia thành A+, A-, B+, B-, O+, O-, AB+ và AB-. Sự khác biệt này thể hiện rõ ràng nhất khi khi một người đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm máu có liên hệ chặt chẽ với nguy cơ phát triển các loại bệnh, đặc biệt là tim mạch.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người mang nhóm máu A, B hoặc AB dễ bị suy tim hơn nhóm máu O. Nhóm máu A và B có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn 8%, nguy cơ suy tim cao hơn 10%. Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu của nhóm máu này cũng cao hơn 51%, nguy cơ thuyên tắc phổi cao hơn 47%. Thuyên tắc phổi là tình trạng rối loạn đông máu nghiêm trọng, dễ dẫn đến suy tim.

Nguyên nhân là người mang nhóm máu A, B và AB dễ gặp tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, từ đó khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, tiến sĩ Douglas Guggenheim, chuyên gia huyết học của Penn Medicine, cho biết. Loại protein trong nhóm máu A và B dễ gây tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch và động mạch, tăng nguy cơ đông máu.

Ông Guggenheim cũng nhận định đây là nguyên nhân người mang nhóm máu O ít có nguy cơ chuyển nặng hoặc tử vong sau khi mắc Covid-19. Virus thường gây ra tình trạng đông máu và các vấn đề về tim.

Nhóm máu nào có nguy cơ mắc bệnh tim cao
Người mang nhóm máu A và B dễ mắc các bệnh về tim mạch hơn. Ảnh: Shutterstock

Người mang nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đông máu thấp, song dễ bị xuất huyết hoặc rối loạn chảy máu hơn. Tình trạng này trở nên phổ biến sau khi sinh con. Người có nhóm máu O thường chuyển nặng sau các chấn thương gây chảy máu, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Critical Care.

Nhóm máu có ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe, song một người có thể thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Theo ông Guggenheim, trong tương lai, nhóm máu sẽ là yếu tố các bác sĩ cần lưu tâm khi chẩn đoán và điều trị người mắc bệnh tim mạch. Ví dụ, một bệnh nhân có nồng độ cholesterol vừa phải, mang nhóm máu A có thể phù hợp sử dụng aspirin mỗi ngày, song phương pháp này không dành cho người nhóm máu O.

“Dù bạn mang nhóm máu nào, các bác sĩ đều khuyến nghị một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng, có lợi cho tim”, ông Guggenheim nói.

Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Bộ Y tế đề nghị kiểm soát công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc

Ngọc Nga

NHỮNG VIỆC NGƯỜI DÂN PHẢI THỰC HIỆN NẾU ĐÃ ĐẾN BỆNH VIỆN BẠCH MAI TỪ 12/3/2020.

CDC Hà Nam

Các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

CDC Hà Nam