Những ngày quên ăn để chạy với thời gian

(CDC Hà Nam)

Dịch COVID-19 hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, số người nhiễm đang tăng lên từng giờ. Phía sau những con số ấy là cuộc đua thầm lặng, dũng cảm của đội ngũ cán bộ y tế, trong đó có những người làm công tác xét nghiệm COVID-19 ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam. Họ đang từng ngày, từng giờ chạy đua với thời gian để thực hiện nhanh chóng, chính xác từng mẫu xét nghiệm. Không chỉ ban ngày mà ban đêm Labo xét nghiệm của Trung tâm lúc nào cũng sáng ánh đèn. Anh em thay nhau túc trực, nhiệt huyết, cẩn trọng trong từng công việc được giao, tất cả đều nỗ lực hết mình khi chung một mục tiêu: Quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19.

Cuối tháng 4/2021, làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát trở lại và có diễn biến hết sức phức tạp, trong đó Hà Nam là tỉnh có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên. Để nhanh chóng dập được dịch, bên cạnh công tác điều tra, truy vết và lấy mẫu thì các cán bộ làm công tác xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng vất vả không kém. Kỹ thuật viên Đặng Thị Việt – người trực tiếp tham gia lấy mẫu và xét nghiệm cho biết: “Sau khi nhận mẫu bệnh phẩm, chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm ngay. Người thì ít mà công việc nhiều nên để kịp tiến độ, mọi người đều trong tâm thế chạy đua với thời gian, có những ngày quên ăn làm việc hết cường độ, ngày đêm cần mẫn để có được những kết quả xét nghiệm nhanh chóng và chính xác, đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch COVID-19”.

Những cán bộ, bác sĩ làm công tác xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 áp lực công việc là rất lớn khi hàng ngày phải “làm bạn” với tác nhân gây bệnh nguy hiểm, với mẫu bệnh phẩm nguy cơ cao. Dù đã được đào tạo, thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định nhưng nguy cơ, rủi ro lây nhiễm cao và khó lường trước; nhất là với những mầm bệnh mới và có những sự biến đổi, diễn biến bất thường. “Tuy hằng ngày phải tiếp xúc với những bệnh phẩm nguy cơ lây nhiễm cao, song không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết mình để không xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất” – Kỹ sư công nghệ sinh học Trần Tất Luận chia sẻ.

Kỹ sư Nguyễn Minh Thái (bên trái), Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trao đổi kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 với kỹ sư công nghệ Trần Tất Luận và bác sĩ Lê Thị Trang.

Ánh đèn hắt ra từ ô cửa phòng xét nghiệm, sáng rực cả không gian phía sau trụ sở chính. Dưới sân, đội phản ứng nhanh tất tưởi chuyển từng hòm chứa mẫu bệnh phẩm vừa lấy về từ cơ sở. Vừa cởi bỏ bộ trang phục chống dịch, mồ hôi ai nấy đều nhễ nhại trong làn gió đêm se lạnh, màu quầng thâm hiện rõ trong mắt mỗi người. Trong phòng xét nghiệm, kỹ thuật viên Đặng Thị Việt vẫn lặng lẽ bên labo xét nghiệm, tỉ mỉ và thận trọng trong từng thao tác, trên tường chiếc đồng hồ cô đơn đã chỉ 2 giờ sáng. Kỹ sư Nguyễn Minh Thái, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Gần 1 tháng qua kể từ khi xuất hiện ổ dịch ở thôn Quan Nhân, hệ thống xét nghiệm chưa phút nào được ngừng nghỉ. Cán bộ thay nhau vận hành trong Labo xét nghiệm để có kết quả sớm nhất. Kỹ sư Nguyễn Minh Thái chia sẻ: Mỗi ngày tiếp xúc với hàng nghìn mẫu xét nghiệm, trong đó có không ít những mẫu chứa mầm bệnh, công việc đòi hỏi, yêu cầu sự tập trung tuyệt đối, bởi sự sai sót hay chậm trễ trong một khâu có thể là nguyên nhân cho những hệ quả khôn lường. Sau khi làm nhiệm vụ bản thân những cán bộ này cũng phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, kể cả gia đình.

Đôi vợ chồng BS trẻ Lê Thị Trang và Đỗ Duy Hòa là hai trong những người dành trọn thời gian cho việc chống dịch. Bác sĩ Trang còn phụ trách cả Khoa xét nghiệm với khối lượng và áp lực công việc lớn, chồng làm ở bộ phận điều tra dịch tễ, đều là những bộ phận tiếp xúc đầu tiên và gần nhất với các bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm COVID-19. Thời gian cao điểm này, cả 2 vợ chồng phải ở hẳn cơ quan để tập trung cho công việc chống dịch. Để lại phía sau cho bà ngoại đứa con thơ yêu dấu, bác sĩ Trang chia sẻ: “Thương con lắm, nhưng tất cả vì công việc, vì sức khỏe cộng đồng nên phải cố gắng thôi chị!”.

Làm việc trong môi trường nguy hiểm, nhiều rủi ro nhưng đội ngũ cán bộ xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật luôn sẵn sàng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Không chỉ có BS Trang mà các cán bộ xét nghiệm giống như bao người, ai cũng mong muốn có được những giây phút bình yên, sum vầy bên gia đình và có giấc ngủ say sau những lo toan bộn bề của cuộc sống. Nhưng bỏ lại tất cả, vượt qua bao lo lắng, trăn trở, nguy cơ lây nhiễm cao, họ vẫn lăn xả vào công việc, làm việc bất kể ngày đêm để đáp ứng nhiệm vụ. Phó giám đốc Nguyễn Minh Thái nhấn mạnh: “Đó là sự hy sinh, sự cống hiến rất lớn của đội ngũ cán bộ xét nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19”. Trực dịch, làm việc thâu đêm, gia đình BS Trang – Hòa hay như kỹ thuật viên Việt, kỹ sư công nghệ Luận và các cán bộ xét nghiệm khác cũng đã sắp xếp công việc gia đình, để sẵn sàng đáp ứng công việc được giao.

Kỹ sư Nguyễn Minh Thái – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (đứng) kiểm tra kết quả xét nghiệm SASR-CoV-2.

Bên cạnh yêu cầu về kết quả xét nghiệm nhanh chóng thì yêu cầu về chính xác trong kết quả xét nghiệm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chỉ cần mất tập trung một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác dù chỉ một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm cũng sẽ làm sai lệch kết quả, ẩn chứa những hệ lụy khó lường với những mối nguy và ảnh hưởng nặng nề đến cả hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 của Ngành, của tỉnh. Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và có thể kéo dài, đội ngũ cán bộ xét nghiệm của Trung tâm đều ý thức được trọng trách của mình và xác định luôn làm việc với quyết tâm cao nhất, tuân thủ tuyệt đối các quy định trong công tác xét nghiệm. “Dù áp lực và căng thẳng, song chúng tôi luôn tin rằng, dịch COVID-19 sẽ sớm được ngăn chặn và đẩy lùi” – Kỹ sư công nghệ sinh học Nguyễn Thị Thanh Nhàn bộc bạch.

Kỹ sư Nguyễn Minh Thái, Phó giám đốc Trung tâm: mỗi lần máy chạy được 90 mẫu, cứ 3 tiếng một lần thì máy sẽ chạy được khoảng 700 mẫu/ngày đêm. Với 2 hệ thống xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR đang sử dụng thì công suất tối đa 1.500 mẫu/ngày đêm, vì vậy, nhiều ngày cao điểm, Trung tâm phải chuyển mẫu xin hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh bạn, nên đội ngũ cán bộ xét nghiệm hơn chục ngày qua chưa từng được ngơi nghỉ.

Những ngày qua, khi nói đến COVID-19, rất nhiều người còn e ngại và sợ hãi, vì đây là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh… nhưng với họ, đó không chỉ trách nhiệm mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của những trái tim không mệt mỏi. Trong trang phục bảo hộ ướt đẫm mồ hôi, nhưng ánh mắt đầy nhiệt huyết và tự hào, kỹ thuật viên Vũ Thị Thu Hiền tâm tư: “Nhiều lúc cũng sợ hãi, nao núng vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, nguy cơ lây lan rất cao. Tuy nhiên, đã được đào tạo và tôi luyện qua thực tế, nên chúng tôi rất tự tin, luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”.

Vượt lên trên khó khăn và hiểm nguy, các cán bộ xét nghiệm bao ngày qua vẫn luôn nhiệt huyết, cẩn trọng trong từng công việc được giao, tất cả đều nỗ lực hết mình khi chung một mục tiêu: Quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19.

Những ngày này, khi công tác phòng chống dịch COVID-19 được đưa lên hàng đầu thì áp lực công việc càng tăng. Những cán bộ làm công tác xét nghiệm không chỉ thực hiện nhiệm vụ phía sau những cánh cửa phòng xét nghiệm, mà họ luôn túc trực và sẵn sàng lên đường chi viện, hỗ trợ các đội cơ động phòng chống dịch khi được điều động. Nhiều trường hợp buổi sáng thực hiện công việc xét nghiệm thì chiều cùng ngày đã xông vào tâm dịch để truy vết, lấy mẫu không chút e dè. Trần Thị Phương Loan, thành viên đội xét nghiệm tâm sự: “Bất kể là đêm khuya hay sáng sớm, dù là mưa giông hay nắng cháy, chúng tôi luôn sẵn sàng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm này em có thấy căng thẳng và mệt mỏi không? – Tôi hỏi. Kỹ thuật viên Loan chỉ cười, nhẹ lắc đầu: “Bọn em quen rồi. Chính áp lực này lại tôi luyện cho em sự kiên trì, bền bỉ, không đầu hàng trước khó khăn, thử thách. Sự quyết tâm đó giúp em hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp một phần công sức vào việc đẩy lùi dịch COVID-19”.

        Ngọc Nga

 

Bài viết liên quan

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Tập huấn triển khai chương trình Sữa học đường tỉnh Hà Nam năm 2019

CDC Hà Nam

Thông báo hỏa tốc của BCĐ P/C dịch tỉnh Thái Bình tìm người đi trên chuyến bay VN266 ngày 14/7/2021

CDC Hà Nam

Phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường

hanh phan

Để lại bình luận