Siết chặt kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit xét nghiệm Covid-19

(CDC Hà Nam)

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới tăng nhanh nên nhu cầu mua sản phẩm kit xét nghiệm (kit test) Covid-19 của người dân tăng cao. Tại một số thời điểm, cung không đủ cầu, giá bán sản phẩm kit test tăng nhẹ khiến người tiêu dùng khá hoang mang, lo lắng. Trước thực tế này, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ổn định giá bán đối với mặt hàng này.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test Covid -19 phục vụ phòng, chống dịch Covid -19, ngày 24/2, Cục QLTT tỉnh đã ban hành văn bản gửi các đội QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test Covid-19 và bảo đảm cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu các đội chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán kit test Covid-19, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới người dân, các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid -19; đồng thời yêu cầu công chức trong đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế và chỉ đạo của Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh.

Quản lý địa bàn TP Phủ Lý, địa phương có số ca nhiễm Covid -19 tăng cao nhất toàn tỉnh, thời gian qua, Đội QLTT số 3 đã tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình cung ứng, kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết đối với sản phẩm kit test Covid -19 tại các nhà thuốc trên địa bàn; tổ chức cho 100% các đơn vị ký cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ông Đào Anh Tuấn, Đội trưởng Đội QLTT số 3 cho biết: Sau khi nắm bắt được thông tin mặt hàng kit test Covid -19 “cháy” hàng tại hầu hết các nhà thuốc trên địa bàn TP Phủ Lý và có sự tăng giá nhẹ tại một số cửa hàng, hằng ngày, Đội QLTT số 3 đều huy động lực lượng đi kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở nhằm kịp thời ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thu mua, đầu cơ mặt hàng kit test Covid -19 để trục lợi. Thời điểm này, trên địa bàn thành phố về cơ bản không có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19.

Dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán 2022, bên cạnh công tác kiểm tra mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh còn tăng cường theo dõi, kiểm soát đối với các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch, điều trị bệnh Covid -19. Theo đó, trong tổng số 268 vụ vi phạm được phát hiện, xử lý trong dịp Tết Nguyên đán 2022 (từ tháng 12/2021 đến 14/2/2022) có hàng chục vụ liên quan đến kinh doanh trang thiết bị y tế, trong đó có thiết bị xét nghiệm nhanh Covid -19.

Điển hình là ngày 23/12/2021, Đội QLTT số 3 đã phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Nam)  kiểm tra cửa hàng kinh doanh trang thiết bị y tế tại KCN Châu Sơn, phường Châu Sơn (TP Phủ Lý) và phát hiện hàng nghìn thiết bị đo nồng độ oxy trong máu là hàng hoá do nước ngoài sản xuất, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Ngày 6/1/2022, Cục QLTT tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu là trang thiết bị y tế đối với cửa hàng này với số tiền phạt 30 triệu đồng và thực hiện tiêu hủy toàn bộ số hàng hoá không bảo đảm an toàn sử dụng theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, vụ việc điển hình này sẽ góp phần tạo sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh vật tư, trang thiết bị y tế nói chung, mặt hàng xét nghiệm nhanh Covid -19 nói riêng trong toàn tỉnh. Triển khai nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh, thời gian tới, Cục QLTT Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo việc theo dõi, nắm bắt tình hình cung – cầu các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch, nhất là với bộ xét nghiệm nhanh và thuốc hỗ trợ điều trị bệnh Covid -19. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ cho người dân và đóng góp vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc người dân đổ dồn đi mua kit xét nghiệm Covid-19 với số lượng lớn để tích trữ trong gia đình chính là một phần nguyên nhân dẫn đến việc khan hiếm mặt hàng này tại một số thời điểm. Đây là việc làm không cần thiết bởi mỗi người sẽ có biểu hiện và triệu chứng khác nhau khi mắc Covid-19. Người dân không nhất thiết mỗi khi thấy ho, mệt mỏi là thực hiện xét nghiệm ngay. Việc mỗi người nên làm trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng hiện nay là thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch kết hợp sử dụng các loại hóa phẩm nhằm tăng đề kháng như dung dịch xịt họng, xịt mũi để giảm khả năng nhiễm bệnh.

Đối với các trường hợp là F0 cũng không nhất thiết phải xét nghiệm thường xuyên gây lãng phí. Người bệnh cần có chế độ ăn uống bảo đảm dinh dưỡng để phục hồi nhanh. Thời gian theo dõi, điều trị bệnh là khoảng 5 ngày, khi nào thấy cơ thể khỏe trở lại mới xét nghiệm để hòa nhập cộng đồng.

Yêu cầu nhà thuốc niêm yết giá kit-test; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cụ thể, theo Công điện số 286/CĐ-BYT của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế theo nội dung tại Công văn số 854/BYT-TB-CT ngày 23/2/2022 của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan phải đăng tải giá trúng thầu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại địa phương; danh sách số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế bị thu hồi trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông của tỉnh, thành phố.

Đồng thời, chỉ đạo sở y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ thực hiện niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 và đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm này đến người dân.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm các tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn.

Đinh Thị Hạnh

Bài viết liên quan

Gần 1.600 trường hợp đã được xét nghiệm với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua

CDC Hà Nam

Người ăn chay trường thiếu vi chất dinh dưỡng

CDC Hà Nam

Bộ Y tế đề nghị quản lý chặt khí cười

hanh phan