Phòng ngừa bệnh viêm xoang

(CDC Hà Nam)

Bệnh viêm xoang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Việc điều trị chứng bệnh này chỉ đạt hiệu quả cao nếu được phát hiện sớm. Người bệnh bị viêm mũi xoang thường có các triệu chứng: nghẹt mũi, chảy mũi, khịt, khạc, ngửi kém, mất mùi, đau nhức mũi mắt, nhức đầu, sốt. Ngoài ra người bệnh còn có thể bị nhức đầu (đỉnh, thái dương, chẩm gáy), ho dai dẳng, đau tai, nhức răng, hơi thở hôi, mệt mỏi, không tập trung, ảnh hưởng đến sức làm việc trí óc.

Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau đơn giản, xông hơi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm kết hợp với việc thay đổi lối sống như ăn uống nóng, nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn. Sau 2 ngày, nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc đau tăng thêm thì nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và có thể cho dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Bệnh nhân được chỉ định chọc rửa xoang hàm khi bị viêm bán cấp và viêm mãn.

Việc tái phát viêm xoang tùy theo cơ địa, tùy loại viêm xoang và tùy thuộc việc bệnh nhân có tuân thủ các hướng dẫn điều trị, theo dõi của bác sĩ hay không. Lưu ý nếu bệnh nhân bị bệnh viêm xoang không được điều trị đúng mức có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm phế quản mãn tính hay lao phổi giả (mủ từ xoang viêm chảy xuống họng, ho, khạc đàm có lẫn máu, sốt nhẹ về chiều), viêm họng mạn tính (rát họng, vướng họng, thường phải nuốt liên tục nên đôi khi có cảm giác nghẹn thở), biến chứng ở mắt (viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, mắt mờ, thị lực giảm rất nhanh, viêm tấy ổ mắt, viêm mí mắt, viêm túi lệ), viêm xương sọ, viêm màng não (nhức đầu, cứng gáy, nôn), viêm tắc tĩnh mạch hang (sốt cao, rét run, nhức đầu, cứng gáy, lồi mắt, giãn tĩnh mạch vùng trán và mí mắt), áp-xe não, viêm não.

Phòng ngừa sớm bệnh viêm xoang

Để ngừa viêm xoang, chúng ta phòng tránh và điều trị sớm khi bị cảm cúm. Có thể chích ngừa cúm mỗi năm, rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi bắt tay người khác. Nên ăn nhiều trái cây, rau cải và giảm stress trong cuộc sống. Ngoài ra, hạn chế tối đa tiếp xúc với gió, bụi, khói (thuốc lá, nhang trừ muỗi, nhang bàn thờ, khói xe…), hơi hóa chất, máy lạnh, quạt máy… Không để nghẹt mũi kéo dài, điều trị dị ứng kịp thời và đúng cách. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc xịt mũi, nhỏ mũi.

Mỗi người nên vệ sinh mũi bằng cách dùng dung dịch nước muối sinh lý đẳng trương hoặc ưu trương dạng xịt hoặc dạng nhỏ có bán nhiều trên thị trường, dùng trong những trường hợp bị nghẹt mũi. Dung dịch đẳng trương hiệu quả trong làm loãng dịch tiết trong mũi và bệnh nhân có thể xì mũi dễ dàng, có thể sử dụng lâu dài, không có tác dụng phụ, dùng 1 ngày 2 – 3 lần, rất tốt cho niêm mạc mũi.

Việc xịt mũi phải thực hiện đúng cách, dùng một ngón tay bịt một bên mũi rồi xì ra nhẹ nhàng. Nếu mũi đặc phải nhỏ hoặc xịt bằng nước muối sinh lý để làm dịch loãng ra. Sau khi đi bơi xong cần chú ý vệ sinh mũi sạch sẽ. Cuối cùng là có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, rèn luyện thân thể hợp lý để nâng cao thể lực, phòng chống cảm cúm. Khi sổ mũi kéo dài trên 3 ngày, nước mũi có màu vàng hoặc màu xanh thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để điều trị kịp thời.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Cách phòng tránh tổn thương da cho bé mùa nắng

Ngọc Nga

Bà bầu và nỗi niềm bị trĩ

CDC Hà Nam

Viêm túi mật và những nguy biến

Ngọc Nga