Sốt và cách xử trí

(CDC Hà Nam)

Trong giai đoạn trẻ từ 0 đến 1 tuổi, hệ thống miễn dịch, sức đề kháng của trẻ còn yếu nên rất dễ mắc bệnh, việc tìm hiểu thông tin về các bệnh thường gặp ở trẻ sẽ giúp cha mẹ phòng ngừa và làm chủ được các vấn đề trong chăm sóc. Ban biên tập giới thiệu cùng bạn đọc nhận biết sốt và cách xử trí tại gia đình.

Định nghĩa sốt

Sốt là sự tăng thân nhiệt lên trên nhiệt độ bình thường của cơ thể. Khi đó nhiệt độ ở nách là 37o 5 thì được xem là sốt. Khi sốt ≥ 38o5 được gọi là sốt cao.

Ba nguyên nhân chính gây sốt

* Sốt do nhiễm virus:

Đây là nguyên nhân gây sốt phổ biến nhất ở trẻ. Sốt do virus có nhiều loại khác nhau, nhưng nguy hiểm nhất là sốt xuất huyết sởi, quai bị, cúm, sốt phát ban… Sốt do virus thường sốt cao, có thể tới 40 độ và thường kéo dài khoảng 2 đến 7 ngày.

Sốt do virus không có thuốc đặc trị, việc chăm sóc trẻ sốt do virus chủ yếu là hạ sốt, bù dịch và điều trị triệu chứng. Vì vậy, trong trường hợp trẻ sốt do virus thì thuốc kháng sinh không có tác dụng mà còn làm cho trẻ mệt hơn.

* Sốt do nhiễm khuẩn (vi trùng):

Viêm tai giữa, viêm Amidan, viêm VA, viêm phổi, nhiễm trùng nước tiểu, viêm màng não… sốt do vi trùng có thể sốt nhẹ hoặc sốt rất cao. Nếu sốt cao thì tiên lượng bệnh thường nặng hơn. Sốt do nhiễm khuẩn cần điều trị bằng kháng sinh.

* Sốt có thể là một phản ứng của cơ thể như: sốt mọc răng, sốt sau tiêm chủng, hoặc một số trẻ sốt do mặc nhiều quần áo (trẻ còn nhỏ nên cơ thể chưa điều hòa thân nhiệt tốt, khi mặc quá nhiều quần áo cũng có thể khiến thân nhiệt trẻ tăng cao). Nhiều cha mẹ hiểu nhầm, rằng sốt là điều xấu và là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm tiềm ẩn. Điều này không đúng. Sốt là phản ứng bình thường và khỏe mạnh của cơ thể với bệnh tật. Hệ miễn dịch tiết ra các hóa chất làm tăng nhiệt độ cơ thể. Đó là một phần bình thường của quá trình chiến đấu chống bệnh nhiễm trùng.

Sốt thường không nguy hiểm, không cần phải đưa trẻ đi khám cấp cứu ngay, ngoại trừ các trường hợp dưới đây:

Trẻ dưới 8 tuần tuổi xuất hiện sốt trên 37,5oC

Trẻ có 1 trong 4 dấu hiệu nguy hiểm toàn thân như đã phân tích ở trên.

Trẻ sốt cao liên tục không hạ mặc dù đã uống hạ sốt.

Cách đo nhiệt độ cho trẻ

Dùng nhiệt kế thủy ngân thông thường đo dưới nách. Đây là phương pháp đo nhiệt độ chính xác nhất, tuy khó áp dụng với trẻ đang khóc, vặn vẹo. Cố giữ nhiệt kế trong 5 phút, đầu nhiệt kế phải nằm sâu trong hố nách.

Nhiệt kế điện tử có thể dùng đo ở trán, miệng, dưới nách hoặc đo ở hậu môn. Nhiệt kế này đo nhanh hơn nhiều, tuy nhiên kết quả không được chính xác so với nhiệt kế thủy ngân.

Chăm sóc trẻ bị sốt

Khi trẻ bị sốt, cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để chữa trị đúng cách. Tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh không cần thiết đối với trường hợp sốt do siêu vi, hay sốt do phản ứng của cơ thể.

Chăm sóc trẻ sốt đúng cách sẽ giúp trẻ đỡ mệt mỏi và phục hồi tốt hơn.

Dùng thuốc hạ sốt, lau mát cho trẻ bằng nước ấm.

Dùng thuốc hạ sốt

Cho trẻ uống hạ sốt khi trẻ sốt ≥ 38,5o C

Nên dùng thuốc hạ sốt nhóm paracetamol (nhóm hạ sốt được ưu tiên dùng cho trẻ, ít tác dụng phụ).

Liều dùng thuốc hạ sốt tùy theo cân nặng của trẻ 10 – 15 mg/kg cân nặng, từ 4-6 tiếng uống một lần.

Khi sốt, cơ thể bị mất nước thì cho trẻ ăn và uống các loại nước hoa quả, uống các loại nước hoa quả, uống nước canh, ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp. Ưu tiên uống oresol – chất bù nước, bù điện giải rất hiệu quả. Đối với trẻ trong giai đoạn bú mẹ hoàn toàn (< 6 tháng) chỉ cần cho trẻ uống oresol và bú mẹ càng nhiều càng tốt.

Lưu ý: khi pha oresol, cần đọc kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Không được pha với sữa, nước khoáng, nước canh, nước ngọt… Pha theo đúng tỷ lệ như hướng dẫn. Nếu pha đặc quá, không đủ lượng nước sẽ không tốt do thừa muối, gây ngộ độc oresol, để lại di chứng thần kinh không hồi phục. Pha loãng quá thì hiệu quả bù nước không cao.

Chườm ấm cho trẻ. Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm, vắt nhẹ rồi chườm cho trẻ. Tuyệt đối không được sử dụng nước đá để chườm.

Nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Tránh ủ ấm trẻ vào trong chăn, màn, hay quần áo quá ấm (trừ khi vào mùa đông).

Nên cho trẻ ở trong phòng thoáng, không khí đối lưu, nhiệt độ trong phòng mát mẻ (không quá nóng hoặc quá lạnh).

Bên cạnh đó, cha mẹ cần có kiến thức và hiểu biết về các bệnh liên quan đến sốt để có hướng xử trí và chăm sóc phù hợp.

BSCKI Vũ Thị Lan

Phòng Kế hoạch nghiệp vụ

Bài viết liên quan

Cách phòng tránh sỏi mật hiệu quả

Ngọc Nga

COVID-19: Virus SARS-CoV-2 lây lan tại Indonesia thuộc chủng mới

CDC Hà Nam

5 điều cần biết về bệnh cúm

Ngọc Nga

Để lại bình luận