Tác động của COVID-19 lên hệ tim mạch

(CDC Hà Nam)
COVID-19 đang gây ra thảm họa y tế với nhiều vùng và quốc gia. Căn bệnh này cũng tác động lên hệ thống tim mạch và do đó ảnh hưởng tới bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.

Mỗi năm, có khá nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch do virus gây ra. Virus cúm có thể tác động lên hệ tim mạch của chúng ta. Tuy nhiên, phần lớn những tác động này là rất nhỏ và hầu hết đều không gây ra triệu chứng nặng nề cho cơ thể. Nhưng virus cúm mùa có thể gây ra những hậu quả không hề nhỏ cho bệnh nhân. Virus cúm mùa được ghi nhận gây ra viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, tăng tỷ lệ nhồi máu cơ tim, tăng các biến cố mạch não…

Chúng ta từng trải qua những đại dịch gây hoảng loạn toàn cầu như SARS, MERS-CoV và cúm A/H1N1. Nhưng giờ đây, chúng ta đang chứng kiến một đại dịch lớn nhất cho loài người trong 1 thế kỷ qua. Nó gây ra thảm họa y tế và nhân đạo với nhiều vùng và quốc gia, với số ca mắc không ngừng tăng. Mới đây, tạp chí Tim mạch châu Âu đăng tải bài viết của BS. Xiong Tian Yuan về những tác động của COVID-19 lên hệ thống tim mạch. Điều này giúp cho chúng ta có một cái nhìn nhất định về tác động của virus này lên bệnh nhân tim mạch.

Những ảnh hưởng của COVID-19 lên hệ tim mạch

Bài báo của BS. Xiong Tian Yuan cho thấy virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19) gây viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim và gia tăng tình trạng suy tim cho những bệnh nhân nhiễm virus này. Đi cùng với những tổn thương ở phổi, nó có thể gây ra các bệnh lý tim mạch và làm các bệnh lý tim mạch nặng nề hơn. COVID-19 cũng làm tăng đáng kể các bệnh lý đi kèm và các biến chứng của nó. Tụt áp, rối loạn nhịp như nhịp nhanh hay nhịp chậm, thậm chí đột tử cũng được ghi nhận ở bệnh nhân mắc COVID-19. Tình trạng viêm cơ tim làm thay đổi điện tâm đồ và tăng troponin (men tim) gặp trên một số bệnh nhân. Siêu âm tim có thể cho thấy tình trạng suy chức năng tâm trương thất trái. Nghiên cứu cho thấy tổn thương cơ tim cấp tính là 7,2%, sốc tim là 8,7% và rối loạn nhịp là 16,7% trên bệnh nhân mắc COVID-19. Nhưng quan trọng hơn, những bệnh nhân này thường bị nặng và đa số đều phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Các ca COVID-19 cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong lên tới 50% trong bệnh viện ở những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính mà trong những bệnh nhân này hơn một nửa là những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý về mạch máu não trước đó.

Tác động của COVID-19 lên hệ tim mạchVirus cúm mùa và SARS-CoV-2 có thể gây viêm cơ tim.

Cũng có một số khác biệt của SARS-CoV-2 so với những virus cúm mùa trước đó. Nếu trước đây, viêm cơ tim nặng do virus cúm mùa đa phần gặp ở những bệnh nhân nữ trẻ tuổi thì thống kê tại Ý mới đây cho thấy, tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim ở người trẻ đa phần là nam giới.

Một số lưu ý tim mạch với bác sĩ điều trị bệnh COVID-19

Những bệnh nhân có bệnh lý mạch vành thường sẽ có tăng nguy cơ nứt vỡ mảng xơ vữa thứ phát do tình trạng viêm nhiễm. Nên những bệnh nhân này nên dùng các thuốc ổn định mảng xơ vữa như statin.

Do tác động của viêm nhiễm có thể có tình trạng tăng đông máu gia tăng nên chú ý dùng thêm các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu và/hoặc thuốc chống đông máu.

SARS-CoV-2 có mang tế bào chứa thụ thể ức chế men chuyển 2 (ACE 2).

Cytokine có thể là chất trung gian làm tổn thương đa tạng trên bệnh nhân COVID-19.

Với bệnh nhân suy tim hoặc có tình trạng quá tải dịch, việc truyền dịch quá nhiều trong điều trị COVID-19 nên được cẩn trọng và theo dõi chặt chẽ.

Nhanh chóng cách ly bệnh nhân tim mạch với những bệnh nhân mắc COVID-19 kể cả trong những phòng chăm sóc đặc biệt.

Tác động của COVID-19 lên hệ tim mạchCOVID-19 có ảnh hưởng tới hệ tim mạch.

Những lưu ý với bệnh nhân tim mạch

Tất cả những bệnh nhân tim mạch là những bệnh nhân có nguy cơ cao, chúng ta nên tuân thủ theo các hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế như tránh tụ tập chỗ đông người, hạn chế đi lại nhiều nhất có thể, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.

Những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nên được tiêm phòng ngừa vắc-xin chống cúm.

Nếu bạn đang trong vùng có dịch và tình trạng tim mạch của bạn ổn định, tránh đến khám trực tiếp ở các cơ sở y tế. Nên thay vì khám trực tiếp, bạn có thể trao đổi với bác sĩ của bạn qua điện thoại.

Để cải thiện hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tim mạch, quan trọng nhất là luôn ăn uống đầy đủ, tránh rượu bia, đảm bảo giấc ngủ và tránh mọi căng thẳng không đáng có.

TS.BS. Phạm Như Hùng (Suckhoedoisong.vn)

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Có một căn bệnh không chết người nhưng nguy hiểm không kém gì ung thư

Ngọc Nga

Lưu ý về đeo khẩu trang ngừa lây nhiễm COVID-19

Ngọc Nga

Phòng và trị viêm mũi dị ứng

CDC Hà Nam

Để lại bình luận