Những thực phẩm có tác dụng hút dịch vị axit của dạ dày: Bánh mỳ, bánh ngọt, bánh qui.
Những thực phẩm làm giảm tiết dịch vị axit và làm giảm cơn đau dạ dày: Thực phẩm giàu tinh bột như cơm, nếp, xôi, cháo, khoai lang, khoai tây luộc nhừ.
Những thực phẩm có tác dụng hỗ trợ trong điều trị đau dạ dày: Các loại rau lá non như bắp cải, giá đỗ cung cấp chất xơ và lượng vitamin K dồi dào, giúp tăng cường máu lưu thông đến dạ dày, kích thích hệ tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc dạ dày và cải thiện hiệu quả tình trạng đau dạ dày.
Những thực phẩm giúp vết loét nhanh lành (ví dụ như người bị loét dạ dày):
Thực phẩm giàu chất đạm, kẽm, canxi (thịt, cá, tôm…).
Những thực phẩm cải thiện vấn đề thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất do tình trạng tiêu hóa và hấp thu kém ở người bị đau dạ dày mạn tính: Ngũ cốc, các loại trái cây màu cam đỏ, rau củ có màu xanh đậm, … rất giàu magie, sắt, kẽm và vitamin A, B, D.
Chuối: Là thực phẩm dễ ăn, có tác dụng cân bằng và ổn định hệ tiêu hóa nhờ vào hoạt chất pectin có trong chuối. Chuối còn có thể trung hòa axit trong dạ dày giúp giảm tình trạng sưng, viêm loét dạ dày – tá tràng và đường ruột. để trung hòa axit dạ dày cũng như bảo vệ niêm mạc dạ dày, tốt nhất là nên ăn chuối chín sau khi đã ăn no.
Đu đủ: Ăn đu đủ chín tốt cho dạ dày, tạo cảm giác dễ chịu, làm giảm bớt những triệu chứng đầy bụng khó tiêu và kích thích đường tiêu hóa. Trong đu đủ có chứa papain, là một enzyme có khả năng phân giải protein trong thức ăn và giúp hạn chế sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn gây bệnh. Do đó, ăn đu đủ chín sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị đau dạ dày, giảm thiểu đáng kể tình trạng khó tiêu, giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.
Sữa chua: Mặc dù sữa chua có vị chua nhẹ nhưng nồng độ axit trong sữa chua rất thấp so với lượng axit trong dịch vị dạ dày. Do đó, người bị đau dạ dày không cần lo ngại khi ăn sữa chua. Ngược lại, các vi khuẩn lên men có trong sữa chua sẽ bám vào niêm mạc đường tiêu hóa, kích thích tiết ra chất bảo vệ tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch tại chỗ. Ngoài ra, acid lactic được chuyển hóa từ trong sữa chua có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori (nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày – tá tràng). Vì vậy, người bị đau dạ dày ăn sữa chua sẽ rất có lợi nhưng phải ăn khi no, không được ăn khi đói.
Gừng: Gừng là một gia vị phổ biến và cũng được dùng như một phương thuốc đơn giản, an toàn để điều trị tình trạng đau dạ dày, khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn và nôn. Trong gừng có các chất như oleoresin và tecpen có tác dụng sát trùng, giảm đau và kháng viêm rất tốt. Có thể dùng trực tiếp gừng tươi như ăn kẹo gừng, uống trà gừng hoặc nấu chín cùng với các món ăn để dùng như một hoạt chất bổ sung. Dù sử dụng ở hình thức nào thì gừng đều có thể phát huy tốt công dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý không được điều trị đau dạ dày bằng cách lạm dụng quá nhiều gừng, vì có thể gây ra ợ nóng, tiêu chảy, thậm chí đau dạ dày kéo dài.
Mật ong: Là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, mang lại nguồn năng lượng dồi dào cũng như đa dạng thành phần khoáng chất và chất chống oxy hóa. Dù có hàm lượng cao các chất dinh dưỡng nhưng mật ong lại rất dễ tiêu hóa, ít gây ra tình trạng chướng bụng và đầy hơi. Do đó, mật ong thường được dùng để bổ sung các vi chất cần thiết, đồng thời hạn chế tình trạng sụt cân, suy nhược ở người bệnh đau dạ dày mãn tính.
Ngoài ra với kết cấu đặc, dạng sánh mịn và độ dính cao, mật ong còn có khả năng tạo ra lớp màng bảo vệ niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng. Các loại đường như glucose, fructose, maltose và sucrose trong mật ong có tác dụng làm giảm nồng độ axit trong dịch vị, giúp bảo vệ và ngăn ngừa tình trạng viêm, loét niêm mạc đường tiêu hoá. Từ đó sẽ giúp giảm đau dạ dày và một số triệu chứng khác đi kèm như buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua và nóng rát thượng vị. Bên cạnh đó, mật ong còn chứa một loại protid là defensin -1 có thể ức chế virus, vi khuẩn và nấm phát triển bên trong dạ dày và ống tiêu hóa.
Nghệ: Là vị thuốc dân gian hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa. Curcumin là một hoạt chất có trong nghệ, giúp xoa dịu cơn đau dạ dày và thúc đẩy nhanh tốc độ hồi phục của những vết loét. Tuy nhiên, do curcumin rất khó tan trong nước và độ hấp thu cũng không cao nên phải sử dụng nhiều nghệ trong thời gian dài mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Cam thảo một phương thuốc phổ biến điều trị chứng khó tiêu và giúp ngăn ngừa loét dạ dày. Tuy nhiên, trong cam thảo có chứa glycyrrhizin (DGL) là một hoạt chất tự nhiên có nguy cơ gây ra một số vấn đề sức khỏe nếu tiêu thụ số lượng lớn như tăng huyết áp, mất cân bằng nước điện giải, giảm nồng độ kali máu. Do đó, chỉ nên sử dụng chế phẩm cam thảo không có chứa glycyrrhizin để làm giảm cơn đau và khó tiêu do loét dạ dày.
Những món ăn tốt cho dạ dày
Bên cạnh việc lựa chọn những thực phẩm tốt cho dạ dày thì cách chế biến để tạo ra các món ăn dễ tiêu hoá, dễ hấp thu, phù hợp với tình trạng đau dạ dày cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Dưới đây là những món ăn tốt cho dạ dày:
Cháo, súp như cháo thịt gà, cháo thịt heo băm nhuyễn; cháo cá hoặc các loại cháo hải sản (cháo tôm, cháo ngao, cháo hàu) rất giàu kẽm giúp vết loét nhanh lành; súp bắp cải thịt gà, súp đậu xanh bí đỏ, súp thịt bò nấu với cà rốt khoai tây ăn cùng với bánh mì. Cháo và súp là những món ăn vừa đầy đủ dinh dưỡng vừa rất dễ tiêu hóa dễ hấp thu, giúp cho dạ dày không cần phải co bóp nhiều, từ đó xoa dịu những cơn đau dạ dày.
Bánh mì là một lựa chọn phù hợp cho người bị viêm dạ dày. Bánh mì với thành phần chính là tinh bột sẽ giúp hút sạch hết lượng axit dịch vị dư thừa ở trong dạ dày. Bánh mì có thể ăn kèm cùng với trứng, vừa giàu protein vừa trung hòa axit, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu protein và vitamin, trung hòa axit trong dạ dày, đặc biệt là acid lactic có lợi cho đường ruột. Tuy nhiên cần lưu ý rằng chỉ uống sữa sau khi đã ăn no ̧ tuyệt đối không uống sữa tươi lúc bụng đói vì sẽ khiến dạ dày co bóp nhiều hơn dẫn đến các cơn đau thắt. Uống một cốc sữa tươi lúc khoảng 1h sau bữa ăn sáng là thời điểm thích hợp giúp bồi bổ cơ thể.
Các loại sinh tố trái cây (đu đủ, bơ, dưa hấu) và nước ép rau quả (bắp cải, giá đỗ, cà rốt) có tác dụng cung cấp các loại vitamin và khoáng chất giúp nhanh lành vết loét.
Khi bị viêm dạ dày, ngoài triệu chứng đau còn có thể xuất hiện tình trạng nôn ói và tiêu chảy, dẫn đến mất nước và các chất điện giải. Mất nước và chất điện giải nhẹ thường có thể hồi phục bằng cách uống nhiều nước khoáng. Ngoài ra, trà cũng là một chọn lựa. Các loại trà tốt cho dạ dày là trà hoa cúc và trà bạc hà.
Trà hoa cúc có khả năng làm giảm các vấn đề về đường tiêu hoá, bao gồm đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Trà bạc hà có thể đem lại lợi ích sức khỏe cho người mắc hội chứng ruột kích thích bị đau dạ dày.
Thanh Huyền (tổng hợp)