Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, học hành là ngoan, thế mà với xu thế phát triển của xã hội ngày nay thì tình trạng bạo lực học đường, bạo hành trẻ em hiện nay liên tục xảy ra. Là nỗi bức xúc của xã hội, nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra ở một số trường học đã bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng.
Để hiểu và có những biệp pháp giáo dục cho con em chúng ta biết những kiến thức cơ bản để bảo vệ an toàn cho bản thân mỗi đứa trẻ thì chúng ta, những người giáo viên, những bậc cha mẹ cần tìm hiểu thêm về nạn bạo lực học đường, bạo hành trẻ trong trường học như sau:
- Thế nào là bạo hành:
Bạo hành trẻ em bao gồm tất cả những hành vi đối xử tệ bạc về thể chất hay tinh thần, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê, dẫn đến nguy hại hay khả năng nguy hại đối với sức khỏe, nhân phẩm, hay sự phát triển của đứa trẻ. Bạo hành có thể được thực hiện bởi cha mẹ, người trông nom, hay một đứa trẻ lớn hơn,…
- Bạo hành đối với trẻ em là các hành vi sau
Bạo hành thể chất
Bạo hành thể chất là gây tổn thương về tinh thần và thể xác của trẻ bằng các đấm đá, lắc mạnh, xô đẩy…, hoặc sử dụng đồ vật như thắt lưng, roi…để lại những vết bầm hoặc vết cắn trên người trẻ.
Lạm dụng tình dục
Các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đụng chạm vào ngực, mông, vùng kín của trẻ hoặc dụ dỗ, cưỡng ép trẻ tham gia các hoạt động tình dục đều được gọi là lạm dụng tình dục.
Bạo hành bằng lời nói hoặc cảm xúc
Đây là kiểu bạo hành có thể xảy ra mà không cần đụng chạm. Nó có thể là bạo hành bằng lời nói nếu có ai đó la hét suốt mọi lúc, gọi trẻ bằng những cái tên không hay, đe dọa bỏ rơi trẻ hoặc để trẻ cho người khác nhận nuôi, làm trẻ rơi vào tâm trạng hoảng loạn. Việc ba mẹ tức giận với trẻ trong một thời điểm nhất định là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu đó là việc la hét, dùng hình phạt, và đe dọa quá nhiều, thì một đứa trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy tệ về bản thân.
Bỏ rơi trẻ em
Sự bỏ bê xảy ra khi trẻ em sống trong một ngôi nhà mà người lớn không cung cấp cho chúng những điều cơ bản mà tất cả trẻ em đều cần – như thực phẩm, quần áo sạch sẽ, chỗ ngủ…Khi cha mẹ hoặc người chăm sóc bỏ bê trẻ em, những đứa trẻ có thể không được tắm, không được ngủ dưới tấm chăn ấm áp, hoặc không được kiểm tra sức khỏe hoặc uống thuốc khi trẻ cần.
- Ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em bằng cách nào?
Một đứa trẻ khi bị bạo hành thường có xu hướng thu mình lại và không dám nói chuyện với những người xung quanh, một phần là do tâm lý của trẻ đang trong giai đoạn sợ hãi và tổn thương, phần khác là do bị người gây hại đe dọa không cho trẻ nói ra. Do đó, hãy thường xuyên trò chuyện với con bạn về mọi thứ diễn ra xung quanh cuộc sống của bé, tạo sự thoải mái, cởi mở và gần gũi với trẻ, để bé có được cảm giác an toàn và tin tưởng ở người lớn. Khuyến khích bé kể cuộc sống xung quanh và khi bị ai đó bắt nạt, hãy mạnh dạn nói với người lớn để được giải quyết.
Bạn cần phải nói cho trẻ hiểu rõ về khái niệm “Đụng chạm đơn thuần” và “Đụng chạm với mục đích xấu”. Một cái ôm từ ba và mẹ, rúc vào lòng bà ngoại để nghe kể chuyện hoặc âu yếm thú cưng là những cái chạm thuần túy, mang ý nghĩa thể hiện sự yêu thương. Nhưng đụng chạm vào phần khác như ngực, mông, vùng kín…được xem là đụng chạm với mục đích xấu. Hãy dạy trẻ nói ngay với người lớn khi rơi vào tình huống này để được giúp đỡ.
Bạn có thể gợi ý cho trẻ cách để thông báo những chuyện đang xảy ra với người lớn, chẳng hạn như:
Nói chuyện trực tiếp với ba mẹ, thầy cô;
Gọi điện thoại cho người lớn;
Hãy luôn làm công tác tư tưởng với trẻ, khuyến khích bé can đảm nói với người lớn những rắc rối mà bé gặp phải hoặc mỗi khi bé thấy bất an để bạn cùng những người thương yêu bé có thể bảo vệ bé an toàn và ngăn chặn tình trạng bạo hành xảy ra.
- Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Toàn xã hội cần phải quan tâm củng cố nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ, quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội, nghiêm cấm các trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực.
Nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.Tiếp tục thúc đẩy phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; xây dựng gia đình văn hóa. Loại bỏ các hành vi bạo lực ra khỏi đời sống gia đình. Nâng cao kiến thức bảo vệ cuộc sống trẻ em và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em tại gia đình.
Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục: Gia đình – Nhà trường – Xã hội. Xác định rõ vai trò, vị trí của người giáo viên, quyền hạn và trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đảm bảo song song cho trẻ được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, không phân biệt đối xử, yêu thương chăm sóc trẻ, phải thường xuyên lắng nghe để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của trẻ, giúp cho nhân cách trẻ được phát triển hài hòa.
Tuyên truyền đến các bậc phụ huynh cách nuôi dạy con theo khoa học, bên cạnh giúp con khỏe mạnh lớn lên, thì ngoài việc trẻ được giáo dục ở nhà trường thì cha mẹ kết hợp cùng nhà trường và xã hội trong việc dạy con về văn hóa, ứng xử, dạy con biết tự bảo vệ bản thân được an toàn:
Bố mẹ bắt đầu trò chuyện về giới tính khi trẻ 2 tuổi. Hãy cho trẻ biết rằng, cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
Khi tắm cho trẻ, hãy nói cho trẻ biết rằng, không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố hoặc mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”. Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình” thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật ‘tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật “xấu” là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi và con cần nói ra. Hãy nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo…
Ngọc Nga (tổng hợp)