Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) ở Hà Nam vẫn gặp những khó khăn như: nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên; công tác kiểm tra, xử phạt chưa được triển khai mạnh, vẫn còn nhiều bất cập.
Những năm qua, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể của tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc luật; thực hiện nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, thái độ của cán bộ, người dân về tác hại của thuốc lá. Một trong những giải pháp mà tỉnh đã chú trọng triển khai là tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là lớp trẻ về tác hại của thuốc lá gây ra.
Đẩy mạnh tuyên truyền PCTH của thuốc lá đối với các em học sinh
Đối với Ngành Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào dạy lồng ghép bộ tài liệu truyền thông, giáo dục, phòng, chống tác hại thuốc lá mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế biên soạn trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức truyền thông trực tiếp cho học sinh tại một số trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục ký cam kết giữa phụ huynh và nhà trường về quản lý học sinh. Đối với những trường học có học sinh sử dụng thuốc lá, yêu cầu nhà trường lắp đặt camera tại những nơi góc khuất để giám sát, theo dõi học sinh sử dụng những nơi này để hút thuốc lá trong nhà trường… Nhờ đó, thời gian gần đây, tình trạng học sinh hút thuốc lá giảm đáng kể.
Đối với Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh) hàng năm có công văn gửi các ban, sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá, trong việc tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc lá. Thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc như treo biển cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc (tại nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng…). Đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động năm của đơn vị. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31/5. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát video, clip truyền thông PCTHTL tại khu vực khoa khám bệnh. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các ban, ngành từ huyện đến các xã, phường, thị trấn tổ chức có hiệu quả đợt tuyên truyền PCTHTL; tổ chức treo băng rôn trên các trục giao thông chính, các bến xe, công viên, cửa ngõ của huyện, thị, thành phố, các xã, phường, thôn, bản và cổng các cơ quan, trường học… Qua đó, kiến thức, nhận thức về tác hại của thuốc lá và tầm quan trọng của việc PCTHTL đối với sức khỏe người dân ngày càng nâng cao.
Phát tờ rơi tuyên truyền về PCTH của thuốc lá cho các em học sinh
Để làm tốt công tác PCTHTL tại các đơn vị y tế, thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL, xây dựng kế hoạch hoạt động, đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, ngành Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh về thực hiện PCTHTL bằng nhiều hình thức như phát động phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học không khói thuốc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện truyền thông trực tiếp tại các trường học, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đến nay, trên toàn tỉnh đã có 100% đơn vị y tế xây dựng kế hoạch, nội quy bệnh viện không khói thuốc lá. Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định hút thuốc lá không đúng nơi quy định. Đặc biệt hoạt động này cần hơn nữa sự chung tay, vào cuộc của cả các cấp, các ngành, góp phần hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng nguy hại không đáng có từ thuốc lá.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTHTL vẫn gặp nhiều khó khăn. Do nhận thức của một bộ phận người dân về tác hại của thuốc lá còn hạn chế, còn sự chủ quan, xem nhẹ các ảnh hưởng của thuốc lá. Tỷ lệ học sinh độ tuổi từ 13-15 sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng lên. Có lúc, có nơi, công tác PCTHTL lá bị sao nhãng, thiếu quyết liệt. Tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, thuốc lá điện tử đang diễn biến phức tạp. Công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm trong PCTHTL chưa thực chất và thiếu tính răn đe.
Mỗi năm, các cơ sở khám chữa bệnh đã phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư các loại, trong đó, ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao nhất; thể hiện tỷ lệ người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao trong cộng đồng. Để khắc phục tồn tại và nâng cao hiệu quả của công tác PCTHTL được thực hiện tốt, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTHTL; đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước tại thôn, làng, bản, tổ dân phố; xây dựng các mô hình thí điểm như: Nhà hàng, khách sạn, địa điểm công cộng, cơ sở y tế… Các cấp, ngành, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục các tầng lớp nhân dân về PCTHTL. Đồng thời, các đơn vị chức năng tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép việc kiểm tra thực hiện Luật PCTHTL vào chương trình, kế hoạch kiểm tra của các cơ quan.
Phan Hạnh