Nước sạch cho gia đình

(CDC Hà Nam)

Sử dụng nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Việc nguồn nước bị ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của chúng ta, có thể gây ra các bệnh cấp và mạn tính như viêm da, viêm đường hô hấp, các bệnh tiêu hóa, ung thư… Xử lý nguồn nước thô đang là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, và giải pháp nước sạch cho mỗi gia đình trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu. Vậy, thế nào là nước sạch, làm thế nào để xử lý nguồn nước mỗi gia đình?

 Nước là nguồn tài nguyên có vai trò đặc biệt trong sự sinh tồn và phát triển của con người. Chính vì vậy, mỗi người cần bảo vệ tài nguyên nước, tiết kiệm và sử dụng hợp lý, đó là cách để bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Như thế nào là nước sạch?

Nước sạch là nước hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nước trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa vi khuẩn hay vi rút gây bệnh và các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, giúp quá trình ăn uống, nấu nướng và sinh hoạt được bảo vệ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vai trò của nước sạch

Nước sạch đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống và sức khỏe của con người. Nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hàng ngày như: Ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng, … Nước sạch phải đảm bảo: Trong suốt, không màu, không mùi, không vị. Ngoài ra còn phải an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng. Nếu sử dụng nước không sạch sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Bởi vì nước là dung môi trung chuyển tải các chất hóa học và các loại vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không thể nhìn thấy được.

Một số các hóa chất thường gặp trong nước như sắt, măng gan, chì, asen, thủy ngân, nitrat, nitrit, amoni, hóa chất bảo vệ thực vật, các sản phẩm dầu, mỡ và các hóa chất dùng trong công nghiệp… Trong trường hợp hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây hại đối với sức khỏe. Thậm chí gây ngộ độc kim loại nặng (asen, chì, thủy ngân, hóa chất bảo vệ thực vật). Nếu sử dụng nước chứa kim loại nặng trong thời gian dài sẽ có khả năng tích tụ trong các mô cơ thể, về lâu dài có thể gây nên các bệnh ung thư hoặc nhiễm độc mạn tính.

Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, thương hàn, tả, lỵ. Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng. Bởi nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E. Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, khuẩn tả gây bệnh tả… Nếu phân hoặc chất thải của những người bị bệnh không được quản lý tố sẽ gây bùng dịch hoặc lây lan trong diện rộng.

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Trẻ em có cha hút thuốc sẽ có vấn đề về phổi và bệnh phổi nhiều hơn các trẻ em khác

Mậu Ngọ

Trạm y tế xã An Nội tích cực tuyên truyền cho người bệnh và người nhà bệnh nhân hiểu được tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người

Mậu Ngọ

Tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ công an trên địa bàn huyện Bình Lục

CDC Hà Nam