Rối loạn tiền đình có phòng được không?

(CDC Hà Nam)

Rối loạn tiền đình có thể xảy ra một cách thoáng qua nhưng có khi lặp đi, lặp lại nhiều lần. Rối loạn tiền đình gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Rối loạn tiền đình có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tuổi trưởng thành thường chiếm với tỷ lệ cao hơn nhiều.

Nhiều nguyên nhân gây bệnh

Rối loạn tiền đình có rất nhiều nguyên nhân khác nhau như: tuần hoàn kém (rối loạn tuần hoàn), khi thời tiết thay đổi, ngộ độc tố hay ngộ độc hóa chất (ngộ độc thực phẩm), rối loạn tuần hoàn não (thường gặp ở người lớn tuổi). Đối với rối loạn tuần hoàn não thường do xơ vữa động mạch nhất là động mạch cảnh (cả động mạch cảnh trong và cả động mạch cảnh ngoài) làm cho lượng máu đi lên não bị hạn chế (tùy theo mức độ xơ vữa thành động mạch mà lượng máu lưu thông lên não bị hạn chế nhiều hay ít) và có thể bị xơ vữa động mạch não. Nguyên nhân của xơ vữa thành động mạch có nhiều nhưng do tăng mỡ trong máu, đặc biệt là tăng lượng cholesterol xấu. Một số trường hợp tăng huyết áp cũng gây rối loạn tiền đình. Các bệnh về não bộ như u não, u tiểu não, u dây thần kinh số 8… Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng những người bệnh bị thoái hóa đốt sống cổ cũng có thể bị hội chứng rối loạn tiền đình, rối loạn tuần hoàn não.

Cách nhận biết

Bệnh rối loạn tiền đình thường xảy ra lúc nửa đêm, gần sáng, khi tỉnh dậy không ngồi lên được do hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và có thể nôn. Người lao đao, choáng váng, mất thăng bằng, nếu cố dậy để đi có thể bị ngã dúi dụi xuống đất, cũng có trường hợp bị sang chấn. Khi thay đổi tư thế nghĩa là nghiêng người từ trái qua phải hoặc ngược lại là chóng mặt, buồn nôn. Nếu nhẹ thì thoáng qua nhưng nếu nặng thì không thể thay đổi tư thế được và gây nôn. Khi bị rối loạn tiền đình, người bệnh nên chọn tư thế nằm cho thích hợp (nghiêng trái hay nghiêng bên phải hoặc nằm ngửa), tránh thay đổi tư thế và nên tránh ánh sáng chói như ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn hoặc tránh tiếng động… Muốn chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình cần đi khám chuyên khoa để được xác định chính xác bệnh. Tùy theo sự mô tả của người bệnh về tình trạng bệnh của bản thân mình mà bác sĩ sẽ có định hướng trong việc cho làm thêm các xét nghiệm gì và những can thiệp gì về cận lâm sàng thích hợp, ví dụ xét nghiệm máu lúc đói để biết chỉ số cholesterol toàn phần, cholesterol cao, cholesterol thấp… Nếu nghi xơ vữa động mạch có thể nội soi động mạch; nội soi tai, mũi, họng. Nếu nghi là u não, những vấn đề về ốc tiền đình thì có thể chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ…

Làm gì để phòng bệnh?

Khi nghi ngờ bị rối loạn tiền đình người bệnh cần đi khám ở cơ sở y tế có đầy đủ tiện nghi và nếu có điều kiện thì nên đi khám ở chuyên khoa tai, mũi, họng. Đi khám bệnh lúc này có nhiều điều có lợi cho người bệnh, ví dụ như biết được nguyên nhân rối loạn tiền đình do ở bộ phận tai mũi họng (viêm xoang…) hay do ở cơ quan khác, bộ phận khác (thoái hóa đốt sống cổ…). Việc phòng bệnh rối loạn tiền đình chủ yếu là làm giảm tần suất xuất hiện bệnh và hy vọng sẽ không tái diễn. Nếu do bệnh về xoang thì cần điều trị một cách nghiêm túc. Nếu bị bệnh về thoái hoá đốt sống cổ thì cần điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa khám bệnh trực tiếp cho mình. Thuốc Tây y dùng để điều trị bệnh rối loạn tiền đình hiện nay rất đa dạng. Tuy vậy, dùng thuốc gì để điều trị cho có hiệu quả phải được kê bởi bác sĩ trực tiếp khám bệnh cho mình và người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh rối loạn tiền đình cần tập luyện thể dục thường xuyên, lựa chọn các động tác nhẹ nhàng. Ví dụ tập đốt sống cổ cần quay trái, quay phải, ngả đầu về sau, cúi đầu xuống phải từ từ, không vội vàng, mỗi lần tập như vậy cũng chỉ nên kéo dài từ 5-10 phút, không nên tập quá nhiều thời gian… Khi mắc  viêm mũi – họng, viêm xoang cần xử trí triệt để như vệ sinh răng miệng – họng hằng ngày, nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để làm sạch đường mũi – họng do hít thở không khí có kèm theo bụi và vi sinh vật có hại.

Phan Hạnh (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Bằng chứng mới về hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng COVID-19

Ngọc Nga

Cách nhận biết bạn đang bị stress quá mức và bí quyết giải toả

CDC Hà Nam

09 điều bác sĩ khuyên để sống chung với SARS-CoV-2

Ngọc Nga