Phòng ngừa té ngã ở những người bệnh Parkinson

(CDC Hà Nam)

Bệnh Parkinson thuộc nhóm các bệnh rối loạn vận động, có đặc điểm cứng cơ, run, tư thế và dáng đi bất thường, chuyển động chậm chạp và trong trường hợp bệnh nặng người bệnh có thể mất đi một số chức năng vận động vật lý. Chính vì vậy, người bệnh Parkinson có nguy cơ té ngã cao gấp đôi so với những người cùng lứa tuổi.

  1. Người bệnh Parkinson dễ té ngã

Té ngã là vấn đề thường gặp ở người bệnh Parkinson nguyên nhân thường do triệu chứng vận động của bệnh. Nhưng ngoài ra cũng có nhiều yếu tố khác tác động. Trong đó bao gồm:

– Do biểu hiện vận động ở người bệnh Parkinson

Các biểu hiện vận động chủ yếu của bệnh Parkinson là yếu tố dễ té ngã. Các biểu hiện thường thấy là đơ cứng cơ và chậm vận động, cùng với những thay đổi tư thế, tất cả đều góp phần làm tăng nguy cơ té ngã. Điều này dẫn đến giảm tính linh hoạt và khả năng thích ứng ở cổ và thân, dẫn đến mất ổn định tư thế (mất thăng bằng), làm tăng khả năng té ngã.

Các vấn đề về trọng tâm cũng có thể góp phần gây ra té ngã. Trọng tâm của một người nằm ngay dưới rốn và hai chân tạo thành nền hỗ trợ. Ở người bệnh Parkinson, trọng tâm thường di chuyển ra xa nền hỗ trợ. Điều này dễ gây mất thăng bằng trong các hoạt động hàng ngày như đứng lên, cúi xuống hoặc đi về phía trước, xoay người nhanh, vừa đi vừa quay đầu hoặc nói chuyện.

Té ngã cũng có thể xảy ra do suy giảm phản xạ tư thế (một tập hợp phức tạp các chuyển động mà chúng ta tự động thực hiện để giữ thăng bằng khi đứng lên và đi lại), thay đổi tư thế (khuynh hướng nghiêng về phía trước, với tư thế khom lưng và dáng đi xiêu vẹo) và đông cứng (mất khả năng khởi đầu vận động, như thể chân của một người bị mắc kẹt trên sàn nhà).

Một yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến té ngã ở người bệnh Parkinson như vấn đề về thị lực (nhìn đôi, nhìn mờ…) và thay đổi nhận thức về chiều sâu.

– Do biểu hiện ngoài vận động ở người bệnh Parkinson

Các biểu hiện ngoài vận động có thể làm tăng nguy cơ té ngã trong đó có thể gặp ở các biểu hiện như: hạ huyết áp khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm, điều này dẫn đến tình trạng choáng váng và có thể gây té ngã.

Táo bón làm tăng nguy cơ té ngã bởi người bệnh ngồi nhà vệ sinh lâu, rặn khi đi vệ sinh có thể kích thích làm giảm nhịp tim và tăng hoặc giảm huyết áp, đôi khi dẫn đến choáng váng và té ngã. Táo bón cũng gây áp lực lên bàng quang, gây tiểu không tự chủ có thể té ngã khi bước vào phòng tắm hoặc trượt phải nước tiểu rơi vãi.

Ngoài ra, người bệnh có thể dẫn đến mệt mỏi và kiệt sức do rối loạn giấc ngủ là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, tương tự như stress và phản ứng cảm xúc đối với các sự kiện trong cuộc sống. Stress có xu hướng làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng nói chung, nhiều người bệnh Parkinson sợ té ngã hơn so với bình thường.

Bên cạnh các yếu tố nguy cơ trên thì ở người bệnh Parkinson có thể dễ té ngã nếu nơi ở sắp xếp chưa phù hợp với nhu cầu người bệnh Parkinson. Nơi sinh hoạt, phòng ngủ, phòng ăn,…nếu có nhiều đồ hoặc kê đồ không hợp lý cũng có thể vô tình là chướng ngại vật dẫn đến té ngã.

  1. Phòng ngừa té ngã ở những người bệnh Parkinson

Việc phòng té ngã liên quan đến bệnh Parkinson là vô cùng quan trọng. Điều này giảm thiểu nguy cơ về sức khỏe, chăm sóc đối với bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh Parkinson cũng như người thân hãy chú ý những vấn đề sau đây:

– Cần trao đổi với nhân viên y tế

Để phòng ngừa té ngã, người bệnh Parkinson cần trao đổi với nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe. Nhân viên y tế sẽ giúp người bệnh đánh giá thuốc, tình trạng thể chất, căng thẳng hoặc các nguy cơ môi trường có góp phần gây ra nguy cơ té ngã hay không?

Nhân viên y tế cũng giúp người bệnh nhận diện và điều chỉnh các rối loạn về dáng đi, thăng bằng để lập kế hoạch trị liệu ban đầu. Liều thuốc của người bệnh cần được đánh giá và điều chỉnh để tối ưu hóa các triệu chứng vận động. Bên cạnh đó cũng cân nhắc giảm số lượng thuốc mà người bệnh đang dùng để giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn.

– Cần tập thể dục

Tập thể dục đóng một vai trò thiết yếu giúp người bệnh Parkinson khỏe mạnh và có thể tham gia vào các hoạt động sống hàng ngày.

Để giảm nguy cơ té ngã, các bài tập đặc biệt tập trung và tăng cường khả năng giữ thăng bằng của người bệnh, giải quyết tình trạng đơ cứng thân trục và cải thiện tính linh hoạt là lý tưởng. Các bài tập này giúp duy trì ổn định tư thế và khả năng vận động cần thiết để ngăn ngừa té ngã. Tập thể dục bên cạnh đó cũng nâng cao nhận thức của người bệnh về vị trí trọng tâm, giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng.

– Cần có nơi ở an toàn, môi trường sống sạch sẽ

Các điều chỉnh trong căn nhà có thể giúp ngăn ngừa té ngã. Nên bố trí ánh sáng đầy đủ và màu tường tương phản, sử dụng các mẫu gạch lát sàn hoặc thảm trải sàn, loại bỏ ánh sáng chói dễ gây mất tập trung và không an toàn.

Trong phòng tắm, sử dụng các bề mặt chống trượt và các thanh vịn có thể làm giảm nguy cơ té ngã. Khi di chuyển vào – ra khỏi bồn tắm và giường nên sử dụng một chiếc ghế cố định. Bồn vệ sinh cao và giường thấp cũng giúp giảm chấn thương.

Có thể hữu ích nếu đặt đồ nội thất gần nhau để có “đường tiếp xúc”, cho phép người bệnh Parkinson bám vào đồ đạc để bắt đầu di chuyển nhưng không cản trở sải chân. Các mẹo khác là bảo trì đúng cách và sử dụng đúng cách các thiết bị hỗ trợ đi lại như tay vịn, thanh vịn, gậy chống, gậy đi bộ, khung tập đi có bánh xe, và xe lăn. Khi chọn giày dép, hãy đảm bảo giày dép an toàn hơn là đẹp.

Tóm lại: Té ngã thường dẫn đến vết thương nhỏ nhưng cũng có thể nghiêm trọng hơn như gãy xương, ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống. Phòng ngừa té ngã rất quan trọng trong quá trình sống chung với bệnh Parkinson. Bằng việc trao đổi với nhân viên y tế, tập thể dục và xây dựng môi trường an toàn hơn, người bệnh Parkinson có thể giảm nguy cơ té ngã và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mậu Ngọ(tổng hợp)

Bài viết liên quan

5 loại trái cây giúp xương chắc khỏe

Ngọc Nga

Nắng nóng và bệnh về da ở trẻ nhỏ

CDC Hà Nam

6 điều giúp bảo vệ làn da trong phòng điều hòa

CDC Hà Nam