Những lưu ý khi bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai

(CDC Hà Nam)

Sắt là nguyên tố vi lượng rất quan trọng trong cơ thể, cần thiết để tổng hợp hemoglobin (Hb), trong khi Hb là một thành phần quan trọng của hồng cầu với vai trò vận chuyển oxy đi khắp nơi trong cơ thể giúp cho quá trình hô hấp của tế bào. Khi mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng lên, nhu cầu về sắt của cơ thể vì thế cũng tăng lên. Nhu cầu sắt ở phụ nữ khi mang thai khoảng khá cao khoảng 30 – 60mg sắt ion mỗi ngày.

 Vai trò của sắt đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai

Người mẹ mà trước khi mang thai bị thiếu sắt thì khi mang thai sẽ có tác hại rất lớn đến sự phát triển của thai nhi và ngay chính bản thân người mẹ. Cụ thể như:

– Đối với thai nhi: Sẽ bị thiếu máu do thiếu sắt, có thể gây suy dinh dưỡng bào thai, trẻ dễ bị sinh non, nhẹ cân. Ngoài ra thiếu máu ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí não, cũng như chỉ số IQ của trẻ sau này.

– Đối với người mẹ: Phụ nữ mang thai thiếu máu thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, khó thở, nguy cơ cao xảy ra tai biến rủi ro như sảy thai, rong huyết sau sinh. Nguy hiểm hơn thiếu máu thiếu sắt sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý nhiễm trùng và tỉ lệ tử vong cho cả mẹ và bé.

Nhu cầu sắt của phụ nữ trong quá trình mang thai tăng khoảng gấp 6 lần nhu cầu bình thường, trong khi dự trữ sắt trong cơ thể phụ nữ thường bị thấp do mất máu hàng tháng quá kinh nguyệt. Ngoài ra, với phụ nữ sinh con nhiều lần thì nguy cơ cao thiếu sắt còn cao hơn do mất máu qua mỗi lần sinh. Chính vì thế, khi có dự định mang thai, chị em phụ nữ nên uống bổ sung viên sắt hàng ngày để cung cấp đủ lượng sắt dự trữ cần thiết cho cơ thể, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và thai nhi từ việc thiếu sắt gây ra.

Một điểm hết sức lưu ý là vai trò của acid folic cũng rất quan trọng với thai nhi, nhất là thai nhi trong 3 tháng đầu. Nếu thiếu acid folic trong 3 tháng đầu, thai nhi có nguy cơ bị khuyết tật về ống thần kinh, như bệnh nứt ống đốt sống, thoát vị não, có thể nói là dị tật bẩm sinh rất nguy hiểm. Vì vậy mà bổ sung viên sắt có kèm acid folic trước khi mang thai là hết sức quan trọng.

Phương pháp bổ sung sắt cho phụ nữ trước mang thai an toàn và hiệu quả

Theo khuyến cáo đối với phụ nữ trước khi mang thai và giai đoạn cho con bú, nên bổ sung hàng ngày khoảng 15mg – 30mg sắt. Còn khi mang thai thì cần cung cấp hàng ngày khoảng 30 – 60mg sắt. Để cung cấp sắt cho cơ thể một cách an toàn, có thể thực hiện:

– Tăng cường chế độ dinh dưỡng: Cần thực hiện từ sớm, trước khi mang thai, thức ăn chứa nhiều sắt là thịt lợn, thịt bò, trứng, hải sản, tim, gan,… Một số thực phẩm không phải động vật có hàm lượng sắt cao như đậu nành, đậu lăng, nho khô, khoai tây, củ cải, rau xanh,…

 Bổ sung sản phẩm chứa sắt: Việc uống sản phẩm chứa sắt cũng rất quan trọng, qua đó cung cấp lượng sắt còn thiếu hụt cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Ngoài ra, những sản phẩm chứa sắt đồng thời cũng kèm thêm cả acid folic, rất quan trọng đối với thai nhi trong 3 tháng đầu đời.

Những lưu ý khi bổ sung sắt cho phụ nữ trước khi mang thai

– Uống viên sắt thường gây kích ứng đường tiêu hóa, có thể gây táo bón. Do đó cần phải tăng cường chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và vận động thể lực phù hợp giúp tăng nhu động ruột, hạn chế nguy cơ táo bón. Tuy nhiên, tốt nhất là lựa chọn sắt có nguồn gốc hữu cơ, giúp dễ hấp thu và hạn chế tác dụng phụ táo bón. Đặc biệt là viên sắt có kết hợp với dầu mè đen.

– Không uống viên sắt cùng lúc với canxi hoặc sữa, vì chúng sẽ làm giảm hấp thu sắt. Tốt nhất là phải uống cách xa nhau ít nhất 2 giờ.

– Không nên uống sắt và canxi vào buổi tối, vì có thể gây nóng người, khó đi vào giấc ngủ.

– Để giúp tăng khả năng hấp thu sắt, nên uống thêm vitamin C hoặc tăng cường ăn trái cây có nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi, dâu,…

Uống sắt trước khi mang thai là biện pháp vô cùng quan trọng, đúng đắn và khoa học. Bổ sung sắt trước mang thai, không chỉ tăng cường sức khỏe cho người mẹ mà còn bảo vệ sức khỏe thai nhi, tăng phát triển về thể chất và trí não, giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, là tiền đề để phát triển cho các giai đoạn tiếp theo.

Theo Suckhoedoisong.vn

 

Bài viết liên quan

Phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ nhỏ

Ngọc Nga

Các biện pháp phòng bệnh viêm não vi rút và viêm não Nhật Bản B

Ngọc Nga

Tình trạng sức khỏe sẽ ra sao khi bị tái mắc COVID-19?

Ngọc Nga

Để lại bình luận