Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Thông tư này ban hành do mức lương cơ sở được Chính phủ điều chỉnh từ 1-7-2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng. Bộ Y tế cho biết mức giá này được áp dụng từ ngày 17-11, thay thế mức giá quy định trong Thông tư 39/2018 và Thông tư 13/2019 của Bộ Y tế.
Nhìn tổng thể, mức giá điều chỉnh các dịch vụ tăng khoảng 10%.
Cụ thể, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt (như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Quân đội 108) tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng.
Giá khám tại các Trạm Y tế xã nâng từ 27.500 lên 30.100 đồng.
Mức tăng ở bệnh viện hạng I từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng; bệnh viện hạng II từ 34.500 đồng lên 37.500 đồng; bệnh viện hạng III từ 27.500 đồng lên 30.100 đồng.
Giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu tăng theo từng hạng bệnh viện. Cụ thể như: ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá tăng lên 509.400 đồng (tăng 51.400 đồng); hạng I là 474.700 đồng (tăng 47.700 đồng); hạng II là 359.200 đồng (tăng 34.200 đồng)…
Giá ngày giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc tăng khoảng trên dưới 10% tùy thuộc vào hạng bệnh viện. Cụ thể, giá giường bệnh này của hạng đặc biệt có giá mới là 867.500 đồng (tăng 85.500 đồng), giá ở hạng I là 786.00 đồng (tăng 80.700 đồng), hạng II là 673.900 đồng (tăng 71.900 đồng).
Giá xét nghiệm và kỹ thuật của hơn 1.900 dịch vụ cũng thay đổi. Cụ thể: giá dịch vụ siêu âm tăng từ 43.900 đồng lên 49.300 đồng; chụp CT Scanner đến 32 dãy có thuốc cản quan tăng từ 632.000 đồng tới 643.000 đồng… Trước đó, tháng 7-2023, trong văn bản phản hồi về ý kiến của các bộ, ngành, đối với lộ trình điều chỉnh giá khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mức điều chỉnh viện phí theo mức tăng lương cơ sở vào khoảng 5% .
Thanh Huyền (tổng hợp)