Những điều cần biết về cúm A(H5N1) ở người và cách phòng tránh

(CDC Hà Nam)

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cúm A (H5N1) là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, do vi rút tuýp A, chủng H5N1 gây ra. Vi rút A (H5N1) là chủng cúm có độc lực cao, có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người.

Vi rút cúm A (H5N1) có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân của gia cầm bị bệnh. Vi rút H5N1 gây dịch cúm cho gia cầm và có khả năng lây từ gia cầm sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc cận kề với gia cầm nhiễm bệnh, gia cầm chết hoặc tiếp xúc với chất thải của gia cầm (nước dãi, phân gà, vịt..). Khi người mắc cúm A (H5N1) bệnh tiến triển nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

Triệu chứng nhiễm cúm A H5N1

Khi bị nhiễm cúm A (H5N1), người bệnh sẽ có triệu chứng: Sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ… Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như: đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy, chảy máu cam và lợi.

Sau đó là các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như khó thở, đau ngực. Ở nhiều người biểu hiện của viêm đường hô hấp dưới có thể xuất hiện từ giai đoạn sớm. Khó thở tiến triển rất nhanh, trường hợp nặng gây suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng kèm rối loạn ý thức, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh cúm A H5N1

Cúm A H5N1 có 3 giai đoạn phát triển, gồm:

-Thời gian ủ bệnh: Giai đoạn ủ bệnh của cúm A H5N1 không có dấu hiệu. Virus cúm có thể ẩn giấu trong cơ thể từ 2 – 8 ngày. Tuy nhiên cũng có thể kéo dài tới 17 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

– Giai đoạn khởi phát: Lúc này người nhiễm bệnh dần xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao, ho khan, nhức mỏi cơ thể, chán ăn…

– Giai đoạn toàn phát: Các triệu chứng cúm A H5N1 dần trở nên rõ ràng và mức độ nặng hơn. Người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, mất ý thức, đau đầu, đau hốc mắt hay đau dữ dội vùng thắt lưng. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh nhân suy hô hấp, suy đa phủ tạng kèm rối loạn ý thức, đe dọa tính mạng người bệnh.

Tại Việt Nam, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

 Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Ngọc Nga (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Ăn đường thế nào khi mang thai?

CDC Hà Nam

Đề phòng biến chứng nguy hiểm của cúm mùa

CDC Hà Nam

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu Vitamin D trầm trọng

CDC Hà Nam