Giữ ấm trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, vệ sinh mũi họng hàng ngày, tránh yếu tố gây kích ứng, điều trị bệnh mũi họng giúp phòng ngừa viêm mũi xoang.
Viêm mũi xoang là tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi. Bệnh khởi phát từ các nguyên nhân như viêm đường hô hấp trên, viêm mũi, viêm VA. Các bất thường giải phẫu về hốc mũi như vẹo vách ngăn, quá phát VA vòm, VA vòi khiến niêm mạc mũi của trẻ bị phù nề, lỗ thông mũi xoang bị tắc dẫn đến ứ đọng dịch trong xoang, lâu ngày dẫn đến viêm xoang.
Thời tiết thay đổi liên tục, sáng nắng chiều mưa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, nhất là viêm xoang ở trẻ.
Trẻ viêm xoang có các triệu chứng như sốt, viêm họng kéo dài, chảy nước mũi màu xanh đặc hoặc vàng, có mùi hôi, ho, nghẹt mũi, phù nề quanh mắt. Viêm xoang ở trẻ được không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể biến chứng như viêm họng mạn tính, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi…
Một số cách phòng ngừa viêm mũi xoang ở trẻ khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Giữ ấm cơ thể trẻ, nhất là vùng mũi và họng: Thời tiết nắng chuyển sang mưa, thay đổi đột ngột khiến trẻ dễ sốc nhiệt. Phụ huynh nên mặc đủ ấm vùng cổ, mũi cho con, nhất là khi ra ngoài buổi sáng sớm và chiều tối.
Vệ sinh mũi họng hàng ngày: Dùng dung dịch nước muối sinh lý rửa mũi họng giúp làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn và chất nhầy ứ đọng trong mũi họng. Nước muối làm thông thoáng các hốc xoang, ngăn ngừa viêm nhiễm.
Duy trì độ ẩm không khí trong nhà: Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để giữ không khí đủ ẩm, tránh làm khô niêm mạc mũi trẻ, giảm nguy cơ nhiễm trùng xoang.
Tránh các yếu tố gây dị ứng: Khói thuốc lá, lông động vật, phấn hoa, môi trường ô nhiễm, có thể kích ứng niêm mạc mũi họng. Người lớn nên đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài để bảo vệ đường hô hấp.
Tránh tiếp xúc với người bệnh: Trẻ tránh tiếp xúc với người bị cảm hoặc đang nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do siêu vi. Nếu trẻ phải tiếp xúc cần rửa tay ngay sau đó. Nên tạo cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên như trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột: Phụ huynh lưu ý tránh để trẻ chuyển từ môi trường nóng ra ngoài trời lạnh ngay lập tức hoặc ngược lại. Bởi thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể khó thích nghi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm lạnh, dẫn đến viêm xoang.
Tăng cường sức đề kháng: Bổ sung vitamin từ trái cây, rau xanh, nhất là vitamin C có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Khi trẻ có dấu hiệu bị nghẹt mũi do cảm lạnh hay dị ứng, bác sĩ Hằng khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế khám và điều trị. Phụ huynh không tự ý mua các loại thuốc điều trị viêm mũi xoang hoặc ngưng thuốc cho trẻ khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Trẻ bị cảm lạnh và viêm mũi cần được điều trị triệt để, tránh để viêm chuyển sang vùng mũi xoang.
Thanh Huyền (tổng hợp)