Ô nhiễm không khí – “Sát thủ giấu mặt”của cửa ngõ hô hấp

(CDC Hà Nam)

Ngày nay, việc môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng do khói bụi, khí thải từ các nhà máy, phương tiện giao thông… đã dẫn đến hệ hô hấp của con người trở thành những vấn đề đáng báo động.

Theo UNICEF, ô nhiễm không khí là hiểm họa thứ 4 đe dọa sức khỏe con người vì số trẻ tử vong trên toàn thế giới do ô nhiễm không khí còn cao hơn cả tử vong vì bệnh sốt rét và  HIV/ AIDS cộng lại. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): tiếp xúc với không khí ô nhiễm đã cướp đi sinh mạng của hơn 9 triệu người trên thế giới và trong đó là 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, một số thống kê gần đây cũng đã cho biết không khí bị ô nhiễm nặng nề do phương tiện giao thông, cùng lượng khí thải từ các công trình xây dựng, khu chế xuất, khu công nghiệp, hay hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng bị lấn chiếm, xả rác bừa bãi cũng gây ra vấn nạn ô nhiễm ngay trong các khu dân cư.

Việt Nam hiện lọt vào trong top 10 các nước có chỉ số ô nhiễm nhất trên thế giới, kéo theo bệnh hô hấp có tỉ lệ mắc cao nhất 17.3% trong cơ cấu bệnh tật ở Việt Nam và có tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 (16,9%) sau bệnh hệ tuần hoàn.

Ô nhiễm không khí là gì?

Chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Đó là lý do các chuyên gia hàng đầu trên thế giới thường xuyên nghiên cứu các giải pháp để giảm thiểu những tác nhân ảnh hưởng đến sức khoẻ hô hấp và tai mũi họng. Điều này càng chứng minh sự tàn phá sức khỏe khủng khiếp do ô nhiễm không khí đáng báo động như thế nào.

Bạn có thể cảm nhận việc không khí bị ô nhiễm dựa vào hiện tượng có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, nổi cộm nhất là ô nhiễm không khí do bụi mịn (PM2,5). Bụi mịn là mối lo ngại do kích thước rất bé bằng 1/8 đường kính một sợi tóc, dễ xâm nhập và gây hại cho hệ thống hô hấp. Thậm chí khẩu trang thông thường không thể ngăn chặn được, nên chúng sẽ thâm nhập sâu vào hệ hô hấp thúc đẩy vi khuẩn đi vào cơ thể con người rồi sinh sôi nảy nở và chờ cơ hội thuận tiện sẽ bùng phát và gây bệnh.

Ô nhiễm không khí  – “Sát thủ giấu mặt” của cửa ngõ hô hấp

Hiện nay, cả nước có khoảng 10 – 15% dân số (tương đương 10 triệu người) bị viêm mũi,  còn người bị bệnh viêm xoang chiếm tỉ lệ từ 15 – 17%  (tương đương 15 triệu người). Với sự gia tăng báo động của khói, bụi, đặc biệt là CO2, CO, SỎ3, chì, thuỷ ngân và các hóa chất độc hại khác trong không khí, làm cho mọi người đều có nguy cơ cao mắc các bệnh về hô hấp và tai mũi họng, như sổ mũi, nghẹt mũi, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi.

Theo đó các số liệu thống kê từ Bộ Y tế trong những năm gần đây cũng cho thấy các bệnh nhân về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra, đặc biệt những các thành phố lớn như Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai  và các tỉnh phía Bắc ….

Mũi chính là cửa ngõ của đường hô hấp vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với các tác nhân ô nhiễm từ môi trường và những thay đổi thất thường của thời tiết. Bình thường hốc mũi được lót bằng một lớp niêm mạc. Chúng có nhiệm vụ tiết ra chất nhầy làm ẩm không khí khi đi qua mũi, góp phần bảo vệ cơ thể bằng cách giữ lại bụi bẩn, vi khuẩn rồi tống xuống họng nhờ lớp thảm nhầy và hệ thống lông chuyển trên bề mặt tế bào. Khi lớp biểu mô này bị kích thích bởi thời tiết, hóa chất, phấn hoa, dị vật, các khối u,… chúng sẽ tăng cường tiết dịch nhiều hơn bình thường, gây nên viêm mũi, nếu nhẹ thì thường làm nghẹt mũi, gây mệt mỏi trong sinh hoạt, khiến cơ thể có cảm giác uể oải do lượng oxy đưa lên não bị thiếu hụt; tiếp theo là nhức đầu, giảm tập trung trí nhớ ảnh hưởng đến công việc, học tập; nặng thì sẽ phải thở bằng đường miệng, dẫn đến bị khô họng, gây viêm họng; biến chứng quan trọng khác là viêm mũi nếu để lâu sẽ trở thành viêm mũi – xoang do vi trùng, phải điều trị kéo dài.

o-nhiem-khong-khi-sat-thu-giau-matcua-cua-ngo-ho-hap-1

Mũi là địa chỉ “trú ngụ” của rất nhiều loại vi khuẩn, khi không khí ô nhiễm, vi khuẩn tăng lên nhiều hơn thì khả năng mắc bệnh cao hơn ngay cả khi con người khoẻ mạnh.

Chủ động vệ sinh mũi trong tình trạng không khí ô nhiễm như thế nào?

Việc vệ sinh mũi hàng ngày giúp phòng ngừa hiệu quả viêm mũi, viêm xoang. Ngoài việc phòng ngừa viêm mũi, viêm xoang, vệ sinh  mũi còn làm giảm được tỷ lệ mắc các bệnh về tai và họng như viêm tai giữa, viêm họng….  Chúng ta cần lựa chọn cho mình và các thành viên trong gia đình  các dung dịch vệ sinh mũi hiện có bán tại các hiệu thuốc để xịt mũi 2-3 lần mỗi ngày. Ngoài ra, cần phải tăng sức đề kháng như ăn uống đủ chất, tập thể dục, vào mùa lạnh cần giữ ấm cơ thể, giữ ấm cổ. Đặc biệt cần chú ý tránh làm tổn thương niêm mạc mũi, dùng khẩu trang khi lưu thông trên đường.

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng – Giảng viên cao cấp bộ môn Tai – Mũi Họng – Đại học Y Phạm Ngọc Thạch cho rằng: “Vệ sinh tai mũi họng cần thiết như đánh răng mỗi ngày. Mọi người hãy chịu khó vệ sinh tai mũi họng như đánh răng mỗi ngày thì các BS Tai mũi họng sẽ “thảnh thơi” vì không có bệnh, người dân sẽ sống khỏe vì không phải mệt mỏi do bệnh viêm xoang hay hô hấp”.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Bài viết liên quan

Trên 28.200 nghìn người đã thực hiện xong cách ly y tế

Mậu Ngọ

Hậu quả tắc ruột do bã thức ăn và cách phòng tránh

hanh phan

2 lý do chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ TW khuyến cáo người đã tiêm vắc xin COVID-19 vẫn phải tuân thủ 5K

CDC Hà Nam

Để lại bình luận