Phòng chống bệnh bạch hầu

(CDC Hà Nam)

Bệnh bạch hầu là gì?

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và gây bùng phát thành dịch. Bệnh này được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỉ lệ tử vong cao. Người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6 đến 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi được điều trị, tỉ lệ tử vong của bệnh cũng từ 5-10%.

Vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu thường khu trú và làm thương tổn đường niêm mạc đường hô hấp/đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc có màu trắng ngà dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố có thể gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh, kháng độc tố bạch hầu và có thể phòng bệnh chủ động bằng tiêm vắc xin có thành phần phòng bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu lây như thế nào?

Lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da…

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

Bạch hầu thể họng: Người bệnh có thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.

-Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.

Biến chứng của bệnh: Độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương sau:

– Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim.

– Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

– Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.

 Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Đưa trẻ đi tiêm  vắc xin phòng bệnh có thành phần phòng bệnh bạch hầu (Vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib (SII); vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim), vắc xin 6 trong 1 (Infarix Haxa); vắc xin  DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Bs. Vũ Thị Lan

Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm

Bài viết liên quan

Trầm cảm sau sinh – kẻ giết người thầm lặng

Ngọc Nga

THỰC HIỆN VÙNG PHONG TỎA CÁCH LY Y TẾ

Mậu Ngọ

5 khuyến cáo cần biết để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Ngọc Nga