Những thói quen tốt cho trái tim

(CDC Hà Nam)
Để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ điều quan trọng là phải biết điều chỉnh lối sống có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Dưới đây là những thói quen tốt cho trái tim mà các bác sĩ Khoa Phòng chống Bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo:

Thói quen vận động

Vận động mọi lúc mọi nơi như: đi bộ 30 phút mỗi sáng sớm, đứng dậy đi bộ 2 phút sau khi ngồi liên tục 1 giờ, làm việc nhà, đi thang bộ thay cho thang máy. Tăng cường tập luyện thể dục thể thao 30 – 60phút/ ngày.

Lối sống lành mạnh

Giảm lo âu và căng thẳng. Không thức khuya. Hạn chế uống rượu, bia. Không hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc thụ động.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Giữ cân nặng lý tưởng, tránh thừa cân béo phì: Ăn vừa đủ theo nhu cầu cơ thể và mức độ lao động để tránh dư thừa năng lượng dẫn đến tăng cân quá mức.

Nên hạn chế các thực phẩm quá béo, lựa chọn chất béo tốt: Dùng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu phộng, dầu cải…) thay cho mỡ động vật. Hạn chế món ăn chiên xào, thay thế bằng cách hấp, luộc, nấu canh, kho…

Loại bỏ chất béo xấu trong thực phẩm hàng ngày: Ăn thịt nạc hạn chế mỡ. Thịt gia cầm nên bỏ da. Ăn nhiều cá (mỡ cá chứa nhiều omega 3, tốt cho người bệnh tim mạch). Uống sữa không béo hoặc ít béo. Sử dụng các loại đậu hạt và các loại rau đậu (đậu nành là thực phẩm có thể thay thế thực phẩm giàu đạm động vật).

Ăn rau quả và trái cây tươi mỗi ngày: Rau quả và trái cây giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Chất xơ làm giảm hấp thu cholesterol từ ruột vào máu, chậm hấp thu đường sau bữa ăn, chống táo bón. Nên ăn những món rau hỗn hợp nhưng tránh trộn trong nước sốt nguyên kem hay bơ.

Chọn các loại hạt, ngũ cốc còn nguyên vỏ: Các loại hạt, ngũ cốc còn nguyên vỏ chứa nhiều chất xơ, vitamin (vitamin B1, B2, B3), chất khoáng (ma giê, phốt pho, selen, kẽm và sắt). Các dưỡng chất này giúp điều hòa huyết áp và tim mạch. Nên chọn các loại hạt, ngũ cốc không chà xát kỹ (gạo lứt, gạo mầm), lúa mạch, bánh mì từ bột mì thô…

Giảm muối và những thức ăn chứa nhiều muối: Chế độ ăn nhiều muối và đột quỵ có mối liên quan với nhau.

Để phòng chống các tai biến do bệnh tim mạch, nên tập thói quen giảm ăn mặn bằng cách: Giảm nêm muối, hạt nêm, nước mắm, nước tương trong bữa ăn. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối như: mắm, cá khô, tương chao, dưa cà, dưa cải muối, thực phẩm đóng hộp. Không dùng muối khi ăn trái cây.

Theo VTV.vn

Bài viết liên quan

Chạm vào 9 đồ vật này mà không rửa tay, bạn có thể gặp ‘họa’ lớn

CDC Hà Nam

Sốt, đau đầu, nhức cơ, nổi nốt là triệu chứng của bệnh thủy đậu đang vào mùa

Ngọc Nga

Phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19, làm sao để giảm rủi ro?

Ngọc Nga

Để lại bình luận