Để có thể đáp ứng được sự phát triển trình độ tri thức của đất nước thì việc xây dựng các khu trường học cũng ngày càng tăng lên, số lượng học sinh, sinh viên ở các khu trường học cũng tăng nhiều hơn qua các năm. Đồng thời, lượng nước cấp sử dụng cho các trường ngày một nhiều hơn và lượng nước thải bỏ cũng tương đương. Điều đáng nói ở đây là việc xử lý nước thải trường học trước khi xả thải như thế nào đảm bảo nhất. Dưới đây là thông tin về xử lý nước thải trường học.
Tổng quan về nước thải
Nước thải sinh hoạt là loại nước được thải ra từ quá trình sử dụng nước hàng ngày như tắm giặt, rửa, vệ sinh… của các hộ gia đình, văn phòng, trường học, bệnh viện….
Nước thải này thường có nồng độ ô nhiễm cao do chứa các chất độc hại như chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, hóa chất, vi khuẩn, vi sinh vật, Ni tơ, phốt pho, BOD5, COD…..được thải ra trong quá trình sử dụng sinh hoạt. Các chất này rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người đặc biệt là virus, vi khuẩn, giun sán.
Nguồn phát sinh:
Nước thải trường học chủ yếu phát sinh từ các khu vực bếp núc, nhà ăn, nhà vệ sinh, phòng thí nghiệm…
Đặc tính:
– Lượng nước thải phụ thuộc vào quy mô của trường học và số lượng học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức trong trường.
– Nước thải chứa nhiều chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học, ngoài ra còn có các chất vô cơ, các vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm.
– Chất hữu cơ trong nước thải sinh hoạt ở các trường học gồm: protein (40-50%), hydratcarbon (40-50%), chất béo (5-10%).
– Nồng độ chất hữu cơ trong nước thải sinh hoạt thường dao động trong khoảng 150-450 mg/l
– Lượng nước thải sinh hoạt phụ thuộc vào mức sống của người dân và có thể tính bằng 80% lượng nước cấp.
Thành phần và tính chất của nước thải sinh hoạt phụ thuộc vào các nguồn nước thải cũng như là lượng nước ít hay nhiều của từng khu vực. Thành phần nước thải sinh hoạt gồm 2 loại:
+ Nước nhiễm bẩn từ các phòng vệ sinh do chất bài tiết của con người
+ Nước nhiễm bẩn do các chất thài từ hoạt động của con người như: cặn bã, dầu mỡ từ các bếp ăn, chất tẩy rửa,…
Nước thải sinh hoạt ở các khu trường học thường chứa thành phần chất hữu cơ cao và các chất dễ phân hủy và các vi sinh vật có khả năng gây bệnh nguy hiểm cho con người.
Phương pháp xử lý
Đề xuất phương án xây dựng hệ thống xử lý nước thải trường học:
Song chắn rác: có tác dụng giữ lại các tạp chất thô có kích thước lớn như giấy, rác, túi nilon,… trong nước thải để tránh làm tắc nghẽn các công trình xử lý sau.
Hầm tự hoại: Nước thải từ các nhà vệ sinh được đưa về hầm tự hoại để xử lý sơ bộ trước khi dẫn về hệ thống xử lý tập trung. Hầm tự hoại hoạt động với 2 quá trình:
– Quá trình thứ nhất: quá trình lắng cặn trong bể tự hoại có thể xem như là quá trình tĩnh. Dưới tác dụng của trọng lực thì các hạt cặn sẽ rơi xuống đáy bể và nước trong sẽ ra khỏi bể. Dưới đáy bể có các VSV yếm khí sẽ phân hủy chất hữu cơ trong nước thải.
– Quá trình thứ hai: quá trình len men. Sau khi cặn lắng xuống đáy bể và các chất hữu cơ bị VSV yếm khí phân hủy thì cặn sẽ lên men, mất mùi hôi và giảm thể tích. Tốc độ lên men của cặn phụ thuộc vào các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, lượng VSV trong cặn…
Bể tách dầu: dùng để tách dầu mỡ có trong nước thải từ các khu nhà ăn, bếp núc để tránh làm tắc nghẽn bơm.
Hố thu gom: nước thải được bơm về hố thu gom tập trung để chuẩn bị đưa vào các công trình xử lý nước thải phía sau.
Bể điều hòa: dùng để ổn định lại lưu lượng và nồng độ chất thải có trong nước thải. Tại bể điều hòa có đặt thiết bị sục khí giúp xáo trộn đều nguồn nước, tránh quá trình lắng cặn và xảy ra hiện tượng phân hủy yếm khí trong bể.
Bể MBBR: nước thải sau khi ra khỏi bể điều hòa được dẫn qua bể xử lý sinh học hiếu khí với công nghệ MBBR kết hợp giữa quá trình màng sinh học và quá trình bùn hoạt tính.
Trong bể hiếu khí dính bám MBBR, hệ thống cấp khí cung cấp đầy đủ khí oxi cho các VSV hiếu khí hoạt động. Đồng thời quá trình sục khí giúp xáo trộn liên tục các vật liệu đệm, giúp các vật liệu đệm luôn trong trạng thái lơ lửng. Các vi sinh vật có khả năng phân giải các chất hữu cơ sẽ bám dính lên bề mặt của vật liệu đệm để sử dụng chất hữu cơ trong nước thải làm nguồn dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Lớp màng sinh vật trên vật liệu đệm sẽ phát triển và dày lên rất nhanh, sau một thời gian, lớp vi sinh vật phía bên trong không tiếp xúc được với chất hữu cơ trong nước thải sẽ bị chết và bong tróc ra rơi vào trong nước thải.
Đồng thời, trong bể cũng diễn ra hai quá trình là nitrate hóa và denitrate giúp loại bỏ N và P trong bể.
Bể lắng sinh học: lắng cặn sinh học do các vi sinh vật chết trôi ra theo nước thải được lắng xuống đáy bể. Phần bùn sau lắng được đưa qua bể chứa bùn để xử lý.
Khử trùng: phần nước trong sau bể lắng sẽ được đưa qua hệ thống khử trùng để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh còn xót lại trong bể. Nước thải đầu ra sau xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT.
Hồng Hạnh (tổng hợp)