RỐI LOẠN TÂM THẦN CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM

(CDC Hà Nam)

Theo sự phát triển của xã hội, sức khoẻ về thể chất đã được xã hội đặt đúng vào vị trí của nó, thì sức khoẻ tâm thần vẫn còn phải phấn đấu để thay đổi dần nhận thức vẫn còn nhiều sai lệch, nhiều mặc cảm. Người bị rối loạn tâm thần là một trong số những người ít được quan tâm nhất trên thế giới. Tại nhiều nơi, bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lý thực sự mà được xem như một sự khiếm khuyết trong tính cách hoặc do sự trừng phạt của thượng đế hay do thần thánh, ma quỷ gây ra. Thậm chí ngay cả khi được công nhận là có bệnh, bệnh nhân tâm thần thường nhận được sự điều trị thiếu tính nhân đạo. Sự miệt thị đối với bệnh tâm thần có thể loại bỏ bằng cách làm cho cộng đồng nhận thức được rằng các rối loạn tâm thần có thể phòng chống được.

Bệnh tâm thần hay rối loạn tâm thần là những bệnh do rối loạn chức năng não, làm biến đổi các hoạt động tâm lý thông thường; hành vi ứng xử, tác phong, tư duy, chú ý, trí nhớ, trí tuệ, cảm xúc.v.v… trở nên bất bình thường. Nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần: có rất nhiều nguyên nhân song phải kể đến các nhóm nguyên nhân chính sau: Nguyên nhân thực tổn, nguyên nhân tâm lý, nguyên nhân do cấu tạo thể chất bất thường và sự phát triển tâm lý lệch lạc gây ra.Có những rối loạn tâm thần nguyên nhân chưa rõ ràng, trong đó có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau như di truyền, miễn dịch, biến đổi chuyển hóa, cấu tạo thể chất.v.v..nên khó xác định nguyên nhân chủ yếu gây nên rối loạn. Các rối loạn tâm thần thường được gọi là nội sinh như: Tâm thần phân liệt, Rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Rất không may những rối loạn này thường là nặng và tiến triển kéo dài thành mạn tính.

Một số biện pháp phòng những rối loạn tân thần:

– Chống các bệnh nhiễm khuẩn thần kinh nguyên phát và thứ phát. Đặc biệt chú trọng thanh toán các bệnh nhiễm khuẩn có tính chất xã hội như bệnh sốt rét, nhiễm HIV/AIDS, lao.v.v..

– Chống các bệnh nhiễm độc thần kinh: nhiễm độc rượu, nghiện chất,.v.v..

– Đảm bảo an toàn lao động: giảm thiểu mọi chấn thương sọ não.

– Tích cực bảo vệ bà mẹ và trẻ em để mỗi em bé ra đời đều hoàn toàn khỏe mạnh về mặt thần kinh và tâm thần. Tránh cho bà mẹ lúc có thai những sang chấn cơ thể và tâm thần, chữa tích cực những bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tránh lao động quá mức.v.v..

– Chẩn đoán sớm các bệnh tâm thần để chữa ngay trong giai đoạn bệnh còn đang dễ khỏi.

– Chú ý theo dõi và áp dụng chặt chẽ các biện pháp vệ sinh tâm thần cho những người bị xơ mạch não, tăng huyết áp, di chứng sang chấn sọ não và những người có ít nhiều tổn thương hệ thần kinh trung ương.

– Đối với trường hợp rối loạn tâm thần đã khỏi hay thuyên giảm, cần tiếp tục điều trị củng cố và theo dõi lâu dài. Nghiên cứu chế độ lao động và hình thức lao động thích hợp cho từng loại bệnh nhân, chữa các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc mới phát sinh, giúp đỡ giải quyết những sang chấn tâm thần trong cuộc sống.

Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội. Bên cạnh các nỗ lực của ngành Y tế cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan và cả cộng đồng.

Hãy chung tay vì sức khỏe tâm thần của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

6 cách giúp bạn không lo tăng huyết áp khi trời lạnh

Ngọc Nga

Đừng chủ quan khi bị táo bón

CDC Hà Nam

Phòng chống sốc nhiệt mùa nắng nóng bằng y học cổ truyền

Ngọc Nga