Ngày 7/12/2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Bộ môn Dịch tễ – Học viện Quân Y tổ chức lớp tập huấn kỹ năng thực hiện đề tài “Đánh giá tính an toàn của vắc xin Viêm não Nhật Bản bất hoạt”.
Dự tập huấn, có TS Hoàng Hoa Sơn và các chuyên viên Cục Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế); TS Vũ Tùng Sơn và các chuyên viên Bộ môn dịch tễ – Học viện Quân Y; ThS Nguyễn Ngọc Ánh – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; đại diện lãnh đạo, trưởng các khoa: Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS, chuyên trách tiêm chủng mở rộng, bác sĩ chuyên khoa Nhi, đội cấp cứu lưu động của Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm và Kim Bảng; trạm trưởng, chuyên trách tiêm chủng mở rộng của các Trạm y tế xã/thị trấn của 2 huyện…
Vi rút Viêm não Nhật Bản (VNNB) là một thành viên của vi rút Arbo. Là những vi rút do côn trùng, tiết túc truyền cho động vật có xương sống qua đường máu. Vi rút VNNB tồn tại trong thiên nhiên trên các vật chủ như: lợn, một số loài chim và tồn tại ở các véc tơ truyền bệnh là muỗi. Từ đó, vi rút được truyền qua người do muỗi đốt các động vật mang vi rút. Có khoảng 3 tỷ người trên thế giới sống ở trong vùng dịch VNNB lưu hành và hàng năm có khoảng 50 nghìn lượt người mắc VNNB, trong đó khoảng 15 nghìn trường hợp tử vong. Khoảng 50% số còn lại mang di chứng thần kinh sau khi được điều trị khỏi.
Nghiên cứu bắc cầu, nhãn mở, đánh giá tính an toàn của vắc xin Viêm não Nhật Bản bất hoạt (JEEV), sản xuất từ tế bào VERO trên người Việt Nam tình nguyện, khoẻ mạnh theo phác đồ 2 liều, tiêm bắp, khoảng cách 28 ngày giữa các liều, do TS Phạm Minh Đàm – Học viện Quân Y làm chủ nhiệm đề tài. Nghiên cứu này được tiến hành để đánh giá tính an toàn của vắc xin nghiên cứu, một loại vắc xin do Ấn Độ sản xuất và đã được phép lưu hành tại Ấn Độ cũng như một số nước khác trên thế giới. Vắc xin này đã được xác nhận là an toàn và có khả năng bảo vệ người sử dụng vắc xin khỏi bệnh VNNB trong các nghiên cứu cũng như trong thực tế sử dụng tại nước ngoài. Nghiên cứu tiến hành tại hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng của tỉnh Hà Nam. Dự kiến thời gian triển khai thực hiện nghiên cứu vào tháng 12/2019. Nghiên cứu chọn 220 đối tượng từ 12 tháng đến 18 tuổi đủ tiêu chuẩn sẽ được tham gia vào nghiên cứu này.
Khi tham gia vào nghiên cứu, cha mẹ/người giám hộ hợp pháp của đối tượng sẽ có thêm hiểu biết về bệnh VNNB và cách phòng bệnh; đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ được dùng các vắc xin theo đúng độ tuổi quy định, được theo dõi/chăm sóc/bảo hiểm sức khoẻ trong suốt thời gian nghiên cứu. Đặc biệt, được dùng vắc xin phòng bệnh VNNB và điều này sẽ có khả năng bảo vệ cho đối tượng không bị mắc bệnh VNNB./.
Ngọc Nga