Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 5 điều người dân cần làm ngay để phòng chống dịch COVID-19

(CDC Hà Nam)
“Có thể nói gọn lại thành 5 từ khoá cho dễ nhớ là: hạn chế tiếp xúc, khoảng cách, khẩu trang, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa, khai báo y tế”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã nhắn nhủ các thông điệp này tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo chiều ngày 25/3.

Người dân hạn chế ra khỏi nhà

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam đang ở giai đoạn thứ hai khi xuất hiện trên 100 ca bệnh và mục tiêu đặt ra là làm sao phát hiện sớm, ngăn chặn lây lan trong cộng đồng và làm sao để số ca mắc lên tới 1.000 trong gian lâu nhất. Ban chỉ đạo cũng đã lên kế hoạch trong những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Với tinh thần đoàn kết toàn dân chống dịch như chống giặc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quên mình của ngành y tế, quân đội, công an và các ngành các cấp và quan trọng nhất là sự tham gia của nhân dân, chúng ta đã đạt được kết quả tốt trong giai đoạn 1 và tới nay vẫn kiểm soát được dịch bệnh.

Mặc dù là nước được đánh giá có nguy cơ cao, dân số đông nhưng chúng ta chưa có người tử vong, số người nhiễm đứng thứ 79 trên thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tuy nhiên chúng ta đã thực sự vào thế “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, trên thế giới dịch bệnh đang rất nhanh, hết sức phức tạp, khó lường. Không ít những nước có nền y tế, kinh tế phát triển hơn chúng ta nhiều, nhưng cũng đã không kiểm soát được dịch bệnh, hàng chục ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn người tử vong khi hệ thống y tế bị quá tải.

Theo Phó Thủ tướng, bệnh dịch đang thực sự đe dọa sức khỏe, tính mạng của mọi người không kể giàu nghèo, màu da, quốc tịch, tuổi tác giới tính ở nông thôn và thành thị. Bệnh dịch không ở đâu xa xôi nữa mà ở ngay bên cạnh chúng ta.

“Mỗi người, bất cứ ai, kể cả cá nhân tôi cũng có thể bị nhiễm và trở thành người truyền bệnh cho người khác nếu coi thường, nếu không tuân thủ các quy định của chính quyền, hướng dẫn của ngành y tế. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm túc các quy định, các hướng dẫn thì chúng ta sẽ không bị lây bệnh, không mang bệnh cho người khác. Virus SARS–COV- 2 không thể lây lan gây chết chóc hàng loạt như một số nơi trên thế giới. Đây là thời điểm cần tập trung cao độ để dịch bệnh không bùng phát lan rộng, để dân tộc Việt Nam ta chiến thắng dịch bệnh như đã từng nhiều lần chiến thắng”- Phó Thủ tướng chia sẻ

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các quy định hướng dẫn đã rất đầy đủ. Đây là lúc cần phát huy cao độ tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm. Kỷ cương phép nước trong thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc chấp hành. Nếu vi phạm cần được xử lý nghiêm, lên án mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi mọi người dân cần thực hiện tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn y tế, thậm chí việc thực hiện này có thể làm thay đổi mốt số thói quen từ lâu, có thể gây bất tiện, tuy nhiên vì sức khoẻ chính mình và vì trách nhiệm với bản thân, với gia đình mình, trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, mỗi người dân thực hiện thật tốt 5 hướng dẫn của ngành y tế để phòng chống dịch bệnh COVID- 19

Theo đó: – Người dân cần hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự có việc cần thiết

– Nếu buộc phải ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất tối thiểu 2m

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nếu không có xà phòng

– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh

– Khai báo y tế, cập nhật sức khoẻ hàng ngày của mình, giữ liên hệ thường xuyên với nhân viên y tế và cơ sở y tế

Có thể nói gọn lại thành 5 từ khoá cho dễ nhớ là: hạn chế tiếp xúc, khoảng cách, khẩu trang, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa, khai báo y tế.“Làm tốt các hướng dẫn, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói.”- Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

Mỗi ngày, Việt Nam có thể xét nghiệm từ 8.000 – 10.000 mẫu

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết hiện đã có 48 phòng xét nghiệm đủ năng lực và có 28 phòng xét nghiệm được tự công bố kết quả khẳng định mắc COVID-19. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, về năng lực xét nghiệm, hiện mỗi ngày, Việt Nam có thể xét nghiệm từ 8.000 – 10.000 mẫu. Chúng ta đang chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng lực xét nghiệm thời gian tới.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung xét nghiệm, sàng lọc tất cả các trường hợp đang được cách ly tập trung, đặc biệt là những nơi có số lượng người cách ly lớn như Hà Nội, TP.HCM. Lực lượng quân đội hỗ trợ xét nghiệm cho các khu cách ly tập trung tại các tỉnh miền Trung.

Trong giai đoạn hiện tại, cơ bản chúng ta có đủ máy móc, vật tư, trang thiết bị bảo hộ… để phục vụ điều trị cho người bệnh, đồng thời tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới.

Với những trường hợp mắc COVID-19 chưa nặng nếu điều trị trong phòng áp lực âm sẽ phản tác dụng, kéo dài thời gian điều trị.

Hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi cập nhật phác đồ điều trị và các loại thuốc mới được thế giới khuyến cáo. Tất cả các địa phương phải phân luồng, phân tuyến điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, không tập trung tại tuyến trung ương, đặc biệt là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo việc sử dụng phòng áp lực âm trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vì nghiên cứu cho thấy, phòng áp lực âm chỉ dùng trong điều trị các bệnh nặng, bệnh nhân bị nhiễm trùng. Với những trường hợp chưa nặng nếu điều trị trong phòng áp lực âm sẽ phản tác dụng, kéo dài thời gian điều trị.

Không tiếp tế vào khu cách ly

Quang cảnh buổi họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19

Đến thời điểm này, 19 tỉnh đã tiến hành rà soát được gần 3.000 người trở về từ vùng dịch, tiếp xúc gần với người mắc bệnh COVID-19 và đã xét nghiệm cho gần 700, trong đó phát hiện 1 trường hợp dương tính.

Từ điểm cầu Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện các địa phương đang khẩn trương tiến hành “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát sàng lọc người nghi ngờ.

Ban Chỉ đạo đề nghị địa phương trước hết phải kiểm soát để các trường hợp này phải thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà, nơi cư trú; theo dõi, cập nhật tình hình sức khoẻ hằng ngày; tiếp đó tiến hành thu thập thông tin về các địa điểm người nghi ngờ đã di chuyển, danh sách những người đã tiếp xúc để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, chính quyền cơ sở phải tập trung tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm sớm…

Đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định, quân đội đã chuẩn bị đủ địa điểm cách ly. Nhìn chung điều kiện sinh hoạt, ăn ở tại nơi cách ly tập trung khá tốt, thậm chí còn cao hơn điều kiện sinh hoạt của bộ đội.

Bộ Quốc phòng đề nghị bà con yên tâm, không tiếp tế thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho thân nhân trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm. Quân đội khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng đi đầu trong mọi tình huống để phòng chống dịch, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Về công tác truyền thông phục vụ phòng chống dịch bệnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông cũng phải theo phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Ban Chỉ đạo đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, bảo đảm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa giữ yên lòng dân và phát triển sản xuất.
(Theo suckhoedoisong.vn)

 

Bài viết liên quan

Hà Nam gần chạm mốc 120 nghìn người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 03/11/2021

Ngọc Nga

Bộ trưởng Bộ Y tế: Đợt dịch COVID-19 lần này sẽ kéo dài hơn trước, gây tác động trên diện rộng

Ngọc Nga

Để lại bình luận